Khai mạc trưng bày chuyên đề 'Bút sắc, lòng son' tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò
Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2025) và hướng tới chào mừng 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngày 16/7, tại Hà Nội, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức lễ khai mạc trưng bày chuyên đề 'Bút sắc, lòng son'.
Chương trình do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chỉ đạo thực hiện, là hoạt động mang ý nghĩa tri ân các anh hùng liệt sĩ, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng, hun đúc lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay.
Chuyên đề “Bút sắc, lòng son” gồm ba phần: “Trong chốn lao tù”, “Bút sắc, lòng son” và “Gắn kết yêu thương”. Mỗi phần là một lát cắt chân thực, cảm động về cuộc đời và tinh thần kiên trung của những người chiến sĩ cách mạng trong lao tù thực dân, nơi tưởng như chỉ có gông cùm, xiềng xích nhưng lại rực cháy niềm tin, lý tưởng cách mạng và khát vọng tự do.
Phần trưng bày “Trong chốn lao tù” giới thiệu hệ thống nhà tù thực dân, đế quốc từng sử dụng để giam cầm những người yêu nước Việt Nam, như: Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), Nhà tù Côn Đảo, Khám Lớn (Sài Gòn), Trại giam Chín Hầm (Huế), Nhà đày Buôn Ma Thuột… Dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt, người chiến sĩ cộng sản vẫn giữ vững niềm tin với Đảng, với cách mạng.
Nội dung “Bút sắc, lòng son” tập trung khắc họa chân dung 10 chiến sĩ yêu nước, cách mạng – những người đã dùng chính ngòi bút của mình để phản ánh hiện thực tù ngục, kêu gọi đồng bào đứng lên đấu tranh. Họ là Nguyễn An Ninh, Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Quang Thái, Trần Mai Ninh, Đinh Nho Diệm, Thôi Hữu, Phạm Hướng và Nguyễn Minh Vân. Trưng bày ghi lại những sáng tác thơ, bài viết, lá thư cảm động… được viết bằng những vật dụng thô sơ, trong điều kiện hết sức thiếu thốn. Đây chính là những "vũ khí sắc bén" trên mặt trận không tiếng súng, thể hiện tinh thần lạc quan, bất khuất và lòng yêu nước sắt son.
Phần cuối “Gắn kết yêu thương” tái hiện tình cảm hậu phương - tiền tuyến, từ những lá thư, vần thơ gửi từ trong ngục tối đến nơi biên cương, hải đảo hôm nay. Tình cảm gia đình, đồng đội, sự sẻ chia, động viên từ hậu phương chính là nguồn sức mạnh lớn lao để người chiến sĩ vượt qua gian khổ, tiếp tục vững bước trên con đường cách mạng.
Một điểm nhấn đặc biệt trong khuôn khổ trưng bày là hoạt cảnh tái hiện câu chuyện về đồng chí Phạm Hướng – cán bộ Đoàn chuyên trách của phong trào học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội, bị địch bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò năm 1949 - 1950. Câu chuyện xúc động từ khoảnh khắc gặp lại đồng đội trong trại giam, giây phút thăm nuôi ngắn ngủi với người thân, đến ngày bị đày ra Côn Đảo đã để lại nhiều dư âm mạnh mẽ đối với người xem. Hiện vật như chiếc khăn mùi xoa của đồng chí Phạm Hướng gửi về cho gia đình cũng được trưng bày tại triển lãm.
Phát biểu tại lễ khai mạc, đại diện Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò khẳng định: “Trưng bày chuyên đề lần này không chỉ là dịp để tưởng nhớ, tri ân những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, mà còn là lời nhắn gửi thế hệ hôm nay hãy trân trọng và phát huy giá trị của hòa bình, độc lập mà cha ông đã đánh đổi bằng máu xương mới giành được”.
Trưng bày “Bút sắc, lòng son” mở cửa đến hết ngày 31/8/2025 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 phố Hỏa Lò, phường Cửa Nam, Hà Nội.
Hình ảnh tại buổi trưng bày:


Nội dung trưng bày “Bút sắc, lòng son”.

Trưng bày “Bút sắc, lòng son” có sự tham gia thân nhân của các chiến sĩ cách mạng từng bị bắt tại nhà tù Hỏa Lò.


Tái hiện cuộc sống trong nhà nhù Hỏa Lò của các chiến sĩ cách mạng.

Hoạt cảnh tái hiện câu chuyện về đồng chí Phạm Hướng, cán bộ đoàn chuyên trách của phong trào học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội trong thời gian bị địch bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò năm 1949 - 1950.

Các đại biểu tham quan trưng bày.

Khách tham quan xúc động về triển lãm.