Khai thác tiềm năng, phát triển du lịch Hà Tĩnh xứng tầm
Du lịch Hà Tĩnh đang hồi sinh và có những bước phát triển mới. Năm mới Giáp Thìn 2024, cùng nghe các doanh nghiệp, nhà quản lý và du khách chia sẻ những dự định, kỳ vọng về sự phát triển của du lịch Hà Tĩnh trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Tiến Trình - Giám đốc Công ty Du lịch Thành Sen: Xây dựng nhiều tour, tuyến đáp ứng nhu cầu du khách
Ông Nguyễn Tiến Trình.
Những ngày đầu năm 2024, lượng khách về với Hà Tĩnh trải nghiệm du lịch tâm linh ở đền Chợ Củi, đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (đền Bà Hải), chùa Hương Tích... có chiều hướng tăng. Đây là tín hiệu mừng cho ngành du lịch tỉnh nhà trong những ngày đầu năm mới.
Với sự khởi đầu khá suôn sẻ, tôi kỳ vọng rằng ngành du lịch Hà Tĩnh sẽ phát triển vững mạnh hơn trong thời gian tới nếu chúng ta biết vận dụng và khai thác tiềm năng sẵn có. Về phía Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ và Du lịch Thành Sen (Công ty Du lịch Thành Sen), chúng tôi tiếp tục nghiên cứu các phương án kinh doanh phù hợp với tình hình mới, không ngừng đổi mới sáng tạo, tiếp cận công nghệ và áp dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ngoài xây dựng các chương trình tour du lịch trong nước và quốc tế, chúng tôi còn chú trọng các chương trình tour đón khách về Hà Tĩnh hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của du khách hiện nay như: tour du lịch tâm linh - văn hóa - lịch sử, lấy chùa Hương Tích làm trọng tâm, từ đó xây dựng các điểm tham quan như Khu lưu niệm Nguyễn Du, Ngã ba Đồng Lộc, đền Chợ Củi... Đồng thời, xây dựng đội ngũ nhân viên, hướng dẫn viên làm việc tại trung tâm điều hành hỗ trợ dịch vụ du lịch chùa Hương Tích trở thành những tuyên truyền viên, để du khách có thêm sự lựa chọn dịch vụ du lịch cũng như quảng bá, thu hút du khách thập phương về với Hà Tĩnh.
Ông Phan Văn Lĩnh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nghi Xuân: Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Ông Phan Văn Lĩnh.
Với vị trí đắc địa, có sông, núi, biển, Nghi Xuân có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Trên địa bàn huyện cũng có hơn 240 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Khu di tích Nguyễn Du), 9 di tích cấp quốc gia, 77 di tích cấp tỉnh. Địa phương còn là cái nôi của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như: ca trù Cổ Đạm, trò Kiều, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, sắc bùa... và nhiều lễ hội như trò sĩ - nông - công - thương - ngư, lễ hội Cầu ngư, đền Chợ Củi... Trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn, đã có hàng chục nghìn người dân, du khách thập phương tìm đến các địa điểm du lịch trên địa bàn, mang tới những tín hiệu khởi sắc.
Phát huy những kết quả đạt được, huyện tiếp tục tập trung phát huy thế mạnh, tích cực khảo sát, hình thành nhiều mô hình, điểm du lịch; tiếp tục tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, cơ sở lưu trú; kết nối, tạo thuận lợi cho các công ty lữ hành đưa du khách về với Nghi Xuân; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch trên các hệ thống thông tin và mạng xã hội; từng bước tiếp cận công nghệ thông tin để cung cấp các sản phẩm du lịch. Từ đó, từng bước khẳng định vị trí của Nghi Xuân trên bản đồ du lịch cả nước, đưa du lịch trở thành hướng phát triển mũi nhọn của địa phương, góp phần phát triển KT-XH và xây dựng huyện Nghi Xuân đạt nông thôn mới kiểu mẫu điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Chị Đặng Thanh Tâm - Quận 7, TP Hồ Chí Minh: Du lịch Hà Tĩnh ngày càng đa dạng, hấp dẫn
Chị Đặng Thanh Tâm.
Dù khoảng cách vị trí địa lý khá xa nhưng tôi đã tới tham quan một số điểm du lịch nổi tiếng của Hà Tĩnh. Vào dịp đầu xuân, tôi và gia đình đã cố gắng sắp xếp để đến một số điểm du lịch tâm linh như chùa Hương Tích, đền Chợ Củi, Ngã ba Đồng Lộc... dâng hương, cầu bình an, may mắn và hạnh phúc.
Tôi nhận thấy những năm gần đây, các địa điểm du lịch ở Hà Tĩnh đã có sự thay đổi lớn để phục vụ tốt hơn người dân và du khách thập phương. Đơn cử như Khu du lịch chùa Hương Tích đã có sự đầu tư lớn với hệ thống cáp treo, xe điện, cảnh quan môi trường sạch đẹp, nhiều điểm check-in được thiết kế phù hợp không gian tâm linh, bắt nhịp với xu thế hiện nay. Quan trọng nhất, ngôi chùa vẫn giữ được vẻ cổ kính, thanh tịnh, linh thiêng giữa núi rừng. Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và một số địa điểm khác trong dịp đầu năm cũng đã có những đổi mới để trở thành điểm đến hấp dẫn hơn trong mắt du khách...
Từ góc nhìn của một du khách, tôi nghĩ du lịch Hà Tĩnh đang có những bước phát triển đúng, hoàn thiện hơn theo thời gian. Năm mới Giáp Thìn 2024, tôi hy vọng sẽ có dịp tới thăm nhiều hơn các điểm du lịch của Hà Tĩnh, để cảm nhận hết vẻ đẹp của vùng đất, con người nơi đây.
Chị Trần Ngọc Ánh - thị trấn Phố Châu, Hương Sơn: Cơ hội mới để phát triển du lịch
Chị Trần Ngọc Ánh.
Là một người con quê hương, tôi cảm thấy rất vui khi du lịch huyện nhà đang có những bước phát triển mới. Mỗi dịp lễ, tết, hàng chục nghìn người đã tìm về miền núi thơm để trải nghiệm du lịch sinh thái, du lịch khám phá tại các địa chỉ ở Hương Sơn. Nổi bật là Khu du lịch nước khoáng nóng Sơn Kim, Khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông, quần thể khu mộ và khu nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông ở các xã Sơn Trung, Quang Diệm... Tuy vậy, để có thể khai thác hết tiềm năng, lợi thế của Hương Sơn trong phát triển du lịch, tôi nghĩ vẫn cần thêm thời gian và nguồn lực đầu tư.
Với việc Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được UNESCO vinh danh vào cuối năm 2023 vừa qua, tôi hy vọng sự kiện này sẽ tiếp tục mở ra những cơ hội mới cho du lịch huyện Hương Sơn nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung. Bên cạnh đó, khi tuyến cao tốc Bắc - Nam được hoàn thành chắc chắn sẽ tạo nên cú hích mới, đưa du khách thập phương tới gần hơn với những điểm đến đặc sắc, hấp dẫn của Hà Tĩnh. Bước sang năm mới, mong rằng du lịch Hà Tĩnh sẽ có những khởi sắc để góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
(ghi)