Khai thác tiềm năng du lịch hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai (Kỳ 1)

Hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai có hệ sinh thái thuận lợi để TP Hồ Chí Minh và hai tỉnh Đồng Nai, Bình Dương phát triển du lịch đường thủy. Sự vào cuộc tích cực của chính quyền, người dân và doanh nghiệp đã góp phần giữ gìn, phát triển 'lá phổi xanh' giữa vùng kinh tế trọng điểm phía nam; từng bước khôi phục, phát triển thêm các sản phẩm du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn. Tuy nhiên, thực tế cũng đòi hỏi các địa phương có chiến lược phát triển du lịch căn cơ, bền vững hơn...

Du khách tham quan tuyến du lịch đường sông kết nối TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

Du khách tham quan tuyến du lịch đường sông kết nối TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

Bài 1: Phát huy lợi thế

Nhờ có sông Sài Gòn và sông Đồng Nai bao bọc, phần lõi của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam là TP Hồ Chí Minh và hai tỉnh Đồng Nai, Bình Dương có lợi thế phát triển du lịch, tạo sự cân bằng, hài hòa với quá trình phát triển công nghiệp, đô thị. Thời gian gần đây, các địa phương đã tập trung đầu tư khai thác lợi thế, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đường sông hấp dẫn du khách...

Đa dạng hóa sản phẩm

Trên chiếc ca-nô chất lượng cao của tuyến du lịch đường sông vừa mới mở, chúng tôi háo hức ghé thăm những địa điểm nổi tiếng trên dòng sông Đồng Nai. Đây là tuyến đầu trong năm tuyến chính của địa phương được tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chính thức đi vào hoạt động vào đầu tháng 9 vừa qua.

Với chiều dài khoảng 30 km từ cù lao Ba Xê, phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa đến khu vực hồ thủy điện Trị An thuộc xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, tuyến du lịch này có bốn điểm chính: Điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp dịch vụ vui chơi giải trí tại cù lao Ba Xê quy mô khoảng 30 ha; bến thủy Nguyễn Văn Trị; bến tàu kết hợp điểm dừng Bửu Long; điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí khoảng 30 ha tại xã Hiếu Liêm. “Trăm nghe không bằng một thấy”, nhìn sông nước Đồng Nai mênh mang, dạt dào, chúng tôi cùng nhiều du khách có một chuyến trải nghiệm thú vị trên một phần của con sông dài gần 600 km uốn lượn qua các tỉnh: Lâm Đồng, Đác Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh trước khi đổ ra biển.

Tỉnh Đồng Nai đưa tuyến du lịch đường sông vào hoạt động đã đáp ứng sự mong đợi của đông đảo người dân và du khách. “Lần đầu tham quan tuyến du lịch đường sông Đồng Nai, tôi rất hào hứng. Suốt chuyến đi, tôi ngắm nhìn đến “no” mắt nhiều cảnh vật tuyệt đẹp của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai ven sông. Tôi tin tuyến du lịch này sẽ thu hút đông đảo du khách khi có dịp đến với Biên Hòa”, chị Nguyễn Thị Hồng Huệ, một du khách chia sẻ.

Từ năm 2013, TP Hồ Chí Minh đã đưa vào khai thác sản phẩm du lịch đường thủy kết nối giữa trung tâm thành phố với huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi (Sài Gòn - Cần Giờ và Sài Gòn - Củ Chi). Đây là một trong những sản phẩm trọng tâm của du lịch sông nước đã thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lữ hành và nhà đầu tư. Gần đây, việc đưa vào hoạt động tàu buýt sông Sài Gòn, tăng thêm nhiều sản phẩm du lịch đường sông khác (phần lớn trên hai tuyến Sài Gòn - Cần Giờ và Sài Gòn - Củ Chi) của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) được du khách đánh giá cao và có nhiều triển vọng phát triển. Đó cũng là việc cụ thể hóa kế hoạch phát triển du lịch đường thủy giai đoạn 2017 - 2020 mà UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành để đến năm 2020 sẽ có ít nhất bảy chương trình du lịch đường thủy trên các tuyến sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu và các tuyến kênh nội đô.

Là vùng đất được hai con sông Sài Gòn và Đồng Nai góp phần bồi tụ, tỉnh Bình Dương đã chú trọng khai thác tiềm năng sông nước, đầu tư phát triển tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Từ chương trình phối hợp giữa các địa phương, năm 2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương phối hợp Saigontourist lập tua du lịch đường sông kết nối TP Hồ Chí Minh - Bình Dương và khai trương tuyến du lịch đường sông đầu tiên đi từ Tân Cảng (TP Hồ Chí Minh) đến Bến Bạch Đằng (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) để khách du lịch tham quan những ngôi nhà cổ, chợ Thủ Dầu Một, Chùa Bà Thiên Hậu và Chùa Hội Khánh. Từ tháng 10-2017 đến 4-2018, Saigontourist đã tổ chức được 18 tua du lịch đường sông với hàng trăm lượt khách, chủ yếu là khách quốc tế, đến Bình Dương tham quan.

Nổi tiếng cả nước về những vườn cây ăn trái đặc sản bên dòng sông Sài Gòn, thị xã Thuận An (Bình Dương) đã sớm đề ra kế hoạch phát triển du lịch sinh thái ven sông. Đưa chúng tôi tham quan vườn cây ăn trái Lái Thiêu, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Thuận An Trần Văn Mười chia sẻ: Sông Sài Gòn chảy qua Thuận An, phù sa bồi đắp đã được người dân địa phương tạo dựng thành 1.170 ha vườn cây ăn trái đặc sản với nhiều chủng loại được đánh giá là ngon nhất vùng Đông Nam Bộ. Phát huy lợi thế này, địa phương tập trung phát triển du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn, kết hợp tham quan các làng nghề truyền thống, thưởng thức các món ăn đặc trưng và xem biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử, nghệ thuật trang trí bằng trái cây. Nhờ có kế hoạch cụ thể, thời gian qua đã có hàng nghìn du khách đến với địa phương qua du lịch đường thủy...

Gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa

Nổi bật trong hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai đi qua là những vùng đất anh hùng đã đi vào lịch sử đấu tranh vẻ vang của dân tộc như: Địa đạo Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), Địa đạo Tam Giác Sắt (Bình Dương) và Chiến khu Đ (Bình Dương và Đồng Nai)... Các địa phương trong vùng đã có chiến lược phát triển du lịch, đa dạng loại hình sản phẩm gắn với bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của những “địa chỉ đỏ” ấy.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương Nguyễn Khoa Hải cho biết, Bình Dương có lợi thế về cảnh quan sông nước hữu tình kết nối với các vườn cây ăn trái, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, các công trình kiến trúc cổ, các làng nghề truyền thống sơn mài, gốm sứ... là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch đường sông kết hợp tham quan, khám phá các “địa chỉ đỏ”. Bên cạnh việc khai thác, đưa khách đến tham quan các di tích lịch sử cách mạng, Bình Dương còn tích cực trong bảo tồn, sưu tầm, trưng bày các hiện vật. Tại Khu di tích Địa đạo Tam Giác Sắt tây nam Bến Cát, từng là căn cứ của Huyện ủy Bến Cát, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một và Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, từ đầu năm 2018 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương đã sưu tầm được 659 hiện vật và trưng bày chuyên đề tại khu chứng tích chiến tranh; thiết kế trưng bày mô hình địa đạo - cuộc sống của người dân vùng Địa đạo tây nam Bến Cát. Đến với khu di tích này, du khách còn được trải nghiệm chui địa đạo, tham quan mô hình tái hiện cuộc sống, sinh hoạt và chiến đấu của quân dân vùng địa đạo trong thời kỳ chiến tranh. Hiện nay, Khu di tích Địa đạo Tam Giác Sắt thường xuyên mở cửa đón khách tham quan, tổ chức hội trại, hành trình “về nguồn”, nhất là các học sinh, sinh viên.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương cũng đã triển khai thực hiện công tác sưu tầm hình ảnh, tư liệu, hiện vật phục vụ trưng bày, lưu trữ hồ sơ liên quan di tích Chiến khu Đ. Tỉnh đang triển khai dự án trưng bày mỹ thuật khu tưởng niệm Chiến khu Đ giai đoạn 2016-2019 với chín mô hình, tranh và phù điêu thuộc khu trưng bày ngoài trời; đầu tư trang thiết bị trong nhà đón tiếp, điều hành và nhà truyền thống.

Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều tua du lịch đường sông từ TP Hồ Chí Minh ngược về thượng nguồn sông Sài Gòn trong thời gian qua đã kết nối đến các khu vực ghi nhiều dấu tích lịch sử. Tua du lịch đường sông Tân Cảng - Bến Đình, khởi hành tại bến thủy nội địa Tân Cảng đến tham quan bán đảo Thanh Đa - Bình Quới, cầu Bình Lợi, chợ Lò Gốm Lái Thiêu, thị xã Thuận An (Bình Dương) đến ngã ba Bến Cát và tham quan địa đạo Bến Đình (Củ Chi). Đây là tuyến du lịch có ý nghĩa sâu sắc, kết hợp sự độc đáo giữa sông nước với những địa danh văn hóa, lịch sử để giới thiệu, quảng bá những giá trị truyền thống của những vùng đất mà tuyến sông đi qua.

Dù mới đi vào hoạt động trong thời gian ngắn nhưng tuyến du lịch trên sông Đồng Nai đã để lại trong lòng du khách nhiều ấn tượng sâu đậm khi có dịp trải nghiệm các sản phẩm: “Đồng Nai sông nước - Hành trình văn hóa”, “Văn hiến phương Nam - Hành trình di sản”. Bằng phương tiện di chuyển trên sông, du khách có dịp ghé thăm những địa danh nổi tiếng bên dòng Đồng Nai như: Danh thắng Bửu Long với phong cảnh hữu tình của núi Bửu Phong và hồ Long Ẩn được ví như Vịnh Hạ Long thu nhỏ đã được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia. Thăm Văn miếu Trấn Biên nơi thờ Khổng Tử và các danh nhân văn hóa Việt Nam, là di tích lịch sử quốc gia hơn 300 năm tuổi. Thăm đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Ông, làng cá bè Tân Mai, làng bưởi Tân Triều...

Đồng Nai đang tiếp tục lựa chọn các di tích có khả năng khai thác để kết nối các điểm tham quan trên tuyến du lịch sông Đồng Nai với các khu, điểm du lịch nhằm tạo thành tuyến du lịch đặc trưng như: Khu du lịch Bửu Long - Văn miếu Trấn Biên - Làng bưởi Tân Triều - Đảo Ó - Khu bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai...

Với sự quan tâm, đầu tư đúng mức của tỉnh Đồng Nai và chính sách khuyến khích các nhà đầu tư vào du lịch đường sông, thời gian tới, du lịch đường sông Đồng Nai có thể sẽ trở thành tuyến tham quan hấp dẫn, thu hút ngày càng đông du khách trong nước và quốc tế; thêm cơ hội cho ngành du lịch Đồng Nai và các tỉnh, thành phố nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam phát triển...

(Còn nữa)

Bài, ảnh: HỒNG LÂM, TRỊNH BÌNH và THIÊN VƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/38248702-khai-thac-tiem-nang-du-lich-he-thong-song-sai-gon-dong-nai.html