Khai thác tiềm năng của công nghệ để nâng cao an toàn và sức khỏe nghề nghiệp

Chuyển đổi số đang làm thay đổi thế giới việc làm, đồng thời cũng tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (ATSKNN).

Chủ đề Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2025 là: “Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới” và “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”. Ảnh: TL

Chủ đề Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2025 là: “Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới” và “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”. Ảnh: TL

Chuyển đổi số mang lại lợi ích thiết thực

Từ trí tuệ nhân tạo (AI), robot, cảm biến đến thực tế ảo, công nghệ số đang cách mạng hóa nơi làm việc. Các công nghệ này có tiềm năng lớn giúp giảm thiểu rủi ro về an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và cải thiện điều kiện làm việc. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những mối nguy mới, sự bất bình đẳng và khoảng trống trong quy định pháp luật mà chúng ta cần phải kịp thời nhận diện và ứng phó.

Trong nhiều ngành tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Tự động hóa giúp người lao động giảm thiểu tiếp xúc với hóa chất, tiếng ồn, bụi, nhiệt độ khắc nghiệt, và máy móc nguy hiểm.

Tại New Zealand, các mạng lưới robot đang được nghiên cứu để tái định hình an toàn lao động trong nhiều ngành công nghiệp. Ở Malaysia, trí tuệ nhân tạo được tích hợp vào các quy trình an toàn trong sản xuất linh kiện điện tử – nơi người lao động làm việc lặp đi lặp lại trong các dây chuyền sản xuất và tiếp xúc với các mối nguy vật lý lẫn hóa chất.

Phòng ngừa là nền tảng của an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc. Hệ thống giám sát thông minh và phân tích dự báo đang giúp người sử dụng lao động và người lao động nhận diện mối nguy trước khi chúng trở nên nghiêm trọng. Công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường đang thay đổi cách thức đào tạo cho người lao động, đặc biệt trong các ngành có nguy cơ cao.

Mô phỏng nhập vai tạo điều kiện cho người lao động diễn tập ứng phó với các tình huống khẩn cấp hoặc làm quen với môi trường nguy hiểm một cách an toàn. Hệ thống quản lý bằng thuật toán, sử dụng AI để phân công, giám sát và đánh giá công việc, cũng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, nếu không được quản lý đúng cách, các công nghệ này có thể làm tăng cường độ công việc, giảm tính tự chủ và tăng mức độ giám sát, gây căng thẳng và giảm sút sức khỏe tinh thần.

Bà Kaori Nakamura-Osaka, Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Bà Kaori Nakamura-Osaka, Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Mặc dù chuyển đổi số góp phần thúc đẩy gia tăng mô hình làm việc từ xa và làm việc trên nền tảng trong khu vực, nhưng nó cũng làm mờ ranh giới giữa thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi. Hệ lụy có thể kể đến như các vấn đề về cơ xương khớp, kiệt sức và cô lập số. Người giao hàng, tài xế công nghệ phải làm việc dưới áp lực cao, đôi khi ảnh hưởng đến sự an toàn của cả bản thân và khách hàng.

Trong khi đó, người lao động trong nền kinh tế nền tảng thường không được tiếp cận đầy đủ với các biện pháp ATSKNN. Nhiều nền tảng lao động số cũng chưa có cơ chế hỗ trợ sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, mặc dù rủi ro về an toàn và sức khỏe do các yếu tố tâm lý - xã hội, công thái học và môi trường đang ngày càng phổ biến.

Để ứng phó hiệu quả với những biến động phức tạp này, chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động cần hợp tác chặt chẽ để đảm bảo rằng chuyển đổi số mang lại lợi ích thiết thực, thay vì làm suy giảm an toàn và phẩm giá của người lao động. Các Công ước cơ bản của ILO, bao gồm Công ước số 155 về An toàn Sức khỏe Nghề nghiệp và Công ước số 187 về Khung thúc đẩy an toàn sức khỏe nghề nghiệp cung cấp khung vững chắc để hỗ trợ quá trình này.

Một số quốc gia trong khu vực đã có động thái tích cực. Tại Singapore, từ ngày 01/1/2025, Đạo luật Bồi thường tai nạn lao động đã mở rộng phạm vi điều chỉnh cho người lao động trong kinh tế nền tảng, như tài xế, người giao hàng, giúp họ tiếp cận với các chế độ an sinh xã hội tương tự như những lao động truyền thống. Nhật Bản đang nỗ lực mở rộng phạm vi điều chỉnh của các điều luật về ATSKNN cho các cá nhân tự doanh, bao gồm người lao động nền tảng không có hợp đồng lao động.

Chúng ta cần làm gì tiếp theo?

Trước tiên, ATSKNN cần được tích hợp vào mọi chiến lược chuyển đổi số, từ AI, robot đến quản trị dữ liệu. Thứ hai, pháp luật về ATSKNN cần được cập nhật thường xuyên để xử lý các rủi ro mới xuất hiện, chẳng hạn như thiên vị thuật toán , ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, và quyền được ngắt kết nối . Thứ ba, đào tạo bao trùm và liên tục là yếu tố then chốt nhằm đảm bảo tất cả người lao động, không chỉ ở các ngành công nghệ cao, đều có thể sử dụng các công cụ kỹ thuật số một cách an toàn. Cần đặc biệt lưu ý đến các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, thanh niên, người cao tuổi và người khuyết tật.

Chúng ta cũng cần đảm bảo sự tham gia đầy đủ của người lao động và người sử dụng lao động trong mọi giai đoạn của tiến trình công nghệ, từ xây dựng quy định, chính sách và công cụ đến thực thi và giám sát.

Cuối cùng, đổi mới số cần được nhận định là công cụ hỗ trợ chứ không phải thay thế sự giám sát của con người. Các công nghệ như cảm biến thông minh, phân tích dự báo hay hệ thống ra quyết định tự động rất hữu ích, nhưng cần được tích hợp vào các khung ATSKNN vững chắc, đặt con người cùng sự giám sát, các tiêu chuẩn đạo đức và quyền của người lao động làm trung tâm.

Chuyển đổi số không chỉ là hiệu suất, đây là cơ hội có một không hai để xây dựng nơi làm việc an toàn, lành mạnh và bền chí hơn. Nhưng, chúng ta cần hành động có chủ đích và bao trùm, trên hết, cần đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình hướng tới tương lai của việc làm.

Nhân Ngày Thế giới về An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc, chúng ta hãy cùng nhau cam kết vì một tương lai đổi , sáng tạo luôn đi đôi với bảo vệ con người - nơi mỗi bước tiến công nghệ là một bước tiến cho phẩm giá, sức khỏe và an toàn của người lao động.

Ngày An toàn và Sức khỏe Lao động Thế giới (World Day for Safety and Health at Work) được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khởi xướng và tổ chức lần đầu tiên vào ngày 28/4/2003. Trước đó, từ 1996, ngày này được Liên đoàn Thương mại Thế giới (ITUC) tổ chức nhắm tưởng niệm quốc tế cho những người lao động đã chết và bị thương do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Việc ILO chọn ngày 28/4 làm Ngày An toàn và Sức khỏe Lao động Thế giới nhằm mục đích thống nhất hai ngày quan trọng này, tạo nên một sự kiện có quy mô toàn cầu, từ đó nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn lao động và sức khỏe cho người lao động; tập trung vào việc phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp thông qua việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và các sáng kiến hay; thúc đẩy đối thoại xã hội giữa chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động để xây dựng và duy trì một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh.

Chủ đề của Ngày An toàn và Sức khỏe Lao động Thế giới năm 2025 là "Cách mạng hóa sức khỏe và an toàn: Vai trò của AI và số hóa trong lao động".

Kaori Nakamura-Osaka

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/khai-thac-tiem-nang-cua-cong-nghe-de-nang-cao-an-toan-va-suc-khoe-nghe-nghiep-39842.html