Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế

Nhờ biết khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới. Mô hình nuôi dê ở xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập và trồng cây ăn trái ở xã Bình Tân, huyện Phú Riềng là những minh chứng cụ thể.

Nuôi dê thoát nghèo và làm giàu

Theo Phó chủ tịch UBND xã Phước Minh Đỗ Tấn Tài đánh giá, xã có nhiều lợi thế để phát triển đàn dê, mở ra hướng làm kinh tế hiệu quả nhờ vùng nguyên liệu, thực phẩm dồi dào. Xã hiện có diện tích đất bỏ hoang khá lớn, nhất là khu vực vùng bán ngập thủy điện Cần Đơn đang được các hộ dân tận dụng trồng cỏ nuôi dê, nuôi bò rất hiệu quả. Đặc biệt, trên địa bàn có hơn 105 ha hồ tiêu trồng bằng nọc sống là cây keo. Lá keo lại là thực phẩm giàu đạm, có giá trị dinh dưỡng cao và là loại thức ăn dê ưa thích. Thực tế nhiều năm qua, nhân dân tận dụng tiềm năng, thế mạnh này để nhân đàn, là mô hình khẳng định hiệu quả, giúp người nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng thu nhập.

Gia đình anh Đinh Văn Hiệp (phải) ở thôn Phước An, xã Bình Tân trồng bơ xen sầu riêng mới 2 năm nhưng đã cho thu hoạch 15 tấn/ha/vụ

Gia đình anh Đinh Văn Hiệp (phải) ở thôn Phước An, xã Bình Tân trồng bơ xen sầu riêng mới 2 năm nhưng đã cho thu hoạch 15 tấn/ha/vụ

Gia đình ông Trần Văn Kim ở thôn Bù Tam trồng 1.000 nọc tiêu từ cây keo. Tận dụng nguồn lá keo, ông đã xây dựng chuồng trại nuôi dê nhân đàn và bán thịt thương phẩm. Sau 4 năm nuôi, đến nay chuồng dê gia đình ông duy trì từ 35-40 con. Đàn dê này cung cấp lượng phân bón cho cây tiêu, giúp ông tiết kiệm khoản chi phí mua phân bón. Theo ông Kim, nuôi dê hiệu quả hơn so với trâu, bò, bởi dễ nuôi, đầu tư ít vốn và thu hồi vốn nhanh, lại tốn ít công chăm sóc, mỗi ngày chỉ bỏ khoảng 1 giờ cắt lá cho dê ăn nhưng nuôi bò, trâu thì phải mất 1 người chăn thả.

Không chỉ sinh sản nhiều, nhân đàn nhanh, dê còn là động vật dễ tính, ít bệnh tật, ăn tạp, nguồn thức ăn dồi dào, đa dạng, giá cả ổn định nên được nhiều hộ chọn nuôi. Theo thống kê, Phước Minh có khoảng 160 hộ nuôi với số lượng 1.500 con dê. Từ nuôi dê kết hợp trồng trọt, nhiều hộ dân đã vươn lên trở thành hộ khá, thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Ngoài tạo nguồn thu nhập cao thì dê còn là vật nuôi được lãnh đạo xã Phước Minh lựa chọn hỗ trợ các hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo. Để giúp vợ chồng ông Đàm Văn Chiến và bà Trầm Thị Khấn ở thôn Bù Tam thoát nghèo, ngoài hỗ trợ 30 triệu đồng sữa chữa nhà, năm 2020, địa phương còn hỗ trợ gia đình 8 con dê giống trị giá 40 triệu đồng. Do dễ nuôi, được chăm sóc tốt nên đàn dê lớn nhanh, nhân đàn lên 16 con. Cuối năm 2020, gia đình ông bà đã ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Phó chủ tịch UBND xã Phước Minh Đỗ Tấn Tài khẳng định: Chuỗi giá trị liên hoàn giữa trồng trọt và chăn nuôi đã được khẳng định hiệu quả. Vì vậy, lãnh đạo xã đã tạo điều kiện cho người dân nâng tầm quy mô sản xuất từ nhỏ lẻ thành các hộ chăn nuôi quy mô trang trại. Và nâng tầm hơn nữa là thành lập hợp tác xã nuôi dê vừa giảm chi phí đầu tư vừa nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập cho người dân. Đây là mô hình kinh tế được đánh giá hiệu quả nhất toàn huyện.

Thành công nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Xã Bình Tân, huyện Phú Riềng có khoảng 60% hộ dân làm kinh tế nông nghiệp, chủ yếu là trồng các loại cây lâu năm như tiêu, điều, cao su. Những năm gần đây, các mặt hàng này vừa mất mùa vừa rớt giá khiến nguồn thu không ổn định. Tận dụng lợi thế tài nguyên đất đỏ bazan, gần hồ nước, nhiều hộ đã chuyển đổi sang trồng sầu riêng và một số loại cây ăn trái khác có giá trị kinh tế cao hơn. Tiên phong là gia đình anh Đinh Văn Hiệp ở thôn Phước An. Cuối năm 2018, gia đình anh chuyển đổi 5 ha trong 10 ha đất trồng điều, cao su sang trồng sầu riêng.

“Quá trình chuyển đổi cây trồng đang diễn ra ở nhiều địa phương và hầu hết là tự phát. Cây trồng được lựa chọn nhiều gần đây là sầu riêng. Tuy nhiên, nhà vườn cũng nên cân nhắc, thận trọng khi chuyển đổi, làm sao vừa đạt hiệu quả vừa theo quy hoạch vùng, đúng chủ trương của ngành và địa phương, tránh chạy theo phong trào dẫn đến cung vượt cầu, giá cả xuống thấp”.

Ông Mai Văn Tý, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Tân

Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, khi cây sầu riêng còn nhỏ, thưa cành, anh Hiệp tận dụng trồng xen bơ. Được chăm sóc tốt nên chỉ sau 2 năm cây bơ đã cho thu hoạch, năng suất bình quân 15 tấn/ha/vụ. Với giá bán bình quân tại vườn 30 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình lãi khoảng 400 triệu đồng/ha. Anh Hiệp cho biết, dù bơ có giá trị kinh tế cao hơn điều, cao su nhưng so với sầu riêng thì bơ vẫn thua xa. Vì thế khi cây sầu riêng bắt đầu cho thu hoạch, anh sẽ chặt bơ để sầu riêng sinh trưởng, phát triển.

Tương tự, gia đình chị Lê Thị Thiên Hương ở thôn Phước An. Từ 2,5 ha cao su, cuối năm 2017, chị chuyển đổi sang trồng thử nghiệm nhiều loại cây ăn trái như ổi lê Đài Loan, mít Thái, mãng cầu, bơ và đến nay đã cho thu nhập. Chị Hương khẳng định, so với cây cao su, tiêu, điều thì cây ăn trái nhanh cho thu hoạch hơn và giá cũng cao hơn nhiều. Việc trồng nhiều loại cây ăn trái phòng hờ nếu cây trồng này mất mùa, mất giá thì có cây khác thay thế.

Xã Bình Tân đã có khoảng 40 ha cao su, điều được người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Những vùng đất xa nguồn nước tưới và không phù hợp với cây ăn trái, lãnh đạo xã vận động nông dân chuyển đổi diện tích vườn điều già cỗi, năng suất thấp sang trồng điều ghép. Hiện trên địa bàn xã có gần 80 ha điều già được chuyển sang trồng điều ghép cho năng suất cao gấp đôi so với trước.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/124353/khai-thac-tiem-nang-phat-trien-kinh-te