Khai thác rừng bừa bãi khiến bộ tộc ẩn dật trong rừng sâu Amazon sợ hãi chạy trốn

Vốn sống ẩn dật và cách ly với thế giới bên ngoài từ hàng nghìn năm nay nên sự xuất hiện của những nhóm người khai thác gỗ trong khu vực rừng Amazon sâu thẳm đã khiến bộ tộc người Mashco Piro liên tục chạy trốn khỏi khu rừng của chính mình.

Trong thời đại thế giới phẳng, nơi con người từ khắp nơi trên hành tinh có thể giao tiếp với nhau qua màn hình thì đâu đó trên thế giới vẫn còn tồn tại số ít những bộ lạc bí ẩn không giao tiếp với thế giới hiện đại. Chính vì cuộc sống ẩn dật mà những hình ảnh về những nhóm người này rất hiếm hoi. Mới đây, tổ chức nhân quyền quốc tế Survival International đã bất ngờ ghi lại được những hình ảnh chân thực nhất về nhóm người Mashco Piro, một bộ lạc bản địa biệt lập sống ở sâu thẳm rừng Amazon xa xôi của đất nước Peru.

Sự xuất hiện hiếm hoi của bộ tộc biệt lập với thế giới

 Hình ảnh mới nhất của bộ tộc Mashco Piro trên bờ sông Las Piedras, tỉnh Madre de Dios, Peru ngày 27/6/2024.

Hình ảnh mới nhất của bộ tộc Mashco Piro trên bờ sông Las Piedras, tỉnh Madre de Dios, Peru ngày 27/6/2024.

 Những hình ảnh về bộ tộc Mashco Piro là rất hiếm hoi.

Những hình ảnh về bộ tộc Mashco Piro là rất hiếm hoi.

Được biết, người dân bộ lạc Mashco Piro đã xuất hiện lần gần đây nhất trên bờ sông Las Piedras ở làng Monte Salvado, thuộc tỉnh Madre de Dios, phía Đông Nam Peru, gần biên giới với Brazil vào ngày 27/6/2024 vừa qua. Theo Tổ chức bảo vệ nhân quyền địa phương FENAMAD, bộ lạc Mashco Piro đã di chuyển ra khỏi khu vực rừng nhiệt đới với tần suất thường xuyên hơn trong những tuần gần đây. FENAMAD cho biết, người Mashco Piro phải ra khỏi rừng để tìm kiếm thức ăn và tránh các hoạt động khai thác của công ty gỗ.

Được biết, hiện nay công ty khai thác gỗ Canales Tahuamanu đang sở hữu quyền khai thác gỗ trong khu vực rừng có người Mashco Piro sinh sống. Bà Caroline Pearce, Giám đốc của tổ chức Survival International cho biết, nơi sống của người Mashco Piro chỉ cách địa điểm khai thác gỗ vài kilomet.

Bộ tộc Mashco Piro có số lượng khoảng 750 người và là bộ tộc sống biệt lập lớn nhất trên thế giới. Họ sinh sống ở khu vực giữa hai khu bảo tồn thiên nhiên ở Madre de Dios ở trong các khu rừng nhiệt đới phía Đông Nam Peru. Như một quy luật bất biến, họ hiếm khi ra khỏi rừng và không giao tiếp với thế giới bên ngoài, thậm chí cả với bộ lạc khác. Họ là tộc người luôn cảm thấy sợ hãi, bất an và không cảm thấy yên bình. Vì thế, họ luôn chạy trốn khỏi thế giới hiện đại.

Phải bảo vệ nhân quyền cho người Mashco Piro

Những ngày gần đây, khoảng 50 người Mashco Piro đã xuất hiện ở gần ngôi làng Monte Salvado của người Yine. Trước đó, 17 người Mashco Piro cũng đã xuất hiện ở ngôi làng Puerto Nuevo gần đó. Có những báo cáo trước đây đã phản ánh về sự giận dữ của người Mashco Piro khi chứng kiến những công ty khai thác gỗ xuất hiện trên mảnh đất của họ.

Sự xuất hiện của những người khai thac gỗ không chỉ xâm phạm tới lãnh thổ lâu nay của bộ tộc Mashco Piro, mà còn có nguy cơ lây lan bệnh tật cho họ. Mất đất, mất rừng đã buộc người Mashco Piro phải bỏ nơi ở của họ để tìm nơi trú ẩn mới, nguồn thức ăn mới. Hơn thế, hành động khai thác này còn có nguy cơ gây ra xung đột bạo lực giữa hai phía.

Bà Rosa Padilha, cán bộ của Hội đồng Truyền giáo Brazil bang Acre, phía Tây Brazil cho biết, người Mashco Piro cũng đã xuất hiện ở biên giới Brazil. Theo bà Padilha, họ đang chạy trốn khỏi những người khai thác gỗ ở địa phận phía Peru. Cứ vào thời điểm tháng 6 trong năm, người Mashco Piro lại đến bãi biển để nhặt trứng rùa biển Amazon. Dấu vết họ để lại là những vết chân và mai rùa trên bờ biển.

Những hình ảnh về người Mashco Piro thực chất là một hồi chuông báo động về hành vi khai thác gỗ phá rừng hiện nay. Các tổ chức nhân quyền đang yêu cầu thu hồi giấy phép khai thác gỗ trong khu vực rừng nhiệt đới Amazon, đồng thời khẳng định chủ quyền lãnh thổ đó thuộc về người Mashco Piro.

 Người Mashco Piro luôn trong trạng thái sợ hãi và muốn chạy trốn.

Người Mashco Piro luôn trong trạng thái sợ hãi và muốn chạy trốn.

 Họ giận dữ vì bị mất đất và mất rừng ngay trên chính mảnh đất mà cha ông họ đã sinh sống hàng nghìn năm.

Họ giận dữ vì bị mất đất và mất rừng ngay trên chính mảnh đất mà cha ông họ đã sinh sống hàng nghìn năm.

Theo: CNN, ABC News

Gia Tuệ

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/khai-thac-rung-bua-bai-khien-bo-toc-an-dat-trong-rung-sau-amazon-so-hai-chay-tron-90507.html