'Khai tử' sổ hộ khẩu thay bằng mã số định danh cá nhân cần 3.300 tỷ

Dự kiến năm 2020 Chính phủ sẽ bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu giấy, thay thế bằng mã số định danh cá nhân nhằm hướng đến chính phủ điện tử, dự tính, chương trình này sẽ tiêu tốn 3.300 tỷ đồng.

Đầu tư 3.300 tỷ để xóa sổ hộ khẩu

Ngày 17/10, Bộ Công an công bố dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của người dân trong thời gian 2 tháng.

Phương án được dư luận quan tâm là việc "khai tử" sổ hộ khẩu thay bằng mã số định danh cá nhân.

Nếu được triển khai, đến năm 2020, sổ hộ khẩu sẽ được "khai tử" và thay bằng mã số định danh cá nhân.

Nếu được triển khai, đến năm 2020, sổ hộ khẩu sẽ được "khai tử" và thay bằng mã số định danh cá nhân.

Theo dự thảo, việc quản lý dân cư sẽ thông qua số định danh cá nhân, đây là xu thế tất yếu để hướng tới Chính phủ điện tử. Phương án này giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, sử dụng mã số định danh cá nhân kết nối từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ làm giảm giấy tờ. Khi làm thủ tục, người dân chỉ cần mang theo thẻ căn cước hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân.

Theo Bộ Công an, khi ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp giảm khoảng 1.600 tỷ đồng/năm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Phương án này cũng góp phần kết nối thông tin dân cư giữa các ngành, lĩnh vực đời sống; là nền tảng để phát triển và sử dụng thẻ công dân điện tử.

Tuy vậy, Bộ Công an cũng cho rằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dự án quy mô lớn, tính chất phức tạp, phạm vi triển khai rộng khắp từ trung ương tới địa phương. Vốn đầu tư để xóa sổ hộ khẩu thay bằng mã số định danh cá nhân vào khoảng 3.300 tỷ đồng.

Theo thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai thay thế sổ hộ khẩu bằng số định danh cá nhân là vướng mắc về nguồn vốn.

Do vậy, Bộ Công an vẫn đưa ra thêm 1 phương án nữa, Bộ Công an sẽ không phải sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về thủ tục hành chính có liên quan tới giấy tờ công dân. Nhà nước không phải bảo đảm kinh phí để sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này.

Tuy nhiên, người dân vẫn phải mất thời gian, công sức, chi phí liên quan tới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi tham gia các giao dịch hoặc thực hiện các thủ tục hành chính có yêu cầu phải xuất trình. Nhà nước vẫn phải duy trì các bộ phận quản lý chuyên trách ở nhiều cấp để thực hiện các công đoạn quản lý sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như lập tờ khai, thống kê, lập biểu mẫu...

Mã số định danh cá nhân là gì?

Theo dự thảo, người dân từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ không phải dùng CMND nữa, mà sẽ chỉ còn thẻ căn cước công dân. Trong đó, số thẻ căn cước cũng đồng thời là số định danh cá nhân.

Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.

Thông tin chứa đựng trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm: Số định danh cá nhân, ảnh, họ và tên, tên thường gọi, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, số CMND, nơi thường trú, nơi ở hiện tại, nhóm máu, số hộ chiếu, họ tên cha, họ tên mẹ, tình trạng hôn nhân, họ tên vợ hoặc chồng, họ tên con, ngày tháng năm mất. Như vậy, với 22 nội dung này, cơ sở số về dữ liệu cá nhân sẽ cung cấp mọi thông tin về một cá nhân từ khi họ chào đời cho tới khi mất.

Năm 2020 sẽ xây dựng xong cơ dở dữ liệu quốc gia về dân cư

Bộ Công an cho rằng, giải pháp quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân để thay thế sổ hộ khẩu và sổ tạm trú là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, hướng tới chính phủ điện tử.

Hiện, việc xây dựng dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đạt được những kết quả bước đầu như hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tại Hà Nội và TP.HCM; tổ chức cấp hơn 8 triệu số định danh cá nhân tại 16 địa phương thông qua cấp căn cước công dân và phối hợp với Bộ Tư pháp cấp hơn 900.000 số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh...

Bên cạnh đó, ngành công an đang lưu trữ, khai thác, sử dụng hệ thống tàng thư chứng minh nhân dân với hơn 60 triệu người và hệ thống tàng thư hộ khẩu với hơn 80 triệu nhân khẩu.

Những thông tin, tài liệu sẵn có này cùng các dữ liệu chuyên ngành khác là nguồn quan trọng để cung cấp cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có thể tiết kiệm được chi phí, rút ngắn thời gian xây dựng.

Dự thảo báo cáo của Bộ Công an cũng cho rằng, việc triển khai đồng bộ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc theo lộ trình đến năm 2020 là khả thi.

PV

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/khai-tu-so-ho-khau-thay-bang-ma-so-dinh-danh-ca-nhan-can-3300-ty-1131603.html