Khai mạc Trưng bày chuyên đề 'Chu Văn An - Thượng tường Sơn Đẩu'

Chiều 16/11, tại Tiền đường Nhà Thái học thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khai mạc trưng bày chuyên đề 'Chu Văn An - Thượng tường Sơn Đẩu', nhân kỷ niệm 650 năm Ngày mất của Danh nhân Chu Văn An.

Khách tham quan trưng bày. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Khách tham quan trưng bày. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Trưng bày chuyên đề “Chu Văn An - Thượng tường Sơn Đẩu” với ý nghĩa Thầy giáo Chu Văn An như núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu của Trường Quốc Tử Giám, được thể hiện bằng những tài liệu, hiện vật, hình ảnh, hình vẽ tiêu biểu với hai phần nội dung chính. Phần một “Túc thanh cao” giới thiệu về con người, nhân cách, sự nghiệp giáo dục của Danh nhân Chu Văn An. Phần hai “Gương Thầy sáng mãi” giới thiệu về Quốc Tử Giám; hoạt động tôn vinh Danh nhân Chu Văn An; học tập và phát huy tinh thần của Thầy giáo Chu Văn An.

Trưng bày được sắp đặt hiện đại trong không gian mở, đăng đối với ba không gian: Thanh Trì - Quê hương; Thăng Long - Quốc Tử Giám; Chí Linh - Nơi ở ẩn. Người xem sẽ hiểu rõ hơn cuộc đời, sự nghiệp giáo dục của Thầy giáo Chu Văn An - “Ông tổ của các nhà nho nước Việt”, hiểu hơn về khí phách một “Kẻ sĩ Thăng Long”.

Trưng bày còn giới thiệu đến công chúng về Quốc Tử Giám - nơi Thầy giáo Chu Văn An đã từng dạy học và những địa điểm thờ, những con đường, trường học mang tên Thầy giáo Chu Văn An để thấy được sự suy tôn, ngưỡng mộ của hậu thế đối với Thầy giáo Chu Văn An - Một người Thầy với những ảnh hưởng sâu đậm với giáo dục và văn hóa Việt Nam.

Khách tham quan trưng bày. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Khách tham quan trưng bày. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Chu Văn An sinh năm 1292, tên tự Linh Triệt, tên hiệu Tiều Ẩn, là người con của vùng đất Thanh Đàm, nay thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông là nhà giáo dục lớn của Việt Nam, nổi tiếng với kiến thức uyên thâm và nhân cách cương trực, thanh cao. Dưới triều vua Trần Minh Tông (1314-1329), nhà vua đã cử Chu Văn An giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám.

Trong thời gian đảm nhận trách nhiệm đứng đầu Trường Quốc Tử Giám, Chu Văn An cũng trực tiếp giảng dạy cho hai vị vua tương lai - Hoàng Thái tử Trần Vượng (sau là vua Trần Hiến Tông), Thái tử Trần Hạo (vua Trần Dụ Tông). Tư đồ Trần Nguyên Đán - người cùng thời đánh giá ông là bậc “Thượng tường Sơn Đẩu” về giáo dục. Đến nay, Thầy Chu Văn An chính là vị Tư nghiệp Quốc Tử Giám đầu tiên được nhắc đến trong lịch sử. Năm 1370, Thầy giáo Chu Văn An qua đời và được triều đình đưa vào phối thờ ở Văn Miếu. Đây là sự tôn vinh bậc nhất mà một triều đại quân chủ dành cho một học giả - thầy giáo.

Đại biểu tham quan khu trưng bày. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Đại biểu tham quan khu trưng bày. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Tại lễ khai mạc, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định: Chuỗi hoạt động kỷ niệm 650 năm Ngày mất Danh nhân Chu Văn An có ý nghĩa quan trọng không những với Thủ đô Hà Nội - quê hương Danh nhân Chu Văn An mà còn đối với cả nước, đặc biệt là ngành giáo dục và đào tạo. Tấm gương Thầy Chu Văn An là động lực tinh thần mạnh mẽ đối với thế hệ trẻ Việt Nam trên con đường học tập, rèn luyện, thành công và phụng sự đất nước.

Trưng bày diễn ra đến hết ngày 31/12.

Đinh Thuận (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/khai-mac-trung-bay-chuyen-de-chu-van-an-thuong-tuong-son-dau-20201116192749738.htm