Khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo ở cực nam Trung Bộ (Tiếp theo và hết) (*)
Bài 2: Hướng tới phát triển bền vữngPhát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường là sự lựa chọn đúng đắn. Tuy nhiên, do sự thiếu đồng bộ trong phát triển lưới điện và phát triển các dự án điện mặt trời (ĐMT) ở Bình Thuận, Ninh Thuận đã gây lãng phí, làm méo mó thị trường NLTT khi nguồn điện phát ra không được tiêu thụ trọn vẹn. Thực tế này đòi hỏi cơ quan quản lý cần có giải pháp căn cơ để phát triển nguồn NLTT hiệu quả, bền vững.
Lãng phí nguồn điện sạch
Với hiện trạng lưới điện của khu vực Ninh Thuận (công suất giải tỏa khoảng 777,35 MW) hiện nay, khả năng giải tỏa hết công suất của các nhà máy điện gió, ĐMT trên địa bàn rất khó khăn, bắt buộc phải giảm phát một số nhà máy để đáp ứng khả năng giải phóng công suất của lưới điện hiện hữu, nhất là các nhà máy đấu nối cấp điện áp 110 kV.
Thực tế, có đến 9 trong số 15 nhà máy ĐMT phải giảm phát đến 60% công suất để bảo đảm ổn định hệ thống truyền tải. Ba nhà máy điện gió đã vận hành thương mại cũng phải thực hiện giảm phát, trong đó, Nhà máy điện gió Mũi Dinh bị giảm phát đến 60% công suất khiến chủ đầu tư rất lo lắng. Giám đốc Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận Phạm Đăng Thành cho biết, lưới điện hiện hữu trên địa bàn tỉnh đã bị quá tải đến 52%. Đến cuối năm 2020, khi có thêm nhiều dự án NLTT vận hành thương mại, dự báo lưới điện sẽ bị quá tải đến 149%. Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, hiện có hai hệ thống đường dây 110 kV và 220 kV. Trong số 21 dự án ĐMT đã đấu nối lưới điện quốc gia, có 19 dự án đấu nối cấp điện áp 110 kV; hai dự án đấu nối cấp điện áp 220 kV. Việc phát triển quá nóng ĐMT trong khoảng thời gian ngắn và tập trung đấu nối vào một số đường dây đã gây quá tải công suất lưới điện.
Đơn cử, đường dây 110 kV Phan Rí - Ninh Phước có công suất truyền tải khoảng 100 MW, trước đó đã có hai nhà máy điện gió Phú Lạc và Phong điện 1- Bình Thuận đấu nối với tổng công suất 54 MW. Chỉ trong sáu tháng đầu năm nay, đã có thêm tám nhà máy ĐMT trên địa bàn Bình Thuận đấu nối vào đường dây này với tổng công suất 264,36 MW, vượt xa khả năng truyền tải cho phép. Để hạn chế sự cố có thể xảy ra do việc vận hành quá tải lưới điện, buộc phải cắt giảm công suất các nhà máy điện trên tuyến này. Hiện, không chỉ đường dây 110 kV Phan Rí - Ninh Phước, một số đường dây 110 kV khác tại tỉnh Bình Thuận cũng rơi vào tình trạng quá tải. Theo tính toán của Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền nam (A2), trong chế độ vận hành bình thường vào các giờ cao điểm, khi các nhà máy ĐMT, điện gió khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận phát công suất cao, đã gây quá tải lưới điện khu vực liên quan. Vì vậy, phải phân bổ công suất các nhà máy điện nhằm bảo đảm vận hành hệ thống an toàn, ổn định, góp phần duy trì sự phát điện ổn định, kinh tế cho các nhà máy điện khu vực này trong khả năng truyền tải lưới điện, hạn chế sự cố có thể xảy ra do quá tải. Nhiều nhà máy ĐMT, điện gió ở Bình Thuận buộc phải cắt giảm công suất. Riêng trong tháng 6 vừa qua, hầu như tất cả các ngày, toàn bộ nhà máy ĐMT, điện gió phải cắt giảm từ 38 đến 65% công suất.
Việc quy hoạch bổ sung các dự án ĐMT ồ ạt, không tính đến sự đồng bộ giữa triển khai dự án nguồn và lưới truyền tải đã ảnh hưởng rất lớn đến một số dự án điện xây dựng trước đó. Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần phong điện Thuận Bình Bùi Văn Thịnh cho biết, các dự án ĐMT ký hợp đồng mua bán điện (PPA) đều có điều khoản phụ lục hợp đồng là chủ đầu tư cam kết ngừng giảm công suất theo yêu cầu của cơ quan điều độ hệ thống (nếu xảy ra tình trạng quá tải) cho đến khi các công trình lưới điện đồng bộ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được đầu tư, xây dựng. Trong khi PPA các dự án điện gió trước đây như Phú Lạc, Phong điện 1 - Bình Thuận không có điều khoản này. Việc phân bổ cắt giảm đều công suất là không công bằng và trái thỏa thuận PPA của các dự án điện gió. “Bình quân một ngày, Nhà máy điện gió Phú Lạc phát điện thương mại có doanh thu khoảng 350 triệu đồng. Nếu cắt giảm công suất, công ty bị thiệt hại khoảng 30% doanh thu”, ông Thịnh cho biết thêm.
Cần giải pháp căn cơ, đồng bộ
Tổng Giám đốc công ty cổ phần đầu tư ĐMT Solarcom Nguyễn Hoàng Hưng cho biết, trong quá trình triển khai các bước đầu tư, trong đó có phần bắt buộc đấu nối cũng như thẩm định phê duyệt thiết kế cơ sở đối với các dự án ở Bình Thuận và Ninh Thuận, ý kiến tham vấn của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Công thương, Tổng công ty Điện lực miền nam (EVN SPC) đều đưa ra cảnh báo rất nghiêm túc về khả năng giải tỏa công suất của truyền tải điện khu vực. Nếu hàng chục dự án ĐMT cùng phát điện lên lưới, đường dây truyền tải sẽ quá tải. Sự cảnh báo này rất phù hợp tình trạng vận hành các nhà máy điện và khả năng truyền tải điện hiện nay, hoàn toàn không có ý hạn chế hoặc cản trở.
ĐMT có tính bất ổn rất lớn, chỉ vướng một đám mây nhỏ, trong tức thời đã có thể giảm công suất nhà máy từ 60 đến 70% là rất bình thường, dẫn đến sự thiếu ổn định của lưới truyền tải. Do vậy, Nhà máy ĐMT Phong Phú đã chủ động làm đường dây 110 kV dài 9 km tự dẫn điện và điểm đấu nối tại trạm Phan Rí với mức đầu tư 90 tỷ đồng. Như vậy, phần truyền tải để giải phóng công suất của nhà máy là do doanh nghiệp đầu tư, bảo đảm khả năng vận hành cũng như sự điều tiết của lưới ổn định hơn và tăng tính ổn định cho nhà máy. Đẩy nhanh tiến độ các dự án giải tỏa công suất NLTT hiện nay ở khu vực cực nam Trung Bộ là hết sức cấp bách, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy điện phát hết công suất, vừa giúp EVN huy động hiệu quả nguồn NLTT để bổ sung vào hệ thống.
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Thuận Nguyễn Hữu Tiên cho biết, để giải phóng công suất nguồn điện từ các nhà máy NLTT trên địa bàn tỉnh, EVN SPC đã đầu tư xây dựng các đường dây 110 kV, bao gồm: Tăng tiết diện dây dẫn từ 185 mm2 lên 300 mm2 với 138,33 km đường dây; xây dựng mới 106,3 km mạch 2 đường dây 110 kV. Trong tháng 7 vừa qua, hoàn tất thay dây từ Tuy Phong đến trạm 220/110 kV Tháp Chàm và nâng công suất truyền tải từ 96 MW lên 153 MW. Đến cuối năm nay, sẽ hoàn tất xây dựng các tuyến đường dây 110 kV mạch 2 từ trạm 220/110kV Tháp Chàm đến Tuy Phong; tuyến đường dây 2 mạch từ Đa Nhim đến trạm 110 kV Tháp Chàm và đường dây 110kV từ Đa Nhim đến trạm 220/110kV Tháp Chàm 2 để tăng thêm công suất truyền tải khoảng 330 MW, đáp ứng cơ bản việc giải phóng công suất của các nhà máy điện trong năm 2019. Tuy nhiên, hiện còn nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nên công trình triển khai chậm so tiến độ dự kiến.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh, chủ đầu tư đang phối hợp Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) và các đơn vị liên quan tham mưu. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Bộ NN và PTNT tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên đối với các dự án xây dựng đường dây đấu nối.
EVN SPC cũng đang triển khai đầu tư thay dây dẫn đường dây 110 kV Phan Rí - Ninh Phước nhằm nâng khả năng truyền tải công suất, bảo đảm độ tin cậy cung cấp điện cho các trạm 110 kV trong khu vực và giải phóng công suất cho các nhà máy điện gió, ĐMT ở hai huyện Tuy Phong, Bắc Bình (Bình Thuận). Hiện, công trình đã đạt khoảng 50% khối lượng; phần còn lại nằm ở các khu vực địa hình đồi núi, giao chéo với các tuyến đường dây điện khác, không bảo đảm an toàn nếu tiếp tục thi công vào ban đêm. Theo Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận Đỗ Minh Kính, trước thực tế này, sở đã họp với chủ đầu tư, đơn vị thi công đường dây, đại diện 15 nhà máy NLTT khu vực huyện Tuy Phong, Bắc Bình và chính quyền địa phương để cùng tháo gỡ. Theo đó, chủ đầu tư các nhà máy NLTT đã đồng thuận cắt điện thi công vào ban ngày nhằm bảo đảm an toàn, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.
Trong điều kiện hiện nay, Bộ Công thương, EVN cần chủ động tìm kiếm nguồn vốn đầu tư lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu đấu nối lên lưới của các dự án điện gió, ĐMT.
---------------------------------------------
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 22-8-2019.