Khai thác giá trị văn hóa ẩm thực gắn với phát triển du lịch
Cùng với lợi thế về vẻ đẹp cảnh quan, văn hóa truyền thống, các sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo thì ẩm thực cũng là yếu tố quan trọng thu hút du khách tại mỗi điểm đến du lịch của Quảng Ninh. Thời gian qua, Quảng Ninh đã và đang khai thác hiệu quả giá trị văn hóa ẩm thực mỗi vùng miền nhằm tăng sức hấp dẫn, nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến để thu hút du khách đến và trải nghiệm không chỉ một lần.
Đến với khu du lịch Kỳ Thượng Am Váp farm (xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long) du khách không chỉ được hòa mình với thiên nhiên xanh tươi, khoáng đạt của núi rừng, trải nghiệm đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc Dao tại đây mà còn được thưởng thức những món ăn “mùa nào thức ấy” từ chính nông sản địa phương do bà con tự trồng, tự nuôi như: Gà bản, cá suối, ếch đồng, khoai sọ nương, rau cải, măng trúc… Hầu hết các món ăn được chế biến không quá cầu kỳ đảm bảo sự tươi ngon, một số món còn được nấu theo cách truyền thống của bà con rất độc đáo.
Anh Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Am Váp farm, cho biết: Du khách đến với Am Váp farm ngoài thích thú với những trải nghiệm văn hóa còn dành tình cảm yêu mến đối với ẩm thực địa phương. Mỗi món ăn tuy bình dị, dân dã nhưng mang đến sự hấp dẫn riêng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung phát triển các sản phẩm OCOP địa phương như măng trúc, mật ong, khoai sọ nương... thông qua việc khuyến khích người dân mở rộng vùng sản xuất tập trung. Từ đó, tạo thêm nguồn nguyên liệu sạch, tự cung tự cấp phục vụ hoạt động dịch vụ du lịch, tạo nên dấu ấn riêng cho điểm đến.
Tại Bình Liêu, văn hóa ẩm thực của đồng bào Tày, Dao, Sán Chỉ nơi đây từ lâu cũng đã trở thành sức hấp dẫn với du khách bốn phương. Đó là các loại bánh như: Bánh lá ngải, bánh tài lồng ệp, bánh dày, bánh chưng gù, bánh coóc mò hay các món ăn như phở xào Đồng Văn, xôi ngũ sắc, xôi nếp lá gừng, cá suối, miến dong, ngan đen… Mỗi món ăn không chỉ độc đáo trong cách chế biến, đẹp mắt trong màu sắc, mang hương vị đặc trưng mà còn chứa đựng, gửi gắm cả những câu chuyện văn hóa đầy ý nghĩa.
Bà Hoàng Thị Cam, chủ homestay Hải Oanh (xã Lục Hồn), chia sẻ: Khi đến với homestay của tôi, du khách ngoài quan tâm về phòng ở, dịch vụ, điểm du lịch, cảnh quan, các phương tiện vận chuyển thì nhiều khách rất quan tâm đến việc ăn món gì ngon, địa điểm ăn uống nào phù hợp với hành trình du lịch của họ. Vì vậy, từ nhiều năm nay, gia đình chúng tôi phục vụ cả dịch vụ ăn uống cho du khách, ưu tiên lựa chọn và giới thiệu những món ăn truyền thống, được chế biến từ nguyên liệu, nông sản địa phương. Đặc biệt, vào những dịp lễ hội, chúng tôi thường tổ chức các hoạt động trải nghiệm cùng nấu xôi nếp lá gừng, nướng gà, làm một số loại bánh…. Qua đó, không chỉ tạo cho du khách những trải nghiệm thú vị mà còn giới thiệu cho họ về nguồn gốc, phong tục tập quán liên quan tới món ăn, nét đẹp văn hóa ẩm thực cũng như văn hóa truyền thống của quê hương mình.
Các sản phẩm đặc trưng của ngày Tết như bánh chưng, miến dong Bình Liêu được nhiều khách hàng chọn mua tại hội chợ Quảng Ninh Xuân 2023. Ảnh: Minh Đức
Trong những năm qua, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước đã tập trung chỉ đạo xây dựng các thương hiệu ẩm thực truyền thống, đặc trưng của địa phương gắn với chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Chương trình đã được hưởng ứng mạnh mẽ với sự tham gia của cộng đồng dân cư, các cơ quan quản lý, địa phương. Đến nay, Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP với 569 sản phẩm thuộc 6 nhóm. Trong đó có nhiều sản phẩm được du khách yêu thích, tạo thương hiệu trên thị trường như: Nếp cái hoa vàng Đông Triều, lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, sá sùng Vân Đồn, mực ống Cô Tô, chả mực Hạ Long, miến dong Bình Liêu, rượu ba kích, trà hoa vàng Ba Chẽ…
Cùng với đó, Quảng Ninh còn triển khai nhiều hoạt động, sự kiện để khai thác giá trị ẩm thực như các hội chợ OCOP, hội chợ ẩm thực Quảng Ninh mở rộng, tuần lễ ẩm thực, tọa đàm, hội thảo, cuộc thi đầu bếp giỏi… nhằm quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa ẩm thực, thu hút sự tham gia của khách du lịch.
Việc khai thác giá trị văn hóa ẩm thực gắn với phát triển du lịch đang là hướng đi đúng đắn góp phần đa dạng hóa sản phẩm, loại hình du lịch, gia tăng giá trị của sản vật địa phương. Qua đó, không ngừng tạo sức cạnh tranh, nâng cao vị thế của du lịch Quảng Ninh trên bản đồ du lịch thế giới.