Khai thác hiệu quả các công trình nông thôn mới
Xây dựng nông thôn mới (NTM) là quá trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Vì vậy, việc nâng cao các tiêu chí, nhất là bảo vệ, duy tu, nâng cấp và phát huy các công trình NTM luôn được các cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân chung tay.
Nhiều công trình được cải tạo, xây mới
Tính đến hết tháng 8/2023, Bắc Giang có 6 huyện, TP hoàn thành xây dựng NTM; 148 trong tổng số 182 xã đạt chuẩn NTM; 43 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có được kết quả này là do T.Ư và tỉnh đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách (chưa kể người dân hiến đất, ngày công và các công trình trên đất) để hoàn thành các tiêu chí. Hiện huyện Việt Yên đang xây dựng trở thành thị xã.
Các huyện đạt chuẩn NTM còn lại tiếp tục nâng cao các tiêu chí, trong đó huyện Hiệp Hòa và Lạng Giang phấn đấu lên đô thị. Để sớm đạt mục tiêu đề ra, các huyện đều quan tâm bảo vệ, tu bổ, phát triển và phát huy tác dụng các công trình hạ tầng NTM như: Nhà văn hóa, trường học, hệ thống đèn điện chiếu sáng,…
Tại huyện Tân Yên, bà Đào Thu Phương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời căn cứ vào từng lĩnh vực, tiêu chí NTM, UBND huyện giao các phòng chuyên môn ban hành văn bản chỉ đạo, phối hợp với các xã, yêu cầu người dân chung tay bảo vệ, sử dụng công trình hạ tầng NTM đúng mục đích. Ví dụ như Phòng Kinh tế và Hạ tầng phụ trách tiêu chí giao thông; Phòng Văn hóa và Thông tin phụ trách tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa,…
Năm nay Tân Yên có 4 xã xây dựng NTM nâng cao, gồm: Ngọc Lý, Lam Cốt, Ngọc Vân, Liên Sơn; 1 xã xây dựng NTM kiểu mẫu là Việt Lập và 22 thôn xây dựng thôn kiểu mẫu. Dù được quan tâm duy tu, bảo vệ nhưng qua quá trình sử dụng, hoặc theo thời gian nên nhiều công trình NTM đã bị xuống cấp; nhiều công trình như: Nhà văn hóa thôn nhỏ, mặt, nền đường giao thông hẹp, xuống cấp hoặc không còn phù hợp với xu hướng phát triển hiện tại nên cần mở rộng, xây mới. Vì vậy, để nâng cao các tiêu chí, T.Ư, tỉnh và người dân tiếp tục đầu tư nguồn lực để xây dựng các công trình.
Tại xã Ngọc Lý, sau khi rà soát, đối chiếu với bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, Ngọc Lý còn 4 tiêu chí chưa đạt gồm: Tiêu chí số 2 (giao thông), tiêu chí số 5 (giáo dục), tiêu chí số 14 (y tế), tiêu chí số 18 (chất lượng môi trường sống). Kết quả kiểm tra, rà soát, toàn xã có 12 km đường trục thôn, 1,2 km đường ngõ xóm, 1,5 km đường liên xã phải nâng cấp, mở rộng để đạt chuẩn; 4 nhà văn hóa phải sửa chữa, bổ sung thiết bị, dụng cụ thể thao; xây dựng 1 nhà đa năng, 6 phòng nhà hiệu bộ, 14 phòng cùng công trình nhà vệ sinh của Trường THCS Ngọc Lý; xây mới 15 phòng học của Trường Tiểu học Ngọc Lý; xây mới nhà làm việc của UBND và trụ sở Công an xã,…
Ngoài ra, Ngọc Lý còn xây dựng thêm 2 thôn kiểu mẫu là Lý 2 và Tân Lập. Ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lý thông tin, nhờ nguồn lực hỗ trợ của T.Ư, tỉnh, huyện và nhân dân, xã đã huy động được gần 50 tỷ đồng để hoàn thành các tiêu chí. Trong đó, người dân trong xã góp hơn 8 tỷ đồng. Đến nay, Ngọc Lý cơ bản hoàn thành các công trình NTM nâng cao và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét duyệt công nhận vào tháng 11 tới.
Tránh lãng phí nguồn lực đầu tư
Năm 2023, tỉnh có kế hoạch xây dựng thêm 9 xã đạt chuẩn NTM, 15 xã NTM
Năm 2023, Bắc Giang có kế hoạch xây dựng thêm 9 xã đạt chuẩn NTM, 15 xã NTM nâng cao, 11 xã NTM kiểu mẫu và 93 thôn kiểu mẫu. Tổng vốn ngân sách nhà nước được phân bổ thực hiện chương trình hơn 698 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách T.Ư hơn 270 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 61,8 tỷ đồng, còn lại là nguồn ngân sách huyện và xã.
nâng cao, 11 xã NTM kiểu mẫu và 93 thôn kiểu mẫu. Tổng vốn ngân sách nhà nước được phân bổ thực hiện chương trình hơn 698 tỷ đồng (chưa kể vốn năm trước chuyển sang và nguồn vốn huy động khác).
Cùng với nguồn kinh phí của T.Ư và tỉnh, huyện Lạng Giang, Hiệp Hòa còn phân bổ cho mỗi xã xây dựng NTM nâng cao 2 tỷ đồng, mỗi thôn kiểu mẫu 200 triệu đồng để xây dựng các công trình.
Cùng đó, các huyện còn dùng nguồn vốn đầu tư công (hoặc ứng trước nguồn vốn) giúp các xã hoàn thiện những tiêu chí còn thiếu.
Khảo sát cho thấy, các công trình hạ tầng NTM như: Đường giao thông nông thôn; kênh mương nội đồng; nhà văn hóa, sân chơi thể thao tại các thôn cơ bản đều phát huy công năng. Tuy nhiên, không ít công trình sân vận động, nhất là sân vận động cấp xã còn để hoang phí, không được tu bổ, dọn vệ sinh thường xuyên. Nhiều địa phương để sân vận động thành nơi chăn thả gia súc.
Cá biệt, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) còn cho đơn vị thi công dự án sửa chữa nền, mặt đường và công trình thoát nước trên tuyến quốc lộ 31 (đoạn từ xã Hồng Giang đến Biển Động) “mượn” để tập kết vật liệu, bê tông phế thải và sản xuất cống thoát nước khiến mặt sân bị hư hỏng, người dân thiếu nơi rèn luyện thể thao.
Sở dĩ có tình trạng trên là do cấp xã ít có các hoạt động tập thể sử dụng tới các công trình sân vận động. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa quan tâm đến bảo vệ, giữ vệ sinh các công trình công cộng... Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Văn phòng Điều phối NTM tỉnh chia sẻ, hầu hết các công trình NTM đều do Nhà nước đầu tư xây dựng.
Do đó, để bảo vệ, tu bổ và phát huy tác dụng của các công trình này, chính quyền địa phương cần có quy chế hoặc giao cho một chủ thể quản lý, không sử dụng các công trình NTM sai mục đích. Các địa phương cần xây dựng kế hoạch, trích một phần kinh phí (hoặc huy động các đoàn thể, nhân dân góp công) thường xuyên duy tu, dọn vệ sinh để các công trình hạ tầng NTM vận hành liên tục, giữ được độ bền, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.
Bài, ảnh: Bảo Lâm