Khai thác và thương mại hóa sáng chế phục vụ hoạt động đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam

Khai thác và thương mại hóa sáng chế phục vụ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế, xã hội của đất nước. Nhận thức được tầm quan trọng của sáng chế trong việc thúc đẩy đổi mới công nghệ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của doanh nghiệp, kích thích nền kinh tế phát triển dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đến nay nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và các tỉnh, thành phố của Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy việc đăng ký sáng chế.

Kỹ sư của Viettel nghiên cứu giải pháp công nghệ - Ảnh minh họa

Kỹ sư của Viettel nghiên cứu giải pháp công nghệ - Ảnh minh họa

Tổng quan về khai thác và thương mại hóa sáng chế

Có nhiều quan điểm khác nhau về khai thác sáng chế và thương mại hóa sáng chế. Trên thực tế, có thể phân biệt sự khác nhau giữa khai thác sáng chế và thương mại hóa sáng chế theo nghĩa hẹp là quá trình sử dụng các thông tin, tư liệu, công dụng của sáng chế và khả năng tiềm tàng của sáng chế để việc tạo ra sản phẩm, công nghệ nhằm mang lại các lợi ích cho chủ sở hữu sáng chế và các bên liên quan. Khai thác sáng chế giúp chủ sở hữu sáng chế bảo vệ sáng chế, đẩy nhanh quá trình tạo ra sản phẩm, công nghệ để nâng cao vị thế cạnh tranh từ sáng chế.

Thương mại hóa sáng chế là quá trình chuyển hóa sáng chế thành hàng hóa để mua bán, trao đổi, chuyển giao giữa chủ sở hữu sáng chế với nhà sản xuất, nhà đầu tư và các bên liên quan để giới thiệu, tiếp thị sản phẩm, công nghệ được tạo ra từ sáng chế ra thị trường. Thương mại hóa sáng chế giúp chủ sở hữu sáng chế có thể thu hồi được các chi phí cho việc nghiên cứu, tạo dựng, sáng tạo, phát triển sáng chế đó, kể cả các chi phí liên quan tới thủ tục đăng ký, xác lập, công nhận quyền và các chi phí tái đầu tư để tiếp tục phát triển, sáng tạo ra các sáng chế mới.

Khai thác sáng chế thiên về tính kỹ thuật hơn tính kinh tế, tức là hướng tới việc tạo ra sản phẩm, công nghệ từ sáng chế hơn là việc tạo ra lợi ích, lợi nhuận như thương mại hóa sáng chế. Hay nói cách khác, khai thác sáng chế hướng tới việc tạo ra sản phẩm, công nghệ từ sáng chế; còn thương mại hóa sáng chế hướng tới mục đích sinh lời từ sáng chế.

Khai thác sáng chế quan tâm nhiều hơn tới khả năng, chi phí giải mã, mức độ phức tạp, khả năng tương thích và tính mới về kỹ thuật khi tạo ra sản phẩm, công nghệ từ sáng chế; còn thương mại hóa sáng chế quan tâm nhiều hơn tới quy mô thị trường, sự cạnh tranh, khả năng sinh lời và tính mới về thị trường của sản phẩm, công nghệ được tạo ra từ sáng chế.

Một sáng chế được cấp bằng độc quyền sáng chế có thể được khai thác, thương mại hóa khi chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế tự khai thác, thương mại hoặc cho phép khai thác, thương mại trên phạm vi quốc gia/lãnh thổ cấp bằng. Nói cách khác, chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế có quyền hạn chế, ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế, đồng thời có thể mua bán, trao đổi, chuyển giao quyền sử dụng cho một hoặc nhiều người/tổ chức mà vẫn giữ quyền sở hữu.

Khai thác, thương mại hóa sáng chế có thể thực hiện theo các hình thức như chủ sở hữu sáng chế tự đầu tư khai thác; chủ sở hữu sáng chế chuyển giao quyền sở hữu sáng chế; chủ sở hữu sáng chế chuyển giao quyền sử dụng sáng chế; chủ sở hữu sáng chế hợp tác, liên kết với các bên để khai thác, thương mại hóa sáng chế.

Việc lựa chọn hình thức khai thác, thương mại hóa sáng chế phù hợp sẽ cho phép các bên phát huy được sức mạnh, khắc phục được các yếu kém trong việc thu hút, sử dụng hợp lý các nguồn lực, qua đó làm gia tăng lợi ích cho các bên tham gia trong quá trình khai thác, thương mại sáng chế. Các bên tham gia khai thác, thương mại hóa sáng chế có thể gồm chủ sở hữu sáng chế, doanh nghiệp, nhà nước, nhà đầu tư và các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ.

Thực trạng khai thác và thương mại hóa sáng chế

Tính từ năm 1981 đến hết năm 2022 (41 năm), số đơn đăng ký sáng chế đã nộp của chủ thể Việt Nam tại Cục Sở hữu trí tuệ là 10.240 (sáng chế) và 5.523 (giải pháp hữu ích), tương ứng số Bằng độc quyền được cấp là 1.665 (sáng chế) và 2.177 (giải pháp hữu ích). Theo Cục Sở hữu trí tuệ, trong giai đoạn 2013 - 2022, tốc độ tăng trưởng bình quân của đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích tại Việt Nam là 9,11%/năm.

Trong khi đó, các chủ thể nước ngoài có tổng số đơn đăng ký sáng chế là 55.774 đơn, cao hơn so với chủ thể Việt Nam (7.012 đơn). Số lượng đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích còn khiêm tốn so với đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Cụ thể, trong 350.237 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp của các chủ thể Việt Nam giai đoạn 2011-2022, chỉ có 5.725 đơn đăng ký sáng chế (chiếm 1,63%) và 2.994 đơn giải pháp hữu ích (chiếm 0,85%), có 16.083 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp (chiếm 4,6%) và có tới 325.435 đơn đăng ký nhãn nhiệu quốc gia (chiếm 92,87%).

So với nhu cầu khai thác, thương mại hóa sáng chế phục vụ sản xuất, kinh doanh (sử dụng thông tin sáng chế, giải mã sáng chế, phát triển các tiềm năng có thể có của sáng chế, nhu cầu tiếp nhận, chuyển giao sáng chế) thì số lượng đơn đăng ký, hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích còn rất khiêm tốn (Bảng 1), chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

 Nguồn: Tổng hợp từ Cục Sở hữu trí tuệ

Nguồn: Tổng hợp từ Cục Sở hữu trí tuệ

(Ghi chú: Số trong ngoặc đơn là số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích được chuyển nhượng quyền sở hữu)

Nhìn chung, phương pháp tiếp cận trong hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ nói chung, bảo hộ sáng chế nói riêng là dựa vào thuyết phần thưởng, thuyết khuyến khích, thuyết hợp đồng, đặc biệt là tưởng thưởng về tài chính thu được từ việc khai thác, thương mại hóa sáng chế và đổi lại, chủ sở hữu phải bộc lộ sáng chế để công chúng biết nhằm khuyến khích sự sáng tạo và nâng cao trình độ, năng lực công nghệ quốc gia (Hình 1).

Bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích có tính lãnh thổ, được cơ quan có thẩm quyền cấp (tại Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ cấp văn bằng bảo hộ sáng chế). Bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích mang lại cho chủ sở hữu quyền ngăn cấm tổ chức, cá nhân khai thác, thương mại, chuyển giao sáng chế trong một thời hạn nhất định (Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn; Bằng độc quyền giải pháp hữu ích1 có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn), đổi lại chủ sở hữu phải bộc lộ các thông tin sáng chế của mình cho công chúng biết.

Thông tin sáng chế là các thông tin pháp lý và kỹ thuật có trong tài liệu sáng chế được cơ quan sáng chế công bố theo định kỳ. Một tài liệu sáng chế có chứa bản mô tả đầy đủ về cách thức hoạt động của sáng chế được bảo hộ và yêu cầu bảo hộ để xác định phạm vi bảo hộ của sáng chế. Tài liệu sáng chế cũng bao gồm các thông tin về tác giả và thời điểm được bảo hộ của sáng chế và cung cấp chỉ dẫn đến các tài liệu tham khảo có liên quan.

Theo WIPO, có khoảng 2/3 thông tin kỹ thuật được bộc lộ trong quá trình xử lý sáng chế chưa từng được công bố ở bất kỳ nơi nào khác và toàn bộ tài liệu sáng chế trên toàn thế giới chứa khoảng 90 triệu bản mô tả. Điều này biến thông tin sáng chế trở thành tập hợp dữ liệu về công nghệ được phân loại toàn diện nhất trên thế giới.

Do vậy, tất cả các tổ chức, cá nhân trên thế giới đều có thể khai thác, thương mại hóa các sáng chế, giải pháp hữu ích hết hạn bảo hộ mà không sợ vi phạm các quy định của pháp luật; đồng thời có thể nghiên cứu toàn bộ các sáng chế đã được cấp bằng độc quyền còn hạn bảo hộ để hình thành có ý tưởng, giải pháp kỹ thuật mới thông qua việc khai thác thông tin, giải mã sáng chế nhằm cải tiến sản phẩm, công nghệ hiện có, hoặc tạo ra sản phẩm, công nghệ mới trên cơ sở tham khảo, phát triển các thông tin, tư liệu sáng chế đã công bố có liên quan nhưng không được vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ.

Trong trường hợp vi phạm, chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích có thể ngăn cấm người khác sản xuất, sử dụng, chào bán, bán hoặc nhập khẩu sáng chế được bảo hộ và có thể khởi kiện bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khai thác, thương mại sáng chế được bảo hộ mà không được sự cho phép của chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích. Vấn đề đặt ra là, liệu các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, nguồn lực để khai thác, thương mại không, các sản phẩm, công nghệ được tạo ra từ sáng chế có tính khả thi về thị trường không?

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, số lượng đơn đăng ký sáng chế Việt Nam tăng trung bình 10 - 19%, năm 2020 đã có sự gia tăng đột biến (lên tới 29%, lớn nhất từ trước đến nay). Trong giai đoạn 2011 - 2020, Hà Nội dẫn đầu cả nước về lượng đơn đăng ký sáng chế, với 2.639 đơn, tiếp đến là Thành phố Hồ Chí Minh với 1.556 đơn, Bà Rịa - Vũng Tàu 98 đơn, Đồng Nai 96 đơn, Đà Nẵng với 82 đơn và Cần Thơ 82 đơn. Điều này cho thấy, nhận thức của các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, các địa phương đã được nâng lên.

Cùng với đó là sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành đã tích cực trong việc phổ biến, tuyên truyền, coi sáng chế, tài sản trí tuệ là nguồn lực quan trọng để duy trì, phát triển và nâng cao vị thế cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên trên thực tế, số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích được khai thác, thương mại hóa còn thấp, điều này được thể hiện một phần ở số lượng đơn đăng ký, hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích trong thời gian qua của Việt Nam còn rất ít (Bảng 1).

Giải pháp thúc đẩy khai thác và thương mại hóa sáng chế, phục vụ hoạt động đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp Việt Nam

Thứ nhất, nâng cao chất lượng và gia tăng nguồn cung sáng chế, công nghệ phục vụ cho đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình.

Hiện nay, phần lớn các sáng chế được tạo ra từ hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ. Do đó, cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, đặc biệt là các tổ chức khoa học và công nghệ tạo ra được các sản phẩm nghiên cứu có chất lượng để có thể đăng ký bằng độc quyền sáng chế. Một trong các nguồn cung sáng chế được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây là các sáng chế nông dân (nhà sáng chế “không chuyên”). Các nhà sáng chế này phần lớn có trình độ học vấn không cao, do đó cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hoạt động khai thác sáng chế, cũng như khơi dậy, kích thích sáng tạo cho toàn dân trong việc tạo ra các sáng chế phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội.

Tiếp tục đẩy nhanh việc hỗ trợ về thủ tục, quy trình cho các nhà khoa học, các tổ chức khoa học và công nghệ, đặc biệt là các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà sáng chế “không chuyên” đăng ký và xác lập quyền sở hữu kết quả nghiên cứu để hình thành nguồn cung sáng chế, công nghệ như hỗ trợ tra cứu tài liệu kỹ thuật có liên quan, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế, hỗ trợ lập bản mô tả sáng chế, tờ khai và hướng dẫn nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế. Hằng năm, các tổ chức khoa học và công nghệ sử dụng vốn ngân sách để thực hiện đề tài, dự án nghiên cứu thì cần có trách nhiệm báo cáo về kết quả của đề tài, dự án sau nghiệm thu. Từ đó, sẽ cung cấp thông tin cần thiết về triển vọng đăng ký sáng chế, về tình trạng kỹ thuật và khả năng thương mại hóa, đây là nguồn thông tin có giá trị để gia tăng được nguồn sáng chế, công nghệ trong tương lai.

Thứ hai, phát triển các tổ chức trung gian phục vụ cho đổi mới sáng tạo, lấy khai thác sáng chế, công nghệ là trọng tâm.

Cần hỗ trợ hình thành và phát triển các tổ chức trung gian như các sàn giao dịch sáng chế, công nghệ, các tổ chức tư vấn, thẩm định, giám định công nghệ để thúc đẩy hoạt động kết nối cung - cầu về sáng chế. Đến nay, Việt Nam đang thiếu các tổ chức trung gian này để doanh nghiệp có thể tìm đến các tổ chức nghiên cứu và ngược lại các tổ chức nghiên cứu có thể nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp.

Cần khuyến khích hình thành và phát triển các tổ chức tư vấn, hỗ trợ đánh giá, định giá sáng chế, công nghệ. Các tổ chức này cần phải độc lập, khách quan trong quá trình đánh giá, định giá để đưa ra giá tham khảo, tiệm cận với giá của thị trường. Đặc biệt, việc định giá này cần được các tổ chức tín dụng, ngân hàng chấp nhận để cấp tín dụng, cho vay với tài sản đảm bảo là sáng chế, công nghệ. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp, nhà sáng chế tạo được nguồn tài chính cho khai thác sáng chế, công nghệ.

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin khoa học và công nghệ tiên tiến, thông tin thị trường, thúc đẩy hình thành bộ phận nghiên cứu và triển khai công nghệ trong doanh nghiệp, hình thành quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Qua đó, giúp doanh nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu dựa vào khai thác tài sản trí tuệ, giúp doanh nghiệp giải quyết, ngăn ngừa các sự cố trong quá trình vận hành, tiếp thu và làm chủ công nghệ; đồng thời giúp doanh nghiệp có cơ hội và điều kiện để tìm kiếm, đánh giá, lựa chọn sáng chế phù hợp phục vụ cho hoạt động khai thác và thương mại hóa.

Thứ ba, hoàn thiện hành lang pháp lý trên cơ sở rà soát các văn bản pháp luật liên quan tới hoạt động khai thác sáng chế, tài sản trí tuệ, đổi mới công nghệ. Từ đó xây dựng lộ trình khai thác sáng chế phù hợp. Xây dựng lộ trình khai thác sáng chế được coi là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh bền vững của doanh nghiệp và sự phát triển thịnh vượng của quốc gia. Xây dựng lộ trình khai thác sáng chế đã trở thành công cụ hữu ích, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của doanh nghiệp và sự phát triển của quốc gia trong nền kinh tế thị trường.

Thứ tư, khuyến khích sự liên kết, hợp tác trong khai thác, thương mại hóa sáng chế. Để giảm thiểu rủi ro trong việc đưa sáng chế thành công nghệ, sản phẩm cung ứng ra thị trường, giảm thiểu các khó khăn về vốn, nhân lực, hạ tầng, Nhà nước nên khuyến khích sự liên kết, hợp tác giữa nhà sáng chế, chủ sở hữu sáng chế và các bên liên quan, đẩy mạnh hợp tác theo mô hình đối tác công tư, đây là mô hình được sử dụng tương đối phổ biến trên thế giới. Mô hình này được hiểu là sự thỏa thuận giữa các đối tác nhà nước và tư nhân trong ứng dụng, khai thác sáng chế, dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, công bằng, dân chủ, hợp pháp trong phân chia lợi ích và chia sẻ rủi ro trong toàn bộ quá trình ứng dụng và khai thác sáng chế. Trong đó, có thể có sự tham gia của nhà đầu tư, nhà kinh doanh (cấp vốn, nghiên cứu thị trường sản phẩm đầu ra), doanh nghiệp sản xuất (nhân lực, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, cấu trúc hạ tầng), nhà sáng chế (bằng sáng chế và bí quyết để tạo ra công nghệ, sản phẩm từ sáng chế), nhà nước (hỗ trợ tài chính, đào tạo nhân lực, thuế, tín dụng, đất đai, và tạo môi trường pháp lý thuận lợi), thậm chí bao gồm cả các chuyên gia tư vấn trong quá trình khai thác sáng chế, công nghệ.

Thứ năm, tiếp tục đẩy nhanh việc thực thi Chiến lược phát triển tài sản trí tuệ quốc gia đến năm 2030, trong đó có nội dung về khai thác sáng chế; đồng thời, trong quá trình tiếp cận và sử dụng các chính sách nhà nước phục vụ khai thác sáng chế, công nghệ, doanh nghiệp cần bám sát các chương trình quốc gia đến năm 2030 như: Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ, Chương trình phát triển công nghệ cao, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia… Qua đó, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp khai thác sáng chế dựa trên nguồn lực và nguồn lực huy động được, đồng thời thực hiện mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế, xã hội của đất nước trong từng giai đoạn.

Chú thích:

1. Tại một số nước, giải pháp hữu ích còn được gọi là “sáng chế đổi mới”, “sáng kiến hữu ích”, “mẫu hữu ích” hoặc “sáng chế ngắn hạn”.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Khoa học và công nghệ (2022), Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Hà Nội.

2. Bộ Khoa học và Công nghệ (2022), Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020, Hà Nội.

3. Cục Sở hữu trí tuệ (2021 - 2023), Báo cáo thường niên hoạt động sở hữu trí tuệ, Hà Nội.

4. Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia (2022), Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật.

5. Nguyễn Hữu Xuyên (2021), Quản lý sáng chế và Công nghệ, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật.

6. OECD (2005), Guideline for collecting and interpreting innovaiton data, 3rd edition, Oslo manual.

7. OECD (2021), The design and implementation of mission-oriented innovation policies: a new systemic policy approach to address societal challenges. Science, technology and industry policy papers, February 2021.

8. WIPO: Sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa: https://www.wipo.int/edocs/mdocs/sme/en/wipo_kipo_noip_smes_ 08/wipo_kipo_noip_smes_08_topic04.doc.

9. WIPO: Những điều chưa biết về sở hữu trí tuệ: https://www.wipo.int/export/sites/www/sme/en/documents/guides/translation/ secrets_of_ip_vi.pdf.

NGUYỄN HỮU XUYÊN - Tiến sĩ, Phó Viện trưởng phụ trách

Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/kinh-te/khai-thac-va-thuong-mai-hoa-sang-che-phuc-vu-hoat-dong-doi-moi-sang-tao-trong-cong-dong-doanh-nghiep-viet-nam-57683.html