Khai thác thiết chế văn hóa cơ sở: Gỡ bất cập, hấp dẫn người dân

Cùng với hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở thuộc thành phố Hà Nội, việc khai thác hiệu quả những công trình này cũng là yêu cầu đặt ra nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Vì nhiều nguyên nhân, mục tiêu này còn gặp không ít khó khăn, bất cập, cần có thêm giải pháp tháo gỡ để nâng cao chất lượng hoạt động, đưa thiết chế văn hóa trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút người dân.

Người dân tập luyện môn bóng chuyền hơi tại Nhà văn hóa thôn Yên Viên, xã Yên Viên (huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Quang

Người dân tập luyện môn bóng chuyền hơi tại Nhà văn hóa thôn Yên Viên, xã Yên Viên (huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Quang

Chưa khai thác hết công năng

Được đưa vào sử dụng từ năm 2017, Nhà văn hóa thôn An Khoái (xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên) chủ yếu dùng cho việc hội họp, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, còn các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra đơn lẻ, chưa thực sự hấp dẫn người dân tham gia. Điểm sinh hoạt cộng đồng số 17 (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) mới chỉ dừng lại là điểm tập trung hội họp, các buổi sinh hoạt văn hóa, thể thao còn rất hạn chế.

Các nhà văn hóa thôn tại xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai) cũng trong cảnh tương tự. Do diện tích hạn chế, trang thiết bị thiếu thốn, có nơi còn bị chợ "cóc", chợ "tạm" lấn chiếm…, nên việc phát huy hiệu quả tại các công trình này chưa như kỳ vọng. Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi cho biết, các thiết chế văn hóa cơ sở chủ yếu được khai thác cho việc hội họp 5-10 buổi/tháng. Còn lại, tùy điều kiện, khả năng của cơ sở trong gây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, trong đó phụ thuộc rất nhiều vào các hạt nhân, lực lượng nòng cốt, cũng như sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương.

Câu chuyện ở các điểm đến trên đang là thực trạng chung của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn thành phố. Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, toàn thành phố hiện có 97% thôn, 65,5% tổ dân phố có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, mới chỉ có hơn 40% nhà văn hóa đáp ứng tiêu chí cơ bản về quy mô, diện tích, trang thiết bị; số còn lại chưa đáp ứng các tiêu chí cơ bản, không bảo đảm điều kiện sử dụng. Công tác tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa còn nhiều hạn chế, khi có tới hơn 30% nhà văn hóa tổ chức hoạt động được 1 lần/tháng.

Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thạch Thất Nguyễn Trường Giang, nhiều nơi mong muốn được khai thác công trình để có nguồn kinh phí tái đầu tư cho các hoạt động cũng như bảo trì, bảo dưỡng cơ sở vật chất, song vì chưa có hướng dẫn nên không biết tổ chức thế nào. Do đó, hiện nay hầu hết vẫn hoạt động trên tinh thần tự nguyện đóng góp, nguồn quỹ eo hẹp, khó nâng cao sức hấp dẫn.

Tạo cơ chế để đổi mới hoạt động

Nhằm tạo sức hấp dẫn cho các điểm đến văn hóa cơ sở, những năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tích cực phối hợp với các địa phương “nhân, cấy” nhiều mô hình, câu lạc bộ, với nội dung hoạt động sáng tạo, ấn tượng, như: Câu lạc bộ làm hoa giấy; câu lạc bộ di sản và ký ức; câu lạc bộ nghệ thuật trình diễn và tổ chức giao lưu văn nghệ…

Theo Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Thành Tuyên, Sở cũng đã ban hành Hướng dẫn thực hiện công tác quản lý và tổ chức hoạt động đối với nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố, song chưa có hướng dẫn về khai thác, sử dụng các công trình này. Kinh phí dành cho các hoạt động này hiện được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước bố trí theo phân cấp hằng năm, hoặc do nhân dân tự nguyện đóng góp cũng như huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp...

Nói về việc cần thiết có quy chế khai thác, vận hành các thiết chế văn hóa cơ sở, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương cho rằng, điều này sẽ góp phần tạo cơ chế tăng nguồn thu cho thiết chế văn hóa, hạn chế việc sử dụng không đúng mục đích. “Quy chế sẽ đưa ra khung cơ bản về mức phí, hiệu suất, thời gian cho phép khai thác công trình… để các địa phương có cơ sở vận dụng phù hợp. Chẳng hạn, câu lạc bộ aerobic khai thác công trình định kỳ từ 5 đến 6h sáng hằng ngày, hay điểm giữ ô tô từ 23h đến 6h sáng hôm sau, sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động khác của địa phương, đồng thời mang đến nguồn thu cho việc vận hành công trình…”, bà Phùng Thị Hoài Hương nêu.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã yêu cầu các sở, ngành liên quan và các địa phương tập trung quy hoạch tổng thể thiết chế văn hóa cơ sở, rà soát, cập nhật vào quy hoạch chung của thành phố; nghiên cứu, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách cho các thiết chế văn hóa, quy chế khai thác, quản lý hoạt động cũng như hướng dẫn về cơ chế tự chủ kinh phí. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện đội ngũ quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác công trình, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng để phát huy thế mạnh, đưa thiết chế thực sự trở thành không gian nuôi dưỡng, phát triển văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Nguyễn Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/1032581/khai-thac-thiet-che-van-hoa-co-so-go-bat-cap-hap-dan-nguoi-dan