Khai thác, chế biến đất hiếm: Cần một chiến lược để làm chủ công nghệ
Đất hiếm là một loại khoáng sản đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng trong sản xuất thiết bị công nghệ cao. Dù có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, nhưng việc khai thác, chế biến và ứng dụng đất hiếm tại Việt Nam hiện còn rất sơ khai.
Để khai thác hiệu quả, rất cần một chiến lược quốc gia thúc đẩy nghiên cứu công nghệ chế biến, khai thác tài nguyên đất hiếm nhằm phát triển kinh tế đất nước.
Chưa có công nghệ khai thác, chế biến
Đất hiếm là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao như: Thông tin - viễn thông, y tế, năng lượng, giao thông - vận tải, công nghệ thực phẩm, thiết bị quốc phòng và các công nghệ năng lượng sạch khác. Việt Nam có trữ lượng khoảng 22 triệu tấn đất hiếm (chiếm 19% trữ lượng thế giới), đứng thứ hai sau Trung Quốc (38%).
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ở nước ta, trữ lượng đất hiếm phân bổ chủ yếu ở vùng Tây Bắc với nhiều mỏ được thăm dò, xác định giá trị kinh tế. Cụ thể, trữ lượng đất hiếm tập trung nhiều các mỏ thuộc địa bàn các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh...
Mặc dù có tiềm năng đất hiếm phong phú, tuy nhiên, tình hình khai thác, chế biến các mỏ đất hiếm của Việt Nam còn hạn chế. Việt Nam chưa có công nghệ khai thác thân thiện môi trường và công nghệ chế biến sâu đất hiếm để phân tách các nguyên tố đất hiếm riêng lẻ, mà chủ yếu xuất khẩu tài nguyên này dưới dạng quặng thô, giá thành không cao. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ chưa làm chủ được công nghệ chế biến ra sản phẩm đạt yêu cầu, mới chỉ dừng lại ở công đoạn chế biến tinh quặng đất hiếm có hàm lượng khoảng 30%.
Đánh giá về thực trạng nghiên cứu công nghệ về đất hiếm tại Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) Hoàng Anh Sơn cho biết, công nghệ chọn lọc, tinh luyện đất hiếm tại Việt Nam mới dừng lại ở mức độ phòng thí nghiệm, công suất thấp. Công nghệ tuyển quặng chưa hiệu quả, chất lượng tuyển chưa cao, hàm lượng các tạp chất có hại đi cùng còn đáng kể...
Theo đánh giá của các nhà khoa học, sở dĩ công nghệ ngành đất hiếm chưa phát triển như mong muốn là do đầu tư cho khoa học công nghệ lĩnh vực này chưa đủ và không tập trung. Bên cạnh đó, các quốc gia có công nghệ chế biến sâu đất hiếm lại giữ bản quyền và không chuyển giao công nghệ.
Nâng cao năng lực nghiên cứu
Để thúc đẩy sự phát triển bền vững ngành công nghệ đất hiếm Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu Hoàng Anh Sơn cho rằng, cần đặc biệt chú trọng nghiên cứu công nghệ chế biến sâu đến kim loại một số nguyên tố đất hiếm (Nd, Dy, Pr…) phục vụ chiến lược chuyển đổi năng lượng, giao thông không phát thải; phân chia, làm sạch các ô xít đất hiếm riêng rẽ phục vụ nghiên cứu và sản xuất, góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Theo các nhà khoa học, việc khai thác và chế biến đất hiếm có thể dẫn đến sự hủy hoại môi trường nếu làm không đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt là đất hiếm chứa nhiều nguyên tố độc hại, có tính phóng xạ cao.
“Bình thường để tiến hành khai thác một mỏ đất hiếm mất khoảng 10 năm để hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục. Khi được khai thác thì tiêu tốn quá nhiều năng lượng và ô nhiễm môi trường do phải chặt cây, đào quặng thô... Đến giai đoạn chế biến quặng tinh lại sử dụng quá nhiều hóa chất dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, giá trị kinh tế mang lại không cao. Tại công đoạn tách các nguyên tố từ quặng tinh càng sử dụng nhiều hóa chất độc hại trong khi lợi nhuận cũng không đáng kể. Trong cả chuỗi sản xuất đất hiếm, phần mang lại giá trị kinh tế cao nhất là ứng dụng đất hiếm trong sản xuất các nam châm vĩnh cửu, tua bin gió, động cơ ô tô điện... Đây cũng là công đoạn ít tác động đến môi trường nhất”, Giáo sư Nguyễn Quang Liêm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu phân tích.
Giáo sư Nguyễn Quang Liêm đề xuất, cần triển khai xây dựng các dự án và phòng thí nghiệm nâng cao năng lực nghiên cứu công nghệ khai thác, chế biến, đánh giá tác động môi trường, xử lý hoàn nguyên môi trường sau khai thác và chế biến sâu đất hiếm ở Việt Nam, ứng dụng trong những sản phẩm công nghiệp có giá trị cao.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ sẽ đề xuất một số giải pháp khoa học công nghệ phục vụ khai thác, chế biến đất hiếm tại Việt Nam một cách hợp lý, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển đất hiếm của Đảng và Nhà nước. Cụ thể như: Tăng cường tiềm lực cho các tổ chức nghiên cứu trong nước; nghiên cứu làm rõ thêm về trữ lượng và thành phần các nguyên tố đất hiếm trong các mỏ; nghiên cứu hoàn thiện công nghệ khai thác, chế biến sâu đất hiếm phù hợp với quặng Việt Nam…
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt hy vọng Việt Nam sẽ chủ động được công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và chế biến sâu đất hiếm phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước, hướng tới xuất khẩu một cách hợp lý, hiệu quả, bảo đảm môi trường.