Khai thác hiệu quả quỹ đất nông nghiệp ở TP Hồ Chí Minh

Sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép TP Hồ Chí Minh chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp sang đất sản xuất công nghiệp, thương mại, du lịch và đất ở trong quỹ đất nông nghiệp 118.000ha của thành phố, diện tích đất sản xuất nông nghiệp vẫn còn rất lớn. Với chủ trương chuyển 5 huyện ngoại thành lên quân hoặc thành phố trực thuộc, TP Hồ Chí Minh sẽ không còn huyện ngoại thành trong giai đoạn sắp tới.

Khi dân số của thành phố còn tiếp tục tăng nhanh, thì việc khai thác hiệu quả quỹ đất nông nghiệp trong đô thị để đáp ứng một phần nhu cầu lương thực, thực phẩm tại chỗ là vấn đề tiếp tục được đặt ra. Nhất là khi TP Hồ Chí Minh chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp sạch tập trung để cung ứng nguồn thực phẩm an toàn tại chỗ cho người dân và đến nay nông nghiệp vẫn chỉ đóng góp ở mức chưa đến 1% GDP.

Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, tuy chỉ đóng góp tỉ trọng không lớn trong GDP của các đô thị, nhưng nông nghiệp luôn giữ vai trò rất quan trọng, không chỉ ở cung cấp lương thực, thực phẩm tại chỗ, bảo vệ môi trường mà còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là khi có biến động về thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…

Một khu đất nông nghiệp xen kẽ trong đô thị.

Một khu đất nông nghiệp xen kẽ trong đô thị.

TS Vũ Thị Quyền, Trường Đại học Văn Lang cho rằng, đô thị hóa ở TP Hồ Chí Minh diễn ra nhanh chóng và thiếu tập trung, làm cho diện tích đất nông nghiệp giảm mạnh. Trung bình mỗi năm giảm 700ha trong giai 2010 - 2015 và giảm 1.000ha mỗi năm trong giai đoạn 2015 - 2020. Trong khi đó với dân số xấp xỉ 14 triệu người (tính cả người tạm trú), bình quân mỗi ngày TP Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 10.964 tấn lương thực, thực phẩm các loại.

Là địa phương có thế mạnh về sản xuất rau và hoa, nhưng với diện tích hiện có, năng lực sản xuất của ngành Nông nghiệp thành phố chỉ cung ứng được khoảng 28% về nhu cầu rau xanh, sản lượng thịt các loại từ nông nghiệp cũng mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ, còn lại phần lớn nông sản, lương thực, thực phẩm tiêu thụ tại thành phố đều do các địa phương khác cung ứng.

“Dự kiến đến năm 2030, thị trường tiêu thụ các loại lương thực và thực phẩm tươi sống tại TP Hồ Chí Minh sẽ lên đến 17.000 tấn mỗi ngày. Trong khi chủ trương đến năm 2030 dân số thành phố sẽ đạt khoảng 24 - 25 triệu người (chưa kể người tạm trú), nên việc phát triển sản xuất nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu tại chỗ đang là một trong những vấn đề thách thức đối với TP Hồ Chí Minh”, TS Vũ Thị Quyền cho biết.

Thực tế cho thấy, những năm qua phần lớn diện tích đất nông nghiệp tại TP Hồ Chí Minh được sử dụng kém hiệu quả hoặc bị bỏ hoang hóa do ô nhiễm nguồn nước, tình trạng đô thị hóa quá nhanh hoặc do tình trạng quy hoạch treo của một số dự án có diện tích lớn. Mặt khác, diện tích đất trong mỗi hộ dân nhỏ nên không thể đầu tư sản xuất nông nghiệp một cách quy mô, bài bản.

Theo TS Nguyễn Văn Bộ, cũng giống như các đô thị lớn khác trên cả nước, tồn tại lớn nhất trong phát triển nông nghiệp đô thị của TP Hồ Chí Minh là chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị vẫn theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai. Trong khi đó, việc triển khai thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế, việc điều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện và đây là nguyên nhân khiến nông nghiệp đô thị bị ảnh hưởng, thiếu quy hoạch và không ổn định.

Thông tin về vấn đề khai thác quỹ đất dành cho phát triển nông nghiệp, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã cho rằng, chủ trương của thành phố là hướng tới xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng vùng nông nghiệp sạch để tạo ra giá trị sản phẩm cao mà không cần quá nhiều diện tích. Nhưng theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia về nông nghiệp, thách thức đối với ngành Nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh là vấn đề diện tích đất nông nghiệp giảm, chưa hình thành các khu sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn. Đặc biệt là tình trạng thiếu hụt nhân lực, lao động có độ tuổi cao và xây dựng công trình trên đất nông nghiệp phục vụ sản xuất, chế biến tại chỗ là hết sức khó khăn.

Trong đồ án quy hoạch TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 đang được thành phố hoàn thiện, các chuyên gia đã đưa ra giải pháp: Với quỹ đất nông nghiệp khoảng 89.612ha, ngành Nông nghiệp của thành phố sẽ phát triển bền vững trên cơ sở cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái bền vững gắn với công nghiệp chế biến và du lịch. Trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao đạt 75 - 85%; giá trị canh tác đạt từ 850 triệu đến 1 tỷ đồng/ha mỗi năm.

Để đạt mục tiêu trên, TP Hồ Chí Minh cần phát triển nông nghiệp theo hướng bố trí từng loại hình sản xuất phù hợp với các địa bàn. “Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn sắp tới có chính sách hỗ trợ cho mỗi dự án sản xuất nông nghiệp vay tối đa 200 tỷ đồng với mức hỗ trợ lãi suất từ 60 - 80 đến 100% trong thời gian không quá 5 năm. Đây sẽ là động lực để phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung”, TS nguyễn Văn Bộ khẳng định.

Để khai thác hiệu quả quỹ đất nông nghiệp còn rất lớn trên, ngày 29/12/2023, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Hồ Chí Minh còn có chủ trương hình thành các trung tâm dịch vụ theo hướng “Một điểm đến, đa chức năng” phù hợp với sản xuất nông nghiệp vùng ven đô. Do đó, TS Nguyễn Văn Bộ góp ý, tại vùng ngoại ô, cần tạo mối liên kết khép kín theo chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ và có thể truy xuất nguồn gốc. Các tour du lịch khá đặc biệt được du khách đánh giá cao là tạo điều kiện để du khách trực tiếp tham gia quá trình sản xuất mà trước đây họ chưa từng biết đến cũng sẽ là một hướng phát triển nông nghiệp cho một đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh.

Bảo Sơn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/khai-thac-hieu-qua-quy-dat-nong-nghiep-o-tp-ho-chi-minh-i736700/