Khai thác hiệu quả kinh tế dịch vụ ven kênh, rạch

Ngoài việc phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, thoát nước, việc kiên cố hóa, khai thông dòng chảy kênh rạch giúp bảo vệ môi trường, điều hòa khí hậu, mở rộng không gian đô thị, thúc đẩy kinh tế thương mại, dịch vụ phát triển.

Tuyến đường dọc bờ kè Lái Thiêu (TP.Thuận An) tập trung khá nhiều dịch vụ ẩm thực

Thúc đẩy phát triển

Từ lâu, bờ kè Lái Thiêu (TP. Thuận An) đã trở thành điểm hẹn của khá nhiều người. Đây là khu vực điển hình về phát triển thương mại - dịch vụ bên những bờ kênh trên địa bàn thành phố. Bờ kè Lái Thiêu sát một nhánh của sông Sài Gòn, ôm trọn đường Ngô Quyền. Nơi đây không gian rộng rãi, thoáng mát, có cả một khu ẩm thực từ quán ăn, cà phê giải khát đến nhà hàng sang trọng.

Khi trời chiều ngả bóng cũng là lúc bờ kè Lái thiêu “thức dậy” với ánh đèn rực rỡ muôn sắc màu, bờ kè náo nhiệt với hoạt động vui chơi, ăn uống. Chị Lê Thị Lan, quản lý một nhà hàng hải sản trên đường Ngô Quyền, cho biết: “Gần đây kinh tế khó khăn nên bờ kè không nhộn nhịp nhiều như trước. Trước đây quán nào cũng đông người, phục vụ không kịp”.

Anh Nguyễn Văn Sơn, khách hàng thường xuyên tại khu vực này cho biết thêm: “Tôi thích cảm giác vừa ăn uống vừa hòa mình vào khí trời tự nhiên tại khu vực bờ kè này. Khác hẳn không gian tù túng trong nhà hàng máy lạnh. Ngoài tiếp khách, giao lưu với bạn bè, dịp cuối tuần tôi cũng thường xuyên đưa gia đình đến khu vực này để ăn uống”.

Đến phường Tân Bình (TP. Dĩ An), rẽ vào hẻm số 32 đường Nguyễn Thị Tươi, khu phố Tân Thắng chúng tôi gặp kênh Suối Sọ. Khác với bờ kè Lái Thiêu, dọc bờ kênh người dân vẫn sản xuất nông nghiệp, những vườn rau xanh mướt nối dài tạo nên một khung cảnh yên bình. Cùng với đó dịch vụ ăn uống, giải trí mang phong cách đồng quê mọc lên khá sôi động. Ở đây có khu câu cá giải trí, ăn uống Hai Quyền từ lâu đã thu hút khá đông khách.

Sát khu câu cá giải trí còn có khá nhiều quán ăn dân dã. Chị Châu Thị Kim Lài, chủ quán ăn Đồng Quê tại bờ kênh, chia sẻ: “Con suối này đã có từ xưa nhưng nay bờ kè được kiên cố hóa. Người dân ở đây đã tận dụng vị trí lý tưởng, phong cảnh thoáng mát, thiết kế những quán ăn gần gũi với thiên nhiên để thu hút du khách. Khu vực này vẫn còn nhiều đồng ruộng nên cua, cá nhiều, quán ăn luôn có sẵn đồ tươi sống để phục vụ khách hàng”.

Có thể nhận thấy, tùy tình hình thực tế cũng như vị trí địa lý, mỗi địa phương sẽ phát triển loại hình dịch vụ phù hợp bên những dòng kênh. Việc kiên cố hóa các kênh, suối tại nội thành còn giúp chỉnh trang diện mạo đô thị, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Ông Nguyễn Văn Yêm, Chủ tịch UBND phường Tân Bình, TP.Dĩ An cho biết: “Phường có 20 tuyến kênh, suối đều đã được kiên cố hóa tạo điều kiện cho việc tiêu thoát nước, chỉnh trang đô thị, giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ gây ô nhiễm môi trường. Trên địa bàn còn có 5 tuyến suối có đường song hành tạo điều kiện cho người dân đi lại, phát triển thương mại - dịch vụ thuận lợi”.

Dọc kênh Suối Sọ, khu phố Tân Thắng, phường Tân Bình, TP.Dĩ An, người dân vừa sản xuất nông nghiệp, vừa phát triển loại hình dịch vụ

Bảo vệ môi trường

Tại các xã phát triển nông nghiệp, kênh mương có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm nguồn nước tưới tiêu cho mùa màng. Theo ông Phạm Bình Long, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, toàn xã có hơn 92% diện tích đất tự nhiên sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn xã có kênh dẫn nước từ đập Phước Hòa về hồ Dầu Tiếng chạy với tổng chiều dài là 10,08km, được kiên cố hóa bằng bê tông.

Hệ thống đường kênh này bảo đảm đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng, chống thiên tai tại chỗ. Nếu khai thác nguồn nước này phục vụ sản xuất nông nghiệp và tận dụng hai bên bờ kênh phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với nhà ở sẽ có cơ hội phát triển kinh tế của xã. Cũng theo ông Phạm Bình Long, hệ thống kênh, rạch tự nhiên của xã thường xuyên được nạo vét, khai thông bảo đảm tưới và tiêu nước chủ động cho sản xuất nông nghiệp đạt 100%.

Tại phường Tân Bình (TP.Dĩ An), dọc kênh suối Mù U (khu phố Tân Phú 2) người dân chủ yếu vẫn sản xuất hoa màu. Anh Chao Hà, người dân sống tại bờ kênh cho hay: “Tôi trồng hoa màu ở dọc bờ đê. Vùng đất trồng hoa màu thấp trũng hơn so với kênh mương, việc kiên cố hóa ngoài giúp người dân đi lại thuận tiện còn tránh được tình trạng nước tràn gây ngập úng rau màu, môi trường sạch sẽ, bảo đảm sức khỏe cho người dân sống xung quanh. Chúng tôi cũng tự ý thức giữ gìn, không xả rác bừa bãi xuống dòng kênh”.

Bờ sông, kênh rạch nội thành là không gian chung của cộng đồng, người dân cần có trách nhiệm giữ gìn và xây dựng không gian này ngày càng xanh, sạch, đẹp. Việc khai thác không gian dọc các tuyến sông, kênh rạch nội thành cần được nghiên cứu toàn diện để đưa ra định hướng, giải pháp phù hợp, hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế và đô thị bền vững.

TIẾN HẠNH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/khai-thac-hieu-qua-kinh-te-dich-vu-ven-kenh-rach-a305674.html