Khai thác tiềm năng, cơ hội, lợi ích từ chuyển đổi số y tế

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Với ngành y tế, mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số là hỗ trợ chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân thông qua hệ thống y tế bền vững, trong đó bảo đảm yếu tố chất lượng, tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế, giảm chi phí y tế…

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Cuộc họp. Ảnh: Bộ Y tế

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại Cuộc họp. Ảnh: Bộ Y tế

Nỗ lực thực hiện chuyển đổi số y tế

Ngày 5/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp Nhóm đối tác y tế với chủ đề “Chuyển đổi số trong y tế tại Việt Nam đến năm 2030”.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, chuyển đổi số được xác định là chủ trương lớn có ý nghĩa chiến lược của Đảng và Nhà nước. Đây là xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh và bền vững, góp phần hiện thực hóa xây dựng đất nước thịnh vượng.

Là một trong các lĩnh vực có tác động xã hội lớn, liên quan tới sức khỏe và người dân nên ngành Y tế rất cần ưu tiên triển khai chuyển đổi số. Xác định rõ điều này, năm 2023, Bộ Y tế đã ban hành Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng về chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trước đó, tháng 12/2020 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số phê duyệt chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Với quyết tâm, nỗ lực cùng với sự hỗ trợ, hợp tác của các Bộ, ngành, các đối tác, thời gian qua, Bộ Y tế bước đầu đã triển khai các nhiệm vụ và mang lại một số kết quả như: ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh (KCB) và giám định thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT); KCB từ xa, xây dựng nền tảng hỗ trợ tư vấn KCB từ xa, nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên hệ thống định danh quốc gia (VneID); triển khai quản lý hồ sơ bệnh án điện tử; ứng dụng KCB BHYT bằng căn cước công dân gắn chip hoặc qua ứng dụng định danh điện tử tại các cơ sở KCB; thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế dự phòng và một số lĩnh vực chuyên môn, xây dựng phần mềm quản lý trạm y tế xã thống nhất.

Khám, chữa bệnh bằng Căn cước công dân gắn chip mang lại nhiều tiện ích cho người bệnh. Ảnh: Đ. KHOA

Khám, chữa bệnh bằng Căn cước công dân gắn chip mang lại nhiều tiện ích cho người bệnh. Ảnh: Đ. KHOA

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Bộ Y tế đã triển khai một số hệ thống khác, như hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia, ngân hàng thuốc, triển khai một số ứng dụng AI, chủ yếu trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị bệnh…

Chia sẻ về quá trình thực hiện chuyển đổi số tại đơn vị, PGS.TS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Bệnh viện Bạch Mai quyết tâm triển khai thực hiện chuyển đổi số toàn diện, hướng tới bệnh viện thông minh, không giấy tờ.

Được sự hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bệnh viện Bạch Mai đã lựa chọn phần mềm mã nguồn mở, thực hiện miễn phí trong các cơ sở y tế, không phải đấu thầu mà chỉ mất chi phí cài đặt, hướng dẫn triển khai thực hiện.

"Bệnh viện đã triển khai thành công. Các bác sĩ chỉ dùng máy tính bảng để đi buồng, tất cả kết quả khám, chụp, thông tin bệnh án của người bệnh, thuốc sử dụng… được thể hiện hết trên thiết bị này. Đặc biệt chữ ký số đã được áp dụng để thuận tiện trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB. Chỉ sau 2 tuần chính thức triển khai, Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn toàn không dùng bệnh án giấy, chuyển toàn bộ sang bệnh án điện tử"- PGS.TS Vũ Văn Giáp thông tin.

Đề xuất lập nhóm đối tác quốc tế về chuyển đổi số y tế

Bên cạnh những kết quả và lợi ích thiết thực của chuyển đổi số trong y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thẳng thắn nhìn nhận, vấn đề đặt ra là làm thế nào để khai thác đầy đủ tiềm năng, cơ hội và lợi ích do y tế số mang lại, đồng thời quản lý và hạn chế các rủi ro và nguy cơ do số hóa, bảo đảm việc mọi người đều có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ.

Quang cảnh Cuộc họp. Ảnh: Bộ Y tế

Quang cảnh Cuộc họp. Ảnh: Bộ Y tế

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, mặc dù bước đầu các cơ sở y tế đã triển khai được các ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người bệnh và nhân viên y tế; tuy nhiên, cần phải tiếp tục nghiên cứu, phát triển hơn nữa các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế, đặc biệt là tạo lập cơ sở dữ liệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin y tế…

TS. Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho rằng, để đảm bảo tiềm năng của y tế số trong việc cải thiện sức khỏe có thể được hiện thực hóa, cần một môi trường thuận lợi, dựa trên quản trị mạnh mẽ, bao gồm khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ, chính sách rõ ràng và sự quản lý để thực hiện chuyển đổi một cách có đạo đức, an toàn, bảo mật và công bằng.

Bà Angela Pratt cũng nhấn mạnh, một quá trình chuyển đổi y tế số thành công cũng đòi hỏi phải lắng nghe tiếng nói của bệnh nhân và những người sử dụng dịch vụ khác, nhân viên y tế, các nhà lãnh đạo y tế và các nhà hoạch định chính sách trên khắp các cơ quan khác nhau, sau đó hợp tác giữa các ngành và đối tác để thực hiện.

Trên cơ sở những vấn đề ngành y tế tập trung triển khai thời gian tới, đặc biệt là vấn đề chuyển đổi số y tế, tại Cuộc họp, các nhóm đối tác đều bày tỏ cam kết tiếp tục đồng hành cùng ngành y tế và cũng đưa ra một số khuyến nghị, đề xuất cho ngành.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, các ý kiến tham luận tại Cuộc họp đã khẳng định việc cần thiết tập trung thực hiện chuyển đổi số y tế vì những lợi ích của chuyển đổi số mang lại cho nhà quản lý, người dân, doanh nghiệp... giúp tiết kiệm được thời gian, tránh lãng phí, nguồn lực...

Với quan điểm đó, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề xuất lập Nhóm đối tác quốc tế về chuyển đổi số y tế. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức làm tổng chỉ huy thực hiện chuyển đổi số y tế của ngành; Vụ hợp tác Quốc tế là đầu mối tập hợp ý kiến của các đối tác quốc tế về chuyển đổi số y tế; Cục Khoa học công nghệ và đào tạo làm đầu mối về chuyên môn.

NGUYÊN AN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/khai-thac-tiem-nang-co-hoi-loi-ich-tu-chuyen-doi-so-y-te-36864.html