Khai mạc trưng bày chuyên đề 'Bút sắc, lòng son' về các chiến sĩ yêu nước
Nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh liệt sĩ, hướng tới chào mừng 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9, ngày 16/7, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề 'Bút sắc, lòng son'.
Cùng với trưng bày, Ban tổ chức ra mắt hoạt cảnh tái hiện câu chuyện về đồng chí Phạm Hướng, cán bộ Đoàn chuyên trách của phong trào học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội trong thời gian bị địch bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò năm 1949 – 1950.
Trưng bày “Bút sắc, lòng son” là câu chuyện cảm động về các chiến sĩ yêu nước, cách mạng bằng tài năng và sự sáng tạo đã biến những dòng thư, vần thơ, bài viết thành vũ khí sắc bén, vượt qua xiềng xích, hướng tới tự do. Tinh thần và ý chí ấy đã góp phần lan tỏa, tiếp tục truyền cảm hứng cho thế hệ sau về lòng dũng cảm, chiến thắng bản thân và vượt qua mọi thử thách, khó khăn trong cuộc sống.

Các đại biểu tham quan trưng bày "Bút sắc, lòng son".
Trưng bày gồm 3 phần. Phần 1 có chủ đề “Trong chốn lao tù” giới thiệu hình ảnh một số nhà tù mà kẻ địch từng sử dụng để giam các chiến sĩ yêu nước, cách mạng Việt Nam. Trong đó, Nhà tù Hỏa Lò do thực dân Pháp xây dựng năm 1896 - một trong những nhà tù kiên cố nhất Đông Dương. Nơi đây từng giam giữ, đày ải về thể xác và tinh thần hàng nghìn chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam (1899 - 1954).
Nhà tù Côn Đảo do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1862 và sử dụng đến năm 1954. Trong thời kỳ này, kẻ địch đã giam giữ, đày đọa hàng chục nghìn chiến sỹ yêu nước, cách mạng Việt Nam. Người tù phải sống trong điều kiện khắc nghiệt, chịu đựng những hình thức tra tấn tàn bạo và quy định khắt khe.
Nằm ở trung tâm Sài Gòn, Khám Lớn được coi là “vùng đất dữ”, một biểu tượng cho nền thống trị của thực dân Pháp ở Nam Kỳ. Những phòng giam tối tăm cùng máy chém và các cuộc hành quyết tù nhân trên đường phố đã trở thành nỗi khiếp sợ cho người dân mỗi khi đi qua.

Hoạt cảnh thu hút khách tham quan Hỏa Lò ngày 16/7.

Hoạt cảnh tạo nhiều cảm xúc cho người xem.
Trại giam Chín Hầm nguyên là kho vũ khí của thực dân Pháp, được chính quyền Ngô Đình Diệm cải tạo làm nơi giam giữ, tra tấn và thủ tiêu các chiến sỹ cách mạng và người yêu nước từ năm 1954 - 1963
Nhà đày Buôn Ma Thuột do thực dân Pháp xây dựng năm 1930 trên cao nguyên, rừng núi điệp trùng, khí hậu khắc nghiệt. Trong cảnh tù đày, những chiến sỹ cách mạng vẫn sắt son một niềm tin với Đảng để tôi luyện tinh thần và ý chí thép.
Phần thứ 2 chủ đề “Bút sắc, lòng son” giới thiệu về những chiến sĩ yêu nước, cách mạng đã sử dụng ngòi bút của mình để phản ánh hiện thực cuộc sống, những khắc nghiệt của chế độ tù đày và tình yêu quê hương, đất nước…, góp phần kêu gọi đồng bào vững chí, bền gan đứng lên đấu tranh. Có 10 chiến sĩ yêu nước, cách mạng được giới thiệu theo 10 tiểu mục, bao gồm: Nhà yêu nước Nguyễn An Ninh (1900 - 1943) - Tiếng chuông thức tỉnh đồng bào; đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (1908 - 1932) - Những sáng tác trong xà lim; đồng chí Hoàng Văn Thụ (1909 - 1944) - Những vần thơ gửi lại; đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (1910 - 1941) - Những bài thơ viết bằng máu; đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái (1915 - 1944) - Dốc lòng phấn đấu mặc đầu rơi; nhà báo, nhà thơ Trần Mai Ninh (1917 - 1948) - Ngòi bút sắc trên mặt trận văn hóa; nhà thơ Đinh Nho Diệm (1918 - 1947) - Thi sĩ cũng là chiến sĩ; nhà thơ, nhà báo Thôi Hữu (1919 - 1950) - Người chiến sĩ cầm bút; đồng chí Phạm Hướng (1923 - 1951) - Những lá thư xanh; đồng chí Nguyễn Minh Vân (1923 - 2014) - Truyện thơ “sống trong mồ”.
Phần thứ 3 chủ đề “Gắn kết yêu thương” giới thiệu những lá thư tay, bài thơ từ hậu phương gửi tới những chiến sĩ đang công tác nơi biên cương, hải đảo. Những dòng chữ ấy không chỉ là lời nhắn nhủ của người thân, bạn bè, mà còn là nhịp cầu gắn kết những trái tim, tiếp thêm niềm tin và sức mạnh nơi đầu sóng ngọn gió.
Trưng bày diễn ra đến hết ngày 31/8 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.