Tận dụng lợi thế địa phương để khởi nghiệp
Từ những tài nguyên bản địa đa dạng, người dân trong tỉnh đã có những mô hình khởi nghiệp thành công.
Khơi dậy tiềm năng du lịch vùng cao
Ở khu vực phía tây của tỉnh, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp từ phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng, khai thác lợi thế về cảnh quan thiên nhiên cùng những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) tại địa phương.
Làng Kon K’Tu, xã Đăk Rơ Wa là một ngôi làng cổ nằm ven bờ sông Đăk Bla thơ mộng, cư dân của làng phần lớn là đồng bào dân tộc Ba Na. Ngôi làng hiện còn giữ nguyên những nét truyền thống độc đáo trong sinh hoạt, bảo tồn gần như nguyên vẹn bản sắc văn hóa của người Ba Na như những ngôi nhà rông, nhà sàn cổ; nghề đan lát tre nứa, dệt thổ cẩm truyền thống, chế tác nhạc cụ và không gian văn hóa cồng chiêng... Năm 2020, làng Kon K’Tu được công nhận là làng du lịch cộng đồng.
Mong muốn quảng bá nét đẹp của làng Kon K’Tu đến với khách du lịch trong nước, quốc tế, anh A Kâm (35 tuổi), một người con của làng, sau khi tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ làm du lịch đã mạnh dạn khởi nghiệp làm du lịch. Ngoài tổ chức dịch vụ ăn uống, lưu trú, anh A Kâm liên kết với người dân địa phương tổ chức các hoạt động như: Chèo thuyền độc mộc trên dòng sông Đăk Bla; leo núi xuyên rừng; trải nghiệm cuộc sống, công việc làm rẫy của người Ba Na; trải nghiệm các nghề thủ công như đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng gỗ; giao lưu, biểu diễn văn hóa cồng chiêng, múa xoang... thu hút nhiều du khách đến làng tham quan, trải nghiệm.

Du khách nước ngoài trải nghiệm đi thuyền độc mộc trên sông Đăk Bla đoạn thuộc làng Kon K’Tu, xã Đăk Rơ Wa. Ảnh: HOÀNG LỘC
Với nhiều hoạt động trải nghiệm đa dạng, mỗi năm cơ sở lưu trú của anh A Kâm đón hơn 100 lượt khách, trong đó hơn 60% là khách nước ngoài. “Khi đến với làng Kon K’Tu, tôi rất ấn tượng với nét văn hóa nguyên sơ của người dân Ba Na, cùng vẻ đẹp của thiên nhiên, khí hậu trong lành, sự thân thiện, mến khách của người dân. Chất lượng dịch vụ homestay, ẩm thực bản địa cũng rất phong phú. Chúng tôi còn được tìm hiểu về văn hóa và trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị với người dân nơi đây”, bà Venice Duncan, du khách người Anh, chia sẻ.
Hai năm trở lại đây, xã Đăk Sao cũng dần trở thành điểm đến của khách du lịch. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan đẹp như thác Siu Puông hùng vĩ, cánh đồng ruộng bậc thang Siu Pria và Siu Nóa, núi Ngọc Kal với hệ thực vật và rừng nguyên sinh tự nhiên, những vườn sâm Ngọc Linh... Đồng thời, Đăk Sao còn lưu giữ được những bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Xơ Đăng.
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Đăk Sao, chị Y Gia Nhi (30 tuổi), ở thôn Mô Bành 1 hiểu tường tận từng nếp nhà, ngọn núi, các cảnh đẹp của quê hương. Năm 2023, chị Nhi tình cờ gặp một đoàn khách du lịch hỏi đường lên thác Siu Puông. Từ đó, chị đã nảy sinh ý tưởng làm du lịch và tự tìm tòi, học hỏi cách làm du lịch. Chị Nhi đầu tư xây dựng một căn nhà sàn để làm chỗ lưu trú; phối hợp với các công ty du lịch để tìm kiếm và đưa du khách đến ở tại cơ sở lưu trú của gia đình. Cùng với đó, chị Nhi trực tiếp làm hướng dẫn viên du lịch cho các đoàn khách. Ngoài ra, chị Nhi còn liên kết với 60 người dân địa phương thành lập các đội xe thồ, đội ẩm thực, đội cồng chiêng, đội múa xoang... để phục vụ khách. Bình quân mỗi năm, cơ sở lưu trú của chị Nhi đón gần 800 lượt khách du lịch. Nhờ liên kết làm du lịch với chị Nhi, nhiều người dân địa phương có thu nhập ổn định. “Từ việc chở khách tham quan các cảnh đẹp tại địa phương, biểu diễn cồng chiêng, múa xong, phục vụ ẩm thực... mỗi người dân địa phương có thu nhập từ 1 - 3 triệu đồng/tháng”, chị Nhi chia sẻ.
Nâng tầm đặc sản quê nhà
Ở tuổi 55, ông Nguyễn Văn Nhị, ở thôn 1, xã Mộ Đức vẫn mạnh dạn đầu tư máy móc vào quy trình sản xuất bánh tráng. Tận dụng lợi thế địa phương có truyền thống làm nghề bánh tráng, đồng thời ông Nhị là truyền nhân đời thứ tư của gia đình làm nghề bánh tráng, từ đó ông đã xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm bánh tráng Trích Nhị được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Dù sản xuất bằng máy móc, nhưng bánh tráng của cơ sở ông Nguyễn Văn Nhị vẫn giữ được hương vị đặc trưng. Ảnh: TRUNG ÂN
Theo lời ông Nhị, nghề bánh tráng ở địa phương đã có từ lâu đời. Ngày trước, các công đoạn từ ngâm bột, xay bột, tráng bánh đều thực hiện thủ công, nên tốn nhiều thời gian, công sức mà số lượng bánh làm ra không đủ đáp ứng thị trường. Vì vậy, điều mà ông trăn trở nhất là làm thế nào để đưa công nghệ vào quá trình sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Năm 2017, ông Nhị bắt đầu chuyển đổi quy trình sản xuất thủ công sang máy móc. Nhờ đó, cơ sở sản xuất bánh tráng Trích Nhị không chỉ tăng năng suất mà còn cải thiện chất lượng bánh tráng làm ra.
Tuy nhiên, để có được bánh tráng thơm ngon thì không chỉ dựa vào máy móc, mà còn có một số bí quyết. Trong đó, gạo và hạt mè là nguồn nguyên liệu quan trọng, do vậy phải chọn được loại gạo ngon, hạt mè không lẫn tạp chất. Sau đó ngâm gạo qua đêm rồi đem đãi sạch, đợi gạo ra bớt nhựa mới xay thành bột để khi tráng, bánh mới có độ mềm dai. “Dù sản xuất bằng máy móc, nhưng những chiếc bánh tráng ở cơ sở sản xuất của gia đình tôi vẫn giữ được hương vị thơm ngon, đặc trưng. Bí quyết nằm ở việc lựa chọn nguyên liệu và công thức pha chế trước khi tráng bánh. Đặc biệt là bánh được phơi nắng thì khi nướng sẽ thơm và giòn hơn”, ông Nhị chia sẻ. Sản phẩm bánh tráng của ông Nhị được người dân các địa phương trong vùng ưa chuộng.
Cuối năm 2022, sản phẩm của cơ sở bánh tráng Trích Nhị được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Không chỉ tập trung vào khâu nâng cao chất lượng sản phẩm, ông Nhị còn chú trọng tiếp thị, tiếp cận thị hiếu của người tiêu dùng. Cơ sở cũng tích cực tham gia các hội chợ, các điểm kết nối tiêu thụ để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm bạn hàng. Nhờ đó, thương hiệu bánh tráng Trích Nhị của gia đình ông mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Hiện tại, cơ sở bánh tráng Trích Nhị duy trì sản xuất 2 dòng bánh là bánh tráng nhúng nước và bánh tráng nướng. Không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình, cơ sở còn còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Mộ Đức Đặng Ngọc Ánh, cơ sở sản xuất bánh tráng Trích Nhị là một trong những mô hình tiểu thủ công nghiệp được địa phương đánh giá cao, hiệu quả trong thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Nhờ giữ được chất lượng truyền thống, sản phẩm bánh tráng Trích Nhị ngày càng được thị trường đón nhận. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đồng hành để những sản phẩm truyền thống tham gia chương trình giới thiệu, kết nối sản phẩm, có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ hơn nữa.
Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/tan-dung-loi-the-dia-phuong-de-khoi-nghiep-54535.htm