Khai quật khảo cổ phục hồi di tích Đại Cung Môn

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang tiến hành khai quật khảo cổ tại di tích Đại Cung Môn nhằm thu thập thêm thông tin khoa học về quy mô và kết cấu, phục vụ công tác phục hồi công trình.

Đại Cung Môn là cửa chính dẫn vào Tử Cấm Thành, được xây dựng dưới triều vua Minh Mạng. Nằm trên trục thần đạo của Kinh thành Huế, công trình này có vị trí quan trọng: phía Nam là điện Thái Hòa, phía Bắc là sân bái mạng, tiếp đến là điện Cần Chánh.

Khai quật khảo cổ học ở khu vực Đại Cung Môn

Khai quật khảo cổ học ở khu vực Đại Cung Môn

Kiến trúc của Đại Cung Môn gồm 5 gian, có 3 cua. Mặt trước của công trình được làm hoàn toàn bằng gỗ, sơn son thếp vàng, trang trí các đề tài cổ điển kết hợp với thơ văn. Mặt sau có hai cánh hành lang lợp ngói thanh lưu ly, nối với nhà Tả Vu và Hữu Vu.

Hố khai quật khảo cổ

Hố khai quật khảo cổ

Tuy nhiên, Đại Cung Môn đã bị phá hủy vào năm 1947, hiện chỉ còn nền móng. Được sự cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đơn vị chuyên môn tiến hành khai quật với diện tích 60m², nhằm xác định chính xác các dấu tích còn lại của công trình.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang tiến hành khai quật khảo cổ tại di tích Đại Cung Môn

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang tiến hành khai quật khảo cổ tại di tích Đại Cung Môn

Hiện tại, các hố khảo cổ được đào tại nhiều vị trí khác nhau, có nơi sâu hơn 1m, phục vụ công tác nghiên cứu địa tầng, thu thập hiện vật. Dự kiến, công tác khai quật tại hiện trường sẽ hoàn thành vào ngày 17/4.

Khu vực khảo cổ ở Đại Cung Môn, Đại Nội Huế

Khu vực khảo cổ ở Đại Cung Môn, Đại Nội Huế

Trước đó, Hội đồng Nhân dân thành phố Huế đã thông qua chủ trương đầu tư dự án “Phục hồi di tích Đại Cung Môn”, dự kiến thực hiện trong 4 năm, với tổng kinh phí gần 65 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Việc tu bổ và phục hồi công trình không chỉ giúp hoàn thiện diện mạo kiến trúc của Đại Nội Huế, mà còn góp phần nâng cao giá trị di sản, phục vụ phát triển du lịch, nghiên cứu và học tập.

Ông Nguyễn Ngọc Chất, Phó Phòng Nghiên cứu Sưu tầm - Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cho biết: "Những cái hố khai quật nó phụ thuộc vào cái tình hình thực tế, làm sao để cho nó đầy đủ quy mô kết cấu của nó. Những chỗ mà đào nó không bị mất khá nhiều những cái thăm dò, thăm dò lại những vị trí trước đây mình chưa trù liệu, hôm nay mình phải đối diện lại, ví dụ như góc Đông Nam không còn thì phải thăm dò lại Đông Bắc, hiển nhiên nó sẽ ra được cái quy mô. Mục đích, làm sao có được đầy đủ thông để tin công tác trùng tu, tôn tạo".

Lê Hiếu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/khai-quat-khao-co-phuc-hoi-di-tich-dai-cung-mon-post1191652.vov