Khai mạc trưng bày các tác phẩm 'Kể chuyện sau ngày thống nhất'
Chiều 19-5, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trưng bày chuyên đề 'Kể chuyện sau ngày thống nhất'.
Trưng bày chuyên đề "Kể chuyện sau ngày thống nhất" được tổ chức vào chiều 19-5, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-41975 – 30-4-2025) và 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2025), nhằm tri ân những cống hiến của các thế hệ đã hy sinh vì độc lập, tự do và hòa bình của Tổ quốc.

Những tác phẩm, bức ký họa được chia sẻ tại triển lãm
Phát biểu khai mạc, ông Trần Minh Công, Phó giám đốc phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, cho biết trưng bày chuyên đề “Kể chuyện sau ngày thống nhất" do bảo tàng Mỹ thuật thực hiện lần này là kết hợp tác phẩm thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật và sáng tác của các nghệ sĩ Câu lạc bộ Truyền thống Mỹ thuật Giải phóng.

Ông Trần Minh Công, Phó giám đốc phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM
Theo ông Trần Minh Công, các tác phẩm là những bức ký họa lột tả sự tàn khốc của chiến tranh; ghi lại khoảnh khắc bình yên hiếm hoi nơi chiến tuyến. Đó đều là những mảnh ghép thời gian, khơi dậy hồi ức về một giai đoạn lịch sử đã xa nhưng chưa bao giờ phai nhạt.



Các tác phẩm được trưng bày với nhiều chất liệu như Sơn dầu, sơn mài, bút sắt...
"Các tác phẩm còn là nền tảng tinh thần nuôi dưỡng nguồn cảm hứng và chiều sâu cho hành trình sáng tạo thế hệ sau, để nghệ thuật không ngừng phát triển và tiếp nối những giá trị truyền thống cốt lõi" - ông Trần Minh Công nói.
Chuyên đề đã giới thiệu 105 tác phẩm gồm tranh, tượng, ký họa từ sưu tập được sắp xếp thành bốn chủ đề: “Ký họa chiến trường”, “Hồi ức bão lửa”, “Những khoảng lặng” và “Góc nhìn hôm nay”.

Tác phẩm "Chất độc màu da cam" của Nguyễn Văn Bôm gây xúc động với người xem


Tác giả Trần Xuân Hòa bên cạnh tác phẩm Dưới tán cây được bà thực hiện trong 6 tháng




Các tác phẩm thể hiện từng giai đoạn, trận đánh hào hùng của cha ông
Trong đó, các tác phẩm trưng bày nổi bật của ba chủ đề đầu tiên có thể kể đến như "Truy kích" (Trang Phượng), "Trạm giao liên" (Nguyễn Văn Đệ), "Xuống đường" (Phạm Đỗ Đồng), "Tiến quân ra đèo Hải Vân" (Thái Hà), "Xuống đường chống Mỹ" (Đào Thế), "Vết xích xe tăng giặc" (Huỳnh Văn Thuận),… Đây là các tác phẩm thuộc sưu tập của Bảo tàng.

Còn "Góc nhìn hôm nay" góp phần nối tiếp dòng chảy ký ức bằng một tinh thần mới với sáng tác mới của các họa sĩ, nhà điêu khắc thuộc Câu lạc bộ Truyền thông Mỹ thuật Giải phóng như Phan Hữu Thiện, Trang Phượng, Trần Xuân Hòa, Hồng Xuân, Quách Phong, Huỳnh Thị Kim Tiền, Nguyễn Hoàng; nhà điêu khắc Nguyễn Quốc Thắng và Nguyễn Xuân Tiên.


Tượng Mẹ Út Tịch và nhà văn Sơn Nam được trưng bày
Thông qua ngôn ngữ hội họa và điêu khắc, những câu chuyện của quá khứ gợi mở không gian suy ngẫm về những thăng trầm của lịch sử và sự hi sinh to lớn của những người đã chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc; từ đó nhận thức sâu sắc ý nghĩa thiêng liêng của hòa bình, lý tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng đau đáu trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.

Ông Hoàng Nghị, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa Sở VH&TT tham quan trưng bày
Trưng bày "Kể chuyện sau ngày thống nhất" kéo dài đến hết ngày 8-6-2025.