Khai thác giá trị văn hóa trong du lịch sinh thái - Bài 1: Nhiều tiềm năng, nhưng dễ lãng quên
Hậu Covid-19, du lịch sinh thái được ví như chiếc 'chìa khóa vàng' cho du lịch các địa phương, vừa hấp dẫn một lượng khách du lịch lớn hàng năm, vừa góp phần bảo tồn các giá trị sinh thái, văn hóa truyền thống bản địa. Trong bối cảnh đó, tại Quảng Bình, nhiều sản phẩm du lịch sinh thái được mở ra với đa dạng quy mô và phong phú trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu của du khách ưa thích khám phá thiên nhiên, con người. Tuy nhiên, dường như, yếu tố văn hóa vẫn chưa thực sự đóng vai trò quan trọng, thiết yếu trong du lịch sinh thái ở tỉnh ta, thậm chí nhiều thời điểm còn bị lãng quên. Trong khi đây chính là một trong những yếu tố quyết định tính bền vững của loại hình du lịch này.Ngày 10/6/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về phát triển KT-XH, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS, biên giới và miền núi tỉnh, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, yếu tố phát huy giá trị văn hóa đồng bào DTTS được quan tâm chú trọng. Bên cạnh đó, dự án 6: 'Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch' thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021-2025 đang được Sở Văn hóa-Thể thao triển khai hiệu quả. Đây là những nền tảng quan trọng để khai thác giá trị văn hóa trong triển khai du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh.Theo khoản 16, Điều 3, Luật Du lịch năm 2017, du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường.
Thực tế cho thấy, Quảng Bình rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái và hiện nay, ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, du lịch sinh thái đã được quan tâm đầu tư mạnh và được xem như giải pháp hiệu quả để giải quyết bài toán lao động cũng như phát huy các giá trị thiên nhiên ban tặng. Thế nhưng, yếu tố văn hóa dù rất tiềm năng nhưng lại chưa được khai thác đúng mức hoặc chưa có nhiều điều kiện để tập trung triển khai, dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững của du lịch sinh thái.
Từ tháng 4/2023, sản phẩm du lịch sinh thái “Khám phá thiên nhiên Chà Rào-Chà Cùng” xã Trường Sơn (Quảng Ninh) chính thức đi vào hoạt động, mở ra nhiều cơ hội đánh thức những tiềm năng, thế mạnh về thiên nhiên, văn hóa nơi đây.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trường Tuấn, đơn vị triển khai sản phẩm du lịch này chia sẻ, với những hoạt động trải nghiệm hấp dẫn, như: Tắm suối, chèo thuyền kayak, đu dây, trượt cầu, thưởng thức các đặc sản, Chà Rào-Chà Cùng đã thu hút được sự quan tâm của du khách gần xa, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, sản phẩm du lịch sinh thái này mới chỉ dừng lại ở các hoạt động trải nghiệm vui chơi, giải trí là chủ yếu, chưa đi sâu vào việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của bà con Bru-Vân Kiều, do đó, khó thu hút các khách du lịch mong muốn có những trải nghiệm tìm hiểu về văn hóa, con người bản địa.
Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Hoàng Trọng Đức cho biết, đây là mong mỏi của chính quyền xã Trường Sơn để vừa khai thác các tiềm năng, thế mạnh về thiên nhiên trong phát triển du lịch, vừa phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Mới đây, UBND xã cũng đã có công văn mong muốn bà con cùng chung tay bảo vệ, giữ gìn hệ thống các hang động trên địa bàn để hướng đến các hoạt động du lịch sinh thái bền vững trong tương lai.
Xã Trường Sơn hiện đang duy trì một câu lạc bộ văn hóa dân gian, thường xuyên được tập huấn và tham gia biểu diễn nhân các sự kiện lớn. Sắp tới, xã rất mong muốn chủ đầu tư sản phẩm du lịch sinh thái “Khám phá thiên nhiên Chà Rào-Chà Cùng” sẽ tiếp tục có những hoạt động phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ thêm, hiện tại, sản phẩm du lịch vẫn chưa phát huy hết tiềm năng hiện có và chưa có sức hút lớn để thu hút khách đến với xã Trường Sơn. Công ty luôn hướng tới mục tiêu không ngừng phát huy tốt các giá trị của thiên nhiên, tài nguyên sẵn có và khai thác hiệu quả tiềm năng của địa phương.
Công ty cũng luôn mong muốn hình thành các sản phẩm du lịch sinh thái có sức hấp dẫn cao, mang lại trải nghiệm gắn liền với thiên nhiên độc đáo, góp phần phát triển, đa dạng loại hình du lịch, thu hút du khách đến với vùng phía Tây Quảng Bình, mở ra cơ hội cho phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), hỗ trợ bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa và tạo sinh kế cho người dân gắn với bảo đảm an ninh biên giới.
Do đó, công ty tiến hành khảo sát và xây dựng đề án khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch “Khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa người Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn, Quảng Ninh”.
Theo đó, các điểm tham quan chính trong sản phẩm du lịch, gồm: Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, bản Trung Sơn, bản Sắt, bản Hôi Rấy, thác Tam Lu, suối Khe Cạc thuộc xã Trường Sơn. Sản phẩm có chiều dài 75km tính từ TP. Đồng Hới, công ty dùng xe du lịch chất lượng cao đón khách tại nơi lưu trú ở TP. Đồng Hới, vận chuyển du khách đến văn phòng công ty tại xã Trường Sơn.
Sau khi được hướng dẫn viên phổ biến lịch trình cũng như đồ bảo hộ an toàn, du khách đi bộ theo các lối mòn có sẵn trong rừng, ven suối, được trải nghiệm và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Trường Sơn, hang động, sông suối và thiên nhiên hoang dã, tìm hiểu văn hóa, cuộc sống bản địa của người dân tộc Bru-Vân Kiều.
Có chương trình tham quan 1 ngày và 2 ngày với nhiều lộ trình đa dạng cho du khách lựa chọn. Nếu được cấp phép, sản phẩm du lịch mới kỳ vọng sẽ “đánh thức” những giá trị văn hóa truyền thống của bà con dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây.
Tháng 7 vừa qua, Công ty TNHH Thông tin và Du lịch Netin (Netin Travel) đã đồng hành cùng Pinata English để tổ chức trại hè Việt Nam Summer Camp cho các bạn học sinh ở nước Bulgaria kết hợp học sinh Việt Nam (các địa điểm khác ở TP. Hạ Long và tỉnh Ninh Bình).
Trong tour khám phá này, Netin Travel đã lồng ghép nhiều hoạt động liên quan đến trải nghiệm tìm hiểu văn hóa bản địa của bà con Bru-Vân Kiều ở bản Cây Sung và bản Còi Đá (xã Ngân Thủy, Lệ Thủy). Các em học sinh quốc tế và trong nước lần đầu tiên được tiếp xúc, trải nghiệm với những nhạc cụ, món ăn, trang phục truyền thống đặc sắc của người Bru-Vân Kiều, tạo những ấn tượng không quên và chắc hẳn đây sẽ là những đại sứ du lịch tuyệt vời cho Quảng Bình, Lệ Thủy.
Ông Trần Xuân Cương, Giám đốc Netin Travel cho hay, sản phẩm du lịch “Khám phá thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru-Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy” của Netin Travel được triển khai từ hơn 5 năm nay và là một trong những sản phẩm du lịch sinh thái hiếm hoi trên địa bàn tỉnh chú trọng phát huy giá trị yếu tố văn hóa bản địa, xem đây như một thế mạnh của sản phẩm, chứ không đơn thuần “chỉ để cho có, cưỡi ngựa xem hoa” về hình thức.
Mục tiêu của Netin Travel còn hướng đến những hoạt động trải nghiệm văn hóa chuyên sâu hơn, không chỉ đơn thuần là giới thiệu về nhạc cụ, bài hát hay ẩm thực bản địa, tuy nhiên, khi nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Ngọc Tuân qua đời (một người rất tâm huyết với bảo tồn, phát huy văn hóa bản địa Quảng Bình và đã phối hợp với công ty trong nhiều hoạt động), nhiều dự định trở nên dang dở, khó triển khai.
Mới đây, tiến sĩ sử học Nguyễn Khắc Thái cũng đang tích cực hỗ trợ Netin Travel trong việc xây dựng các kịch bản thuyết minh và nhiều hoạt động khác. Hiện tại, riêng với tour ở xã Ngân Thủy, bên cạnh giới thiệu ẩm thực, nhạc cụ…, nếu du khách có nhu cầu trải nghiệm, công ty kết hợp với các CLB văn hóa văn nghệ dân gian để tổ chức buổi biểu diễn cho du khách.
Những sản phẩm du lịch sinh thái khai thác giá trị văn hóa như Netin Travel thực sự rất hiếm hoi. Thực tế cho thấy, dù nhiều tiềm năng về các giá trị văn hóa truyền thống, nhưng Quảng Bình vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả trong các sản phẩm du lịch sinh thái. Các hoạt động trải nghiệm văn hóa mới chỉ xuất hiện thấp thoáng, chưa thực sự tạo được điểm nhấn và hoàn toàn bị lu mờ bởi các hoạt động trải nghiệm khác. Trong khi đó, nhu cầu này của du khách là rất lớn, nhất là sau đại dịch Covid-19. Du lịch sinh thái hiện được đánh giá là xu hướng tất yếu của du lịch thế giới, nếu chúng ta bỏ lỡ việc khai thác văn hóa trong loại hình này thì rất đáng tiếc.
>>> Bài 2: Cần những chiến lược dài hơi