Khai thác EVFTA, tăng mạnh xuất khẩu cà phê vào EU
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai ước đạt 680 triệu USD, tăng 3,03% so với năm 2022. Thành quả có được nhờ nhiều doanh nghiệp đã biết tận dụng các lợi thế từ Hiệp định EVFTA.
Thực hiện nghiêm túc hợp đồng xuất khẩu
Bộ Công thương vừa công bố danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2022. Trong đó Gia Lai có 4 doanh nghiệp vinh dự đạt danh hiệu này trong tổng số 274 doanh nghiệp trên cả nước gồm: Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (ngành hàng xuất khẩu là cà phê nhân với kim ngạch xuất khẩu đạt 298,95 triệu USD); Công ty TNHH thương mại và chế biến Louis Dreyfus Company Việt Nam (ngành hàng xuất khẩu là cà phê nhân với kim ngạch xuất khẩu đạt 152,57 triệu USD); Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang (ngành hàng xuất khẩu là cà phê nhân với kim ngạch xuất khẩu đạt 80,68 triệu USD); Công ty cổ phần Chè Biển Hồ (ngành hàng xuất khẩu là chè xanh với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,92 triệu USD).
Đại diện Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho hay, để có được kết quả tích cực như trên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tại địa phương đã tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. Trong đó kim ngạch xuất khẩu cà phê Gia Lai gây ấn tượng khi vào thị trường EU tăng cao 60 - 70%. Trong 680 triệu USD tổng kim ngạch xuất khẩu Gia Lai ước đạt, mặt hàng cà phê được ghi nhận tiếp tục dẫn đầu khi chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu, sản lượng đạt 240 nghìn tấn, tương ứng kim ngạch 490 triệu USD (tăng 1,27% về lượng, tăng 4,26% về giá trị so với năm ngoái). Hiện trên địa bàn tỉnh có 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang thị trường 50 quốc gia, trong đó, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chiếm trên 40%.
Theo số liệu từ Sở Công thương, toàn địa bàn hiện có hơn 87.000ha cà phê thương mại, tập trung chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm như Đăk Đoa, Ia Grai, Chư Prông, Chư Păh, Mang Yang, Đức Cơ, Kbang, Chư Sê và Chư Pưh. Nông dân các địa phương trên hiện rất chú trọng đến việc thu hoạch cà phê bảo đảm tỷ lệ quả chín, điều này sẽ giúp người trồng cà phê được lợi từ 15 - 20% sản lượng so với hái cà phê xanh. Ghi nhận thực tế, dù giá cà phê đang nằm ở mức cao, song sản lượng cà phê niên vụ này dự kiến giảm khoảng 15%. Dự kiến từ thời điểm tháng 5.2024 trở đi, giá cà phê mới có thể duy trì ở mức cao do thiếu hụt nguồn cung.
Giữ uy tín, từng bước xây dựng thương hiệu
Là doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai, năm 2023, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã xuất khẩu hơn 100.000 tấn cà phê với kim ngạch vượt 200 triệu USD. Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc công ty Thái Như Hiệp chia sẻ, công ty Vĩnh Hiệp chủ động liên kết sản xuất trên diện tích 25.000ha cà phê. Hàng năm, sản lượng đạt bình quân 75.000 tấn. Nhờ tận dụng, liên kết và thu mua lại từ các doanh nghiệp khác, công ty đã mở rộng thị trường xuất khẩu ra hơn 40 nước trên toàn cầu, trong đó, châu Âu chiếm khoảng 60% sản lượng.
Cũng theo ông Hiệp, Gia Lai thực sự đang tăng tốc để phát triển và mở rộng vùng nguyên liệu trọng điểm, trong đó có sự hỗ trợ của chính quyền để liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm giữ ổn định vùng nguyên liệu sạch, sản xuất có trách nhiệm. Đồng thời, bảo đảm các yêu cầu mà các thị trường nhập khẩu đặt ra, đặc biệt là quy định về giảm phát thải khí nhà kính và phát triển ngành hàng cà phê tránh phá rừng của châu Âu (EUDR). “Qua 14 năm tham gia chương trình sản xuất bền vững, công ty Vĩnh Hiệp đã nỗ lực trở thành một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê có trách nhiệm hàng đầu của Việt Nam. Đây là sự đóng góp rất quan trọng của nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ chức chứng nhận 4C, RA, CDC, góp phần khẳng định cà phê Robusta của Việt Nam trên thị trường quốc tế”, ông Hiệp nói.
Còn theo Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang Nguyễn Văn Thành, mỗi năm, Công ty Hoa Trang xuất khẩu khoảng 50.000 đến 60.000 tấn cà phê nhân vào thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore… Việc áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, Rainforest Alliance, Organic… đã giúp nâng cao chất lượng mặt hàng cà phê không chỉ của doanh nghiệp mà còn là của tỉnh. Từ đó, tạo nguồn hàng xuất khẩu có sức cạnh tranh để mở rộng thâm nhập vào các thị trường khó tính.
Đại diện lãnh đạo tỉnh cho hay, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trên địa bàn tuy không nhiều nhưng đều có nhà máy chế biến quy mô công nghiệp và hệ thống kho chứa được đầu tư nâng cấp, mở rộng hàng năm. Việc đầu tư đổi mới công nghệ, chú trọng áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, chế biến được các doanh nghiệp chú trọng để tạo nguồn hàng nông sản chất lượng, đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, đặc biệt là EU. Cùng với đó, tác động của các hiệp định thương mại tự do, nhất là EVFTA đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu.
Chia sẻ với báo giới, Giám đốc Sở Công thương Gia Lai Phạm Văn Binh cho biết, năm 2024, tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD, tăng 10% so với năm 2023. Để đạt mục tiêu này, ngành công thương tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng như tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp xây dựng các chuỗi liên kết từ trồng trọt, chế biến đến tiêu thụ, bảo đảm chất lượng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu thông qua việc xây dựng thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý của tỉnh; hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, kỹ thuật canh tác cây trồng cho năng suất, chất lượng cao; đổi mới công nghệ chế biến sâu nhằm tăng giá trị hàng nông sản.