Khái niệm Phật giáo dấn thân của Thiền sư Thích Nhất Hạnh ra đời như thế nào?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh - người đưa ra khái niệm Phật giáo dấn thân và hành đạo nổi tiếng khắp thế giới. Vậy 'Phật giáo dấn thân là gì'? Trong buổi trả lời phỏng vấn nhà báo John Malkin cách đây hơn một thế kỷ, Thiền sư khẳng định, Phật nằm chính trong nghệ thuật sống chánh niệm từng phút giây của cuộc đời.

Trong Phật giáo, khái niệm dấn thân bao hàm ý nghĩa đi tới, một cách tự nguyện, để hành động theo một mục đích, một chủ trương nhất định. Trong đời sống xã hội, có vô số thí dụ dấn thân, chẳng hạn như cưới hỏi, nhận con nuôi, nhập ngũ tự nguyện, đăng ký học, gia nhập hội, mua nợ, làm việc từ thiện, đi tu... tất cả có thể được xem như là những hành động dấn thân.

Còn Phật giáo dấn thân, theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng chỉ là Phật giáo. Ông giải thích: Khi bom dội lên đầu chúng sinh, bạn không thể ngồi trong thiền viện. Thiền là nhận thức về những gì đang xảy ra, không chỉ bên trong mà còn xung quanh cơ thể và cảm xúc của bạn.

Khi còn ở Việt Nam, những nhà sư trẻ tuổi chúng tôi đã chứng kiến nỗi đau khổ do chiến tranh gây ra. Bởi vậy, chúng tôi mong mỏi đưa đạo Phật vào xã hội. Điều này chẳng dễ dàng gì bởi xã hội truyền thống không trực tiếp hình thành Phật giáo dấn thân. Chúng tôi phải tự làm lấy. Đó là lý do Phật giáo dấn thân ra đời.

Phật giáo phải gắn liền với cuộc sống thường nhật, với nỗi đau của bạn và những người xung quanh. Bạn phải học cách giúp đỡ một đứa trẻ bị thương trong lúc duy trì hơi thở chánh niệm. Bạn phải giữ cho bản thân khỏi lạc lối trong hành động. Hành động phải đi cùng thiền.

Trước câu hỏi người ta thường cảm thấy phải lựa chọn giữa việc tham gia thay đổi xã hội hoặc tập trung vào bản thân và tinh thần?.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói: "Tôi nghĩ quan điểm đó khá nhị nguyên. Thực hành tôn giáo nên hướng đến giải quyết đau khổ: nỗi khổ bên trong bạn và nỗi khổ xung quanh bạn. Chúng đều liên kết với nhau. Nếu lên núi tu hành một mình, bạn không có cơ hội nhận ra sự giận dữ, ghen tỵ và tuyệt vọng ẩn sâu bên trong.

Đó chính là tại sao bạn phải gặp những người khác để nếm trải những cảm xúc ấy. Như thế bạn sẽ nhận ra và cố gắng nhìn vào bản chất của chúng. Không hiểu gốc rễ của phiền não, bạn sẽ không thể thấy con đường dẫn đến hồi kết. Đó là lý do vì sao đau khổ rất quan trọng đối với thực hành tôn giáo".

T.Ninh (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/khai-niem-phat-giao-dan-than-cua-thien-su-thich-nhat-hanh-ra-doi-nhu-the-nao-422361.html