Khai thác hợp tác Việt Nam – Thụy Điển trong phát triển bền vững

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long bày tỏ mong muốn hợp tác với các đối tác quốc tế nói chung và Thụy Điển nói riêng sẽ tiếp tục phát triển để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển xanh của Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chia sẻ về các chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư, phát triển bền vững và năng lượng của Việt Nam

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chia sẻ về các chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư, phát triển bền vững và năng lượng của Việt Nam

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, ngày 12/11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Thụy Điển, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và nhà ở Thụy Điển Andreas Carlson đã đồng chủ trì buổi Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Điển 2024 được tổ chức tại Trụ sở Tập đoàn Ericsson.

Sau phát biểu chào mừng của Chủ tịch Tập đoàn Ericsson và phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Andreas, Phó Chủ tịch nước đã có những chia sẻ ngắn gọn về các chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư và năng lượng của Việt Nam và cơ hội hợp tác đầy tiềm năng dành cho doanh nghiệp hai Bên.

Tiếp đó, thừa ủy quyền của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã chủ trì Phiên thảo luận với chủ đề “Chuyển đổi số hướng tới xã hội và công nghiệp bền vững”.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã có thời gian trao đổi thẳng thắn với đại diện các cơ quan, ban, ngành và đông đảo doanh nghiệp Thụy Điển về mong muốn của Chính phủ Việt Nam trong việc hợp tác với các đối tác quốc tế nói chung và Thụy Điển nói riêng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển xanh của Việt Nam.

Việt Nam đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ, đi cùng với những trách nhiệm và cam kết về giảm phát thải. Việt Nam là một trong 30 nước nộp bản Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), là một trong ba quốc gia đang phát triển đầu tiên tham gia quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và đang cùng các đối tác quốc tế xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực để công bố tại COP28 với mong muốn đưa mô hình quan hệ đối tác này trở thành hình mẫu, góp phần thúc đẩy xu hướng chuyển đổi năng lượng công bằng trên toàn cầu.

Đây là những cơ hội rất tiềm năng cho sự hợp tác trong tương lai giữa Việt Nam và Thụy Điển trong chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và đổi mới sáng tạo nhằm mục tiêu phát triển xanh, phát triển bền vững. Việt Nam mong muốn Thụy Điển chia sẻ những kiến thức về công nghệ và thực tiến quý giá trên cơ sở hai nước đảm bảo quan hệ đối tác bền vững và cùng có lợi.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long chủ trì Phiên thảo luận với chủ đề “Chuyển đổi số hướng tới xã hội và công nghiệp bền vững”

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long chủ trì Phiên thảo luận với chủ đề “Chuyển đổi số hướng tới xã hội và công nghiệp bền vững”

Phiên thảo luận có sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp Thụy Điển đang hoạt động lâu năm và cả những doanh nghiệp đang có ý định đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, có thể kể đến như Ericsson, Vilja, MSC, Syre, Scienta Envinet, Ngân hàng SEB, Ngân hàng EPC-ansvarig SEK, Tổ chức tài chính Swedfund, Business Sweden, EKN…

Tại phiên, MSC – Công ty Vận tải biển lớn nhất Thụy Điển đã công bố về sự hợp tác với cảng Gothenburg và cảng Vũng Tàu trong việc mở đường vận tải biển trực tiếp giữa Việt Nam và Thụy Điển, tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho giao thương Việt Nam – Thụy Điển.

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/khai-thac-hop-tac-viet-nam---thuy-dien-trong-phat-trien-ben-vung-129717.htm