Khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa

Chiều 21-3, tại Hội thảo khoa học 'Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại', các đại biểu, nhà khoa học tiếp tục thảo luận về các giải pháp bảo tồn, phát huy, phát triển giá trị của Thủ đô di sản, đặc biệt phát triển thương hiệu 'Thành phố sáng tạo'; các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện, đặc biệt là giải pháp về cơ chế, chính sách, về phân cấp, phân quyền, cơ chế hợp tác công tư, cơ chế xã hội hóa, cơ chế liên kết hợp tác cả trong và ngoài nước.

Phiên thảo luận của hội thảo.

Phiên thảo luận của hội thảo.

Phát huy giá trị các di tích, di sản

Nhận diện nguồn tài nguyên văn hóa của Hà Nội trong phát triển kinh tế, xã hội, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, Hà Nội có lợi thế nhiều tài nguyên thiên nhiên, sông hồ đẹp như hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, sông Hồng… tuy nhiên vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Cũng theo PGS.TS Đặng Văn Bài, “so với nhiều tỉnh, thành khác như Đà Nẵng, Huế, Quảng Ninh…, Hà Nội chưa có sự kiện văn hóa, du lịch mang tầm quốc tế”.

Về việc khai thác nguồn tài nguyên di tích hiện có tại Hà Nội, PGS.TS Đặng Văn Bài đánh giá, nhiều di tích của Hà Nội đã phát huy được giá trị như Di tích Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám…, điều đó cho thấy các nguồn tài nguyên di tích đã và đang được khai thác tốt. Để phát huy tốt các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản hiện có, PGS.TS Đặng Văn Bài đề xuất, Hà Nội nên củng cố hệ thống bảo tàng, trong đó tạo điều kiện cho hệ thống bảo tàng tư nhân phát triển (như Bảo tàng tinh hoa làng nghề Việt ở Bát Tràng); đẩy mạnh mô hình hợp tác công - tư; đầu tư nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa.

Liên quan đến việc phát huy giá trị di tích, PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam đưa ra giải pháp khai thác Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ngoài việc đề xuất khôi phục Điện Kính Thiên, Hà Nội nên có những giải pháp kết nối Hoàng thành Thăng Long với các điểm di tích của Hà Nội như khu phố cổ, “Thăng Long tứ trấn”, cầu Long Biên.

Còn theo TS Nguyễn Văn Sơn, Hà Nội nên chú ý thêm những di tích khác, trong đó có Khu di tích Cổ Loa (Đông Anh). Cụ thể, Khu di tích Cổ Loa có thể thực hiện phục dựng lễ hội Cổ Loa, nghiên cứu thêm các huyền tích của Cổ Loa như câu chuyện nỏ thần để có thể giới thiệu rộng rãi tới công chúng.

Liên quan đến việc khai thác giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đề cập vấn đề phục hưng các lễ hội truyền thống của Hà Nội trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đặt vấn đề Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều lễ hội nhất cả nước, GS.TS Lê Hồng Lý góp ý cần đưa lễ hội vào đời sống một cách hiệu quả bằng cách liên kết các đơn vị quản lý di tích với đơn vị làm du lịch nhằm tạo sản phẩm du lịch cho Thủ đô, thu hút du khách.

Quan tâm phát triển văn hóa đô thị

Ngoài bàn luận các vấn đề khai thác các di tích, di sản, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến về việc khai thác hiệu quả khu vực quy hoạch sông Hồng. Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Kỳ Anh cho rằng, 1.000ha ở khu vực hai bên sông Hồng có nhiều tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của Hà Nội. “Trục sông Hồng là một trong những trục cảnh quan quan trọng nhất của Hà Nội. Vì thế, thời gian tới thành phố sẽ tập trung phát triển khu vực sông Hồng trở thành không gian xanh, trung tâm văn hóa, du lịch của Thủ đô”, ông Nguyễn Kỳ Anh nêu.

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cũng đồng tình việc cần chú trọng đẩy mạnh việc quy hoạch và phát triển trục không gian sông Hồng. “Trong tương lai, sẽ có 10 cây cầu bắc qua sông Hồng. Mỗi cây cầu sẽ có những câu chuyện riêng mang nét văn hóa riêng của Hà Nội. Đây cũng là yếu tố để có thể khai thác du lịch, thu hút du khách. Vì thế, việc quy hoạch sông Hồng không chỉ là về cảnh quan, kiến trúc hai bên bờ sông theo hướng đô thị hiện đại mà còn cần tính đến các câu chuyện văn hóa, cũng như cần giải quyết ổn thỏa vấn đề dân sinh hai bên bờ sông”, ông Trần Ngọc Chính nêu.

Không chỉ đề cập vấn đề quy hoạch sông Hồng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, KTS Trần Ngọc Chính cũng khuyến nghị Hà Nội cần lưu ý phát triển văn hóa vỉa hè, văn hóa đường phố.

Giải pháp phong phú

Liên quan đến phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ trở thành nguồn lực phát triển văn hóa Hà Nội, GS.TS Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết: Hà Nội có nhiều làng thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, các làng nghề còn gặp nhiều khó khăn về phát triển, nguồn nhân lực, ô nhiễm môi trường… Bà Từ Thị Loan đề xuất, Hà Nội nên hoàn thiện các chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, xử lý rác thải, phát triển cơ sở hạ tầng; cải tiến mẫu mã, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong mẫu mã; khơi dậy sự sáng tạo của các nhà thiết kế…

GS.TS Từ Thị Loan phát biểu tại hội thảo.

GS.TS Từ Thị Loan phát biểu tại hội thảo.

Đóng góp ý kiến cho vấn đề phát triển văn hóa Hà Nội, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart đánh giá, Hà Nội đang đi đúng hướng trong việc thực hiện thành phố sáng tạo. Hiện nay, nhiều thành phố ở Nhật Bản đang muốn hợp tác với thành phố Hà Nội. Ông Christian Manhart lưu ý, trong quá trình phát triển các nguồn lực văn hóa, Hà Nội cần hài hòa giữa việc bảo tồn và phát triển.

Phát biểu kết thúc hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, sau 1 ngày làm việc nghiêm túc, thảo luận sôi nổi, hội thảo đã thu hút đông đảo sự tham gia của gần 300 nhà quản lý văn hóa, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu với 77 tham luận; lắng nghe 26 ý kiến, tham luận, trao đổi...

“Chưa bao giờ vấn đề văn hóa, con người lại được nhấn mạnh như trong văn kiện Đại hội XIII. Chúng ta phải phát huy giá trị và sức mạnh văn hóa con người Việt Nam, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, khát vọng phát triển đất nước. Vì thế, hội thảo là dịp để thành phố Hà Nội tổng kết, rà soát nhiều vấn đề về văn hóa, từ đó có những giải pháp hiệu quả trong việc phát triển nguồn nhân lực văn hóa cho Thủ đô, góp phần phục vụ cho quá trình lãnh đạo phát triển Thủ đô”, GS.TS Phùng Hữu Phú nói.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều giải pháp phong phú, trong đó, có những giải pháp mang tầm lý luận, có những giải pháp cụ thể, xoay quanh các nội dung chính: Nhận diện về Thủ đô Hà Nội; giá trị và nguồn lực của văn hóa Hà Nội; phát huy các giá trị nguồn lực cho văn hóa…

Hội thảo đã nhận diện rõ hơn nữa những giá trị quý báu cũng như nguồn tài nguyên di sản văn hóa phong phú của Thủ đô. Từ đó, hội thảo đưa ra những giải pháp quan trọng, khẳng định việc phát huy nguồn lực trong nước là yếu tố quyết định, nguồn lực quốc tế là yếu tố quan trọng; các phương thức biến đổi từ “tiềm năng” thành “động năng”, từ “tiềm lực" thành “động lực”; cần xây dựng cơ chế đột phá để thu hút nhân tài...

Hoàng Quyên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/1058870/khai-thac-hieu-qua-nguon-tai-nguyen-van-hoa