Khai thác đa dạng điều kiện tự nhiên và giá trị văn hóa trong phát triển du lịch - Bài 1

Bài 1: Tìm hiểu về 'trường tự nhiên', 'trường văn hóa' và hoạt động du lịch

(BDO) Theo cách hiểu thông thường, trong đời sống hàng ngày, con người luôn chịu sự chi phối bởi môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Còn từ góc nhìn khoa học, đó là sự ảnh hưởng của “trường tự nhiên” và “trường xã hội”, mà cốt lõi là “trường văn hóa”.

Khách tham quan Làng tre Phú An, TX.Bến Cát. Ảnh: Hồng Thuận

“Trường tự nhiên”, “trường văn hóa” và quan hệ của nó với hoạt động của con người

Theo Wikipedia, từ góc độ vật lý, “trường là một trong hai dạng tồn tại của vật chất, là thực thể vật lý tồn tại trong không gian xung quanh các vật thể (hoặc hệ thống các vật thể) để thực hiện tương tác qua lại trong không gian và thời gian. Nó được mô tả bằng một số hay một ten-xơ, ứng với mỗi điểm của không - thời gian”.

Bức xạ (hay phát xạ) là sự lan tỏa hoặc truyền dẫn năng lượng dưới dạng sóng hoặc hạt phân tử qua không gian hoặc thông qua môi trường dẫn. Bức xạ bao gồm bức xạ điện từ: Sóng radio, vi sóng, hồng ngoại, ánh sáng ban ngày, tia cực tím, tia gamma…; bức xạ phân tử: Bức xạ alpha, bức xạ beta…; bức xạ âm thanh: Sóng siêu âm, sóng địa chấn; bức xạ trọng lực: Bức xạ dưới dạng sóng trọng lực; bức xạ bao gồm cả các chùm hạt sơ cấp do phản ứng hạt nhân nguyên tử phóng ra như điện tử, proton, nơtron, nơtrino…, gọi chung là bức xạ hạt nhân.

Đây là những đặc tính vật lý của môi trường tự nhiên, tạo ra “trường tự nhiên”. Trường này thường xuyên phát tác ra xung quanh, tức là phát xạ và xạ này tác động đến tất cả những đối tượng nằm trong vùng ảnh hưởng, trong đó có cả con người. Các yếu tố cấu thành môi trường tự nhiên như đất, đá, sông, suối, rừng cây, ánh nắng mặt trời, các thiết bị tải điện… đều phát xạ ra xung quanh một cách thường xuyên, liên tục và tất cả chúng đều ảnh hưởng tới con người. Điều mà thường được quan niệm như là sự chi phối, tác động của môi trường tự nhiên đến hoạt động sống hàng ngày của con người.

Con người chỉ có thể sinh sống ổn định bình thường khi mà những tác động trên nằm trong giới hạn chịu đựng được, câu nói “đất lành chim đậu, đất xấu chim bay” bắt nguồn từ giới hạn này. Tuy nhiên, mọi giới hạn chỉ là tương đối trong không gian và thời gian, bởi lẽ mọi sự vật đều thường xuyên vận động, biến đổi. Giới hạn tác động của điều kiện tự nhiên ở chỗ này, lúc này là phù hợp, thuận lợi cho sự sống thì lúc khác sẽ không còn phù hợp nữa.

Đó là chưa kể đến sự tác động của con người, trong quá trình khai thác tự nhiên để sống có thể làm gia tăng những ảnh hưởng của tự nhiên (thật tiếc là chủ yếu theo hướng xấu đi) đến đời sống của họ. Bên cạnh đó, đời sống con người còn chịu thêm tác động thường xuyên của một trường đặc thù, đó là “trường xã hội”.

Khách tham quan một điểm đến trên địa bàn huyện Dầu Tiếng. Ảnh: Hồng Thuận

Tác động của xạ trường đến con người - góp phần trả lời câu hỏi vì sao con người cần đi du lịch

Theo Tổ chức du lịch thế giới: Du lịch là tổng hợp các mối quan hệ, hiện tượng và các hoạt động kinh tế bắt nguồn từ các cuộc vận hành và lưu trú của cá nhân hay tập thể ở bên ngoài nơi ở thường xuyên của họ hay ở ngoài nước họ với mục đích hòa bình, nơi họ đến lưu trú không phải là nơi làm việc của họ.

Còn theo Luật Du lịch Việt Nam, du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người (cá nhân hoặc tập thể) đến những nơi không thuộc khu vực mình cư trú thường xuyên nhằm mục đích tham quan, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định (không bao gồm mục đích công việc).

Các loại hình du lịch phổ biến hiện nay, gồm: Du lịch nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái; du lịch tâm linh - lịch sử - văn hóa; du lịch tham quan - khám phá; du lịch Team Building; du lịch dã ngoại - miệt vườn. Gần đây, do nhu cầu kết hợp giữa công việc và du ngoạn ngày càng cao nên đã xuất hiện hình thức du lịch MICE (du lịch sự kiện), tức là hoạt động du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị, khen thưởng… được các đơn vị, công ty tổ chức dành cho nhân viên, đối tác, khách hàng.

Nhiều nghiên cứu khoa học cho rằng, khi con người sinh sống, hoạt động trong một giới hạn về môi trường tự nhiên và xã hội, họ luôn bị tác động, chi phối bởi một xạ trường nhất định. Với môi trường tự nhiên đó là xạ trường do đất, nước, khí hậu… tại nơi là việc, sinh sống quy định - “trường tự nhiên”.

Với môi trường xã hội (gia đình, công sở, nhà máy, trường học…), xạ trường hình thành và phát huy ảnh hưởng từ các giao tiếp văn hóa, các giá trị văn hóa thường xuyên chi phối cuộc sống, thứ mà con người có thể cảm nhận ở những mức độ nhất định, tùy thuộc các phẩm chất cá nhân - “trường văn hóa”. Khi làm việc ổn định hoặc cư trú thời gian dài trong một môi trường cố định, chật chội, tác động của xạ trường sẽ lặp đi, lặp lại làm cho con người rơi vào trạng thái ức chế, thụ động, hoạt động kém hiệu quả, thậm chí bị trầm cảm.

Ngày nay, nhịp sống rất khẩn trương, gấp gáp, công việc mưu sinh nhiều áp lực, dẫn tới nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn sẽ càng bức bách, con người phải tìm cách để cải thiện xạ trường và tái tạo năng lượng sống. Việc tạm thời rời khỏi không gian cư trú, làm việc cũ để cải thiện xạ trường, nạp thêm năng lượng tươi mới bởi những xạ trường mới đã thúc đẩy sự ra đời của hoạt động du lịch.

Sự gia tăng tác động xấu từ một môi trường luôn thôi thúc con người phải tìm cách thay đổi hoàn cảnh. Tuy nhiên, ở thời hiện đại, bị ràng buộc bởi nhiều lý do, họ không thể liên tục di chuyển như lối sống du canh du cư thời tiền sử. Vì thế, người ta mới cần phải nhất thời di chuyển đến những địa điểm mới, tiếp xúc với những cộng đồng mới để được tiếp nhận những xạ trường mới nhằm cải thiện tình hình.

Các doanh nghiệp thì mong muốn gắn kết mọi thành viên trong công ty kết hợp với đào tạo, truyền cảm hứng giúp tăng hiệu suất công việc. Khi ấy, những chuyến du lịch sẽ là lựa chọn tốt nhất để con người tạm thời rời khỏi môi trường cư trú cố định, tiếp cận, giao lưu với những xạ trường tự nhiên và văn hóa mới. Điểm đến sẽ là các vùng có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng sinh học được bảo tồn tốt, các cộng đồng dân cư với sự đa dạng giá trị văn hóa, tâm linh truyền thống, những vùng sông nước với những làng quê trù phú, xanh tươi… có thể giúp du khách chiêm ngưỡng, thụ cảm những giá trị thiên nhiên và văn hóa mới lạ. Hay đến các miệt vườn, tận hưởng bầu không khí mát mẻ, thưởng thức trái cây thơm ngon, vui chơi, giải trí hoặc vãng cảnh sẽ giúp con người vơi đi sự mệt mỏi, gia tăng năng lượng để nâng cao sức khỏe, cả thể chất lẫn tâm hồn.

Sau mỗi chuyến du lịch, sự thay đổi xạ trường, cùng với nhiều lợi ích mới khác đã nạp thêm năng lượng sống để con người hăng hái trở lại với cuộc sống và công việc, mọi thứ sẽ thay đổi tốt đẹp hơn.

Tóm lại, “trường tự nhiên” và “trường văn hóa” thường xuyên phát xạ, chi phối, tác động đến con người, chính là một trong những khởi nguồn của hoạt động du lịch. Đồng thời, đây cũng là những môi trường trải nghiệm mà hoạt động du lịch diễn ra. Vì thế, muốn phát triển hoạt động du lịch có hiệu quả thì cần thiết phải nắm vững, khai thác tốt mối quan hệ, sự đa dạng của hai trường nêu trên, để tìm thấy những thế mạnh, những giải pháp mang lại hiệu quả cao nhất có thể.

“Trường văn hóa” - một dạng đặc thù của “trường xã hội”

Từ khởi đầu của lịch sử, con người tham gia vào xã hội không phải với tư cách các cá nhân, mà bao giờ cũng là những cộng đồng cụ thể. Đời sống cộng đồng là môi trường, trong đó các cá nhân liên hệ với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, nuôi dạy các thế hệ kế tục mình, cùng làm nên các giá trị văn hóa đặc trưng. Chính vì vậy, Ph. Ăngghen đã quan niệm cộng đồng dân cư như là một trường hoạt động của con người, với những mối quan hệ và những thiết chế do họ tạo nên. Tức là, trong đời sống cộng đồng - môi trường xã hội luôn tồn tại một “trường xã hội”, thường được gọi là “trường dân cư”. Đặc trưng cốt lõi của “trường dân cư” chính là “trường văn hóa”, mà nhiều nhà nghiên cứu thường gọi là “môi trường văn hóa”. Và đã là trường thì ắt sẽ thường xuyên phát “xạ” (năng lượng) ra xung quanh, với một xạ trường đo đếm được (“trường tự nhiên”) hoặc chỉ có thể được cảm nhận theo ngưỡng cảm giác cá nhân (“trường văn hóa”).

Mỗi tộc người có bản sắc và một “trường văn hóa” truyền thống riêng, hình thành bởi các hoạt động sống hàng ngày của họ. Có thể thấy, “trường văn hóa” khác nhau, với những chủ thể văn hóa cụ thể đã tạo nên sự đa dạng của các nền văn hóa. Với nước ta, 54 tộc người có đặc trưng về văn hóa và những sáng tạo riêng góp phần làm nên tính đa dạng, phong phú của văn hóa Việt Nam.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ BÙI TRUNG HƯNG

Bài 2: Khai thác và phát huy trường tự nhiên và văn hóa để phát triển du lịch tại Bình Dương

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/khai-thac-da-dang-dieu-kien-tu-nhien-va-gia-tri-van-hoa-trong-phat-trien-du-lich-bai-1-a291096.html