Khai thác chất liệu truyền thống vào âm nhạc: Hiểu sâu để làm mới
Mang nét văn hóa, sử dụng chất liệu âm nhạc truyền thống vào các sáng tác âm nhạc hiện đại là cách mà nhiều nghệ sĩ trẻ đang hướng đến. Thực tế đã có khá nhiều ca, nhạc sĩ thành công theo hướng đi này, tuy nhiên cần thật cẩn trọng khi kết hợp chất liệu truyền thống vào âm nhạc, vì chỉ cần 'sai một li' có thể 'đi một dặm'.
Kỳ vọng
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, âm nhạc Việt Nam đang cởi mở, tiếp cận nhiều xu hướng, trào lưu âm nhạc thế giới. Bên cạnh những sản phẩm âm nhạc chạy theo thị trường, nhiều nghệ sĩ đã lựa chọn đưa yếu tố văn hóa dân tộc vào sản phẩm của mình, cho thấy sức sống mãnh liệt của âm nhạc dân tộc vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ sĩ Việt. Và “mới lạ” là điều các sản phẩm âm nhạc kết hợp bởi chất liệu truyền thống cùng âm nhạc hiện đại mang lại, đang tạo ra một xu hướng trở về với văn hóa dân tộc của nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ.
Điểm chung của các nghệ sĩ âm nhạc thử nghiệm như: Kim Ngọc, Vũ Nhật Tân, Sơn X, Ngô Hồng Quang, Nguyễn Thanh Thủy… là thể hiện tư tưởng hiện đại dựa trên chất liệu truyền thống. Chẳng hạn như nghệ sĩ Ngô Hồng Quang dành một tình yêu đặc biệt cho âm nhạc dân gian. Mỗi khi có điều kiện là anh lại đến Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Bộ..., lần theo dòng mạch âm nhạc cổ truyền của các dân tộc, lắng nghe những giai điệu âm nhạc ở chính nơi nó được sinh ra để thấu hiểu và truyền tải chính xác cái hồn của âm nhạc truyền thống vào tác phẩm của mình. Theo nghệ sĩ Ngô Hồng Quang, mỗi lần đưa tác phẩm hoặc chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam vào không gian âm nhạc mới như jazz hoặc nhạc đương đại phương Tây, anh thấy mình như được hồi sinh, thấy âm nhạc Việt Nam có cơ hội trò chuyện với những nền văn hóa khác... Bền bỉ nhiều năm, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang liên tục cho ra mắt những sáng tác mới từ chất liệu âm nhạc bản địa và những bài dân ca phối khí mang màu sắc đương đại, được giới chuyên môn đánh giá cao.
Đại diện tiêu biểu cho nghệ sĩ trẻ thuộc thế hệ 9X cũng lựa chọn đi theo con đường kết hợp âm nhạc truyền thống và hiện đại là ca sĩ trẻ Hà Myo (Nguyễn Thị Ngọc Hà). Nhắc đến Hà Myo, công chúng sẽ nhớ đến “Xẩm Hà Nội”, một MV âm nhạc thể hiện nghệ thuật hát xẩm kết hợp một cách đầy ăn ý với rap và nhạc điện tử cùng vũ đạo hiện đại. Từ “Xẩm Hà Nội”, “Xẩm xuân xanh”, “Xẩm bốn mùa hoa Hà Nội”, Hà Myo tiếp tục gây chú ý với MV “Đập nàng Khọt” kết hợp dân ca Mường với rap bằng tiếng Mường và nhạc điện tử ra mắt hồi tháng 3.
Đầu tháng 6 năm nay, sau chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa, nữ ca sĩ đã ra mắt MV “Ký sự Trường Sa” hòa trộn giữa nhạc điện tử, rap và dân ca Nam Trung Bộ. Hà Myo khẳng định, bản thân sẽ kiên trì và miệt mài trên con đường đưa vẻ đẹp âm nhạc dân gian, nghệ thuật truyền thống Việt Nam đến với khán giả trẻ hôm nay.
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, những năm gần đây, có thêm nhiều sản phẩm âm nhạc khai thác chất liệu dân gian, truyền thống là tín hiệu đáng mừng cho âm nhạc đại chúng Việt Nam. Bên cạnh đó, việc khai thác những yếu tố dân gian, truyền thống, vừa là cách thể hiện tình yêu với quê hương, đất nước của nghệ sĩ, vừa dễ tạo được cảm xúc với khán giả. Phát hành những sản phẩm này là góp phần truyền bá giá trị truyền thống dân tộc đến với giới trẻ.
Việc kết hợp âm nhạc truyền thống và hiện đại tạo ra một không gian sáng tạo và đột phá cho các nghệ sĩ. Bằng cách vượt qua ranh giới của thể loại và kỹ thuật, họ có thể tạo ra những âm điệu mới mẻ, kết hợp những yếu tố không gian, âm thanh và cảm xúc khác nhau. Sự kết hợp này không chỉ mang đến những trải nghiệm âm nhạc độc đáo cho khán giả mà còn mở ra cánh cửa cho những ý tưởng và phong cách âm nhạc mới.
Điển hình cho sự thành công trong việc theo đuổi hướng đi này là các MV âm nhạc của ca sĩ Hoàng Thùy Linh. Các sản phẩm của cô không những được khán giả yêu thích mà còn được giới chuyên môn đánh giá cao. Nếu chỉ tính riêng các ca khúc thuộc album “Hoàng”, Hoàng Thùy Linh đã có đến 3/4 MV giành thành tích Top 1 trending trên YouTube.
Trong năm 2022, Hoàng Thùy Linh đã cống hiến hết mình để mang đến những sản phẩm âm nhạc chất lượng dành tặng khán giả. Với những nỗ lực này, cô đã nhận về nhiều giải thưởng lớn nhỏ và "càn quét" tại Làn Sóng Xanh 2022 với các giải thưởng như: Nữ ca sĩ của năm, Album của năm (LINK), Bài hát của năm (See Tình), Hòa âm phối khí (See Tình) và Top 10 ca khúc được yêu thích nhất (See Tình).
Nhiệt huyết của các nghệ sĩ trẻ còn truyền cảm hứng đến những nghệ sĩ gạo cội của âm nhạc truyền thống. Cuối tháng 6/2023, trong MV “Tia sáng cuối cùng”, NSND Bạch Tuyết đã mang âm hưởng cải lương kết hợp với nhạc rap cùng rapper Wowy. Màn kết hợp giữa NSND Bạch Tuyết và rapper Wowy tạo ra sự giao thoa thể nghiệm ấn tượng kết hợp giữa hai dòng nhạc đặc trưng của âm nhạc truyền thống và hiện đại. “Tia sáng cuối cùng” được xem là một bức tranh nghệ thuật đương đại sáng tạo và chỉn chu của làng nhạc Việt gửi đến bạn bè quốc tế.
Vì vậy, có thể thấy khi truyền thống được quan tâm, được tái tạo, nhào nặn tinh tế với mục đích nghệ thuật, người nghệ sĩ có tư duy kết nối giá trị di sản văn hóa truyền thống với đương đại sẽ tạo ra ý nghĩa mới. Đó là nơi sự sáng tạo kết hợp với các giá trị trong quá khứ, là cách bảo tồn và làm nổi bật nét đặc sắc của nghệ thuật truyền thống, cách tân để đưa nghệ thuật truyền thống gần gũi hơn với nhiều đối tượng khán giả, đặc biệt là những người trẻ.
Cẩn trọng khi khai thác vốn truyền thống
Có thể thấy, sự kết hợp giữa những giai điệu âm nhạc hiện đại, trẻ trung, sôi động với những âm hưởng, hình ảnh mang bản sắc văn hóa truyền thống đã tạo nên sức hấp dẫn riêng cho các sáng tác âm nhạc đương đại. Việc mỗi MV đều cán mốc hàng chục triệu lượt nghe là bằng chứng cho thấy văn hóa truyền thống luôn là nguồn cảm hứng bất tận và giàu sức hút.
Tuy nhiên, không phải lúc nào việc tìm về những giá trị truyền thống cũng là sự bảo đảm chắc chắn cho thành công của các sáng tác âm nhạc. Bởi trên thực tế, đã có những sản phẩm âm nhạc đi theo hướng này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
Đơn cử, với trường hợp của Hoàng Thùy Linh, trước khi đạt được những thành tích cao trong sự nghiệp, trước đó nữ ca sĩ cũng từng nhận về những lời phê bình từ phía khán giả. Như MV “Bánh trôi nước” của cô từng bị đánh giá là không thuần Việt trong tạo hình; hay MV “Tứ phủ” của ca sĩ này cũng nhận về nhiều phản ứng từ cộng đồng khi thực hành nghi lễ đạo Mẫu thể hiện các yếu tố khai thác chưa thật chính xác.
Trường hợp khác, với dự án MV “Việt Nam, Việt Nam”, ca sĩ Bích Phương cùng ekip sản xuất cũng nhận về nhiều ý kiến chỉ trích từ dư luận khi ca khúc chốt lại MV có vẻ “lệch tông” hẳn so với mục tiêu thực hiện dự án và chất Việt đậm nét trong hai ca khúc đầu. Khác với “Nói thương nhau thì đừng làm trái tim em đau” và “Bùa yêu” thì ca khúc thứ ba “Chị ngã em nâng” lại có phần lạc nhịp với trang phục, bối cảnh đậm màu sắc văn hóa Ấn Độ.
Theo các nhà chuyên môn, việc kết hợp truyền thống và hiện đại như thế nào cho khéo, phù hợp vẫn là bài toán không phải ai cũng giải được. Có không ít sự phá cách vượt khỏi khuôn mẫu truyền thống khiến một số tác phẩm trở thành sản phẩm lỗi với những biến tấu quá đà. Các nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ cần phải cẩn trọng khi khai thác chất liệu văn hóa truyền thống trong sáng tác âm nhạc. Điều này đòi hỏi nghệ sĩ phải có kiến thức, hiểu biết nhất định về âm nhạc truyền thống để tạo ra sản phẩm mới phù hợp.
Nếu dung nạp yếu tố hiện đại không khéo sẽ dễ thành kệch cỡm, phản cảm. Khai thác vốn cổ không hợp lý cũng dễ thành phá vỡ, bóp méo truyền thống. Bởi thế, muốn thực hiện được điều này đòi hỏi người sáng tạo phải am hiểu sâu sắc từng loại hình nghệ thuật, để khi kết hợp phải tôn nhau lên.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan - nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam: Sáng tạo nhưng cần phải dung hòa giá trị truyền thống và hiện đại
Con người nào, ở xã hội nào, thời đại nào người ta cũng cần phải có những sáng tạo, mà sáng tạo thì cần phải dựa trên cơ sở truyền thống. Vì thế việc các ca, nhạc sĩ trẻ hiện nay sáng tạo ra các ca khúc mới kết hợp với giai điệu truyền thống là điều cần động viên để cho họ có thêm động lực tiếp tục làm thêm nhiều sản phẩm âm nhạc khác.
Việc khán giả có đón nhận các sản phẩm âm nhạc đó hay không chính là dấu hiệu để người sản xuất âm nhạc tự nhìn nhận và đánh giá bản thân đang yếu ở chỗ nào để khắc phục. Vì thế khi bắt tay vào kết hợp nhạc truyền thống và hiện đại, các nghệ sĩ cần phải học và hiểu sâu về cả hai thể loại, sau đó sáng tạo cái mới nhưng cũng cần biết dung hòa thì mới tôn được giá trị của từng thể loại âm nhạc.
Chúng ta thấy các nghệ sĩ thế giới người ta ứng dụng hầu như tất cả các nhịp điệu của dân gian châu Phi để tạo ra nhạc rock, nhạc rap. Vì thế cho nên cần có một cái nhìn và một cái quan niệm rộng rãi trong việc bảo tồn và phát huy sáng tạo. Đấy là con đường đi đúng nhất để mà bảo vệ văn hóa Việt Nam, phát triển âm nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Hoài An: Cần nghiên cứu về chất liệu âm nhạc trước khi khai thác để làm mới
Để cho ra mắt được một sản phẩm âm nhạc kết hợp hoàn hảo giữa âm nhạc truyền thống và nhạc hiện đại, tôi cho rằng trước hết cần phải nghiên cứu, học hỏi về chất liệu âm nhạc dân gian, truyền thống mà mình đang hướng tới. Một sản phẩm âm nhạc tốt, chuyên nghiệp khi người viết biết rõ mình muốn làm gì, với những nguyên liệu gì, cho ai biểu diễn, hướng đến người thưởng thức là ai. Tất cả những điều này có thể chuẩn bị trước thật khoa học, tính toán kỹ, sau đó cần thêm chút may mắn đúng thời điểm để có sự thăng hoa kết hợp kỹ thuật và cảm xúc.
Bản sắc rất riêng của âm nhạc dân gian (nhạc cụ, chất liệu), chính là hồn dân tộc nên khi “cất tiếng nói” sẽ giúp cho tác phẩm thấm sâu vào lòng khán thính giả. Với yếu tố âm nhạc hiện đại, sẽ như là bệ phóng giúp cho âm nhạc dân gian lan tỏa rộng trong nước, dễ dàng tiếp cận người thưởng lãm (đặc biệt là các thế hệ trẻ). Không chỉ vậy, sự phối hợp âm nhạc hiện đại còn giúp âm nhạc dân gian, nghệ thuật truyền thống có thêm cầu nối để đi xa hơn, đến với bạn bè thế giới. Như vậy, cần sự pha trộn khéo léo khi hòa quyện, kết dính khi thì phân tách giữa dân gian, truyền thống và hiện đại. Tùy tác giả, mỗi tác phẩm sẽ có những dấu ấn thủ pháp, “chiêu” rất riêng. Với tôi, những tác phẩm kết hợp truyền thống và hiện đại luôn hấp dẫn, từ sáng tác, dàn dựng, đến khi biểu diễn.