Sản lượng công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng vượt trội

Sản lượng công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng vượt trội so với tăng việc làm đã thúc đẩy năng suất lao động nửa đầu năm 2024 tăng cao. World Bank cho biết, chỉ tính riêng tháng 6, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 8/2024 của World Bank, trong nửa đầu năm 2024, các lĩnh vực chế tạo chế biến ở Việt Nam tăng trưởng mạnh.

Chỉ tính riêng trong tháng 6, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cũng tăng mạnh, chạm mức 55 điểm, cho thấy tăng trưởng trong các lĩnh vực chế tạo chế biến đạt mức cao nhất kể từ tháng 6/2022.

Chỉ số PMI này cũng cao hơn nhiều so với mức bình quân của ASEAN, nhờ đơn hàng của các doanh nghiệp chế tạo chế biến tăng trưởng cao nhất so với khu vực hoặc toàn cầu. Cải thiện trong sản xuất chế tạo chế biến có được là nhờ lĩnh vực hàng điện tử, xăng dầu và sản phẩm kim loại. Sản lượng giày da và dệt cũng tăng trên nền xuất phát điểm thấp.

Trong tháng 5/2024, việc làm trong các ngành chế tạo chế biến tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng công nghiệp tăng ổn định với tốc độ cao hơn so với tốc độ tăng việc làm kể từ tháng 2/2023.

Việc làm trong các ngành chế tạo chế biến tăng so với cùng kỳ năm trước.

Việc làm trong các ngành chế tạo chế biến tăng so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo World Bank, trong điều kiện nền kinh tế phục hồi, ngân sách Nhà nước đạt bội thu cao trong nửa đầu năm 2024. Trong đó, thu ngân sách lên đến 19,5% GDP (tăng 1 điểm phần trăm so nửa đầu năm 2023) do tăng thu từ vốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất và các nguồn thu lớn từ thuế.

Đồng thời, chi ngân sách giảm 1,6 điểm phần trăm do giải ngân đầu tư công giảm (từ 4,5% GDP nửa đầu năm 2023 xuống còn 3,7% trong nửa đầu năm 2024); chi thường xuyên cũng giảm (từ 50% dự toán chi thường xuyên trong nửa đầu năm 2023 xuống còn 40% trong nửa đầu năm 2024).

Tính đến cuối tháng 6/2024, dự toán ngân sách đầu tư công được Quốc hội phê duyệt cho năm 2024 chỉ thực hiện được 29%, giải ngân đầu tư công giảm 6% so với cùng kỳ năm 2023. Giải ngân đầu tư công chững lại do chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng và đền bù trong các dự án lớn xây đường quốc lộ, khan hiếm vật liệu san lấp, giá vật liệu thô biến động.

Ngoài ra, những rào cản quy định và thủ tục phê duyệt kéo dài tiếp tục gây chậm trễ trong triển khai các dự án đầu tư công. Bội thu ngân sách lớn trong nửa đầu năm 2024 dẫn đến giảm nhu cầu huy động vay.

Hoài Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/san-luong-cong-nghiep-che-bien-che-tao-tang-truong-vuot-troi/20240826051803716