'Khai tử' thuê bao 2G- cần thiết và tất yếu!

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, kể từ ngày 16/9/2024, các nhà mạng viễn thông sẽ dừng cung cấp dịch vụ cho các thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM (2G), hay nói một cách khác, các thuê bao (TB) 2G sẽ không còn được cung cấp dịch vụ từ thời điểm đó. Điều này cũng đồng nghĩa với các loại điện thoại 'cục gạch' 2G vốn phổ biến trên thị trường sẽ hết vai trò lịch sử và hơn 11 triệu TB 2G trên thị trường sẽ phải chuyển đổi thiết bị 2G lên công nghệ 4G, 5G, đây cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm lớn của xã hội. Vì vậy, để đảm bảo lộ trình, mục tiêu đề ra, các nhà quản lý, nhà mạng viễn thông đã và đang nỗ lực hết mình cho sự thành công của cuộc chuyển đổi công nghệ này, trong đó rất cần sự đồng hành của người sử dụng cùng doanh nghiệp.

Nhân viên Viettel Phú Thọ tư vấn, giới thiệu cho khách hàng các dòng máy điện thoại 4G...

...và hỗ trợ khách hàng chuyển đổi máy 2G lên 4G.

...và hỗ trợ khách hàng chuyển đổi máy 2G lên 4G.

Cần thiết và nhất thiết!

Thực ra, câu chuyện về chuyển đổi TB 2G lên 4G không phải là mới bởi chính sách dừng công nghệ 2G đã được các doanh nghiệp viễn thông tham gia xây dựng từ nhiều năm nay. Hơn nữa, sau hàng thập niên tồn tại, công nghệ 2G đã dần trở nên lỗi thời, không đáp ứng được yêu cầu phát triển của công nghệ viễn thông, vì thế nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai dần việc tắt sóng 2G để nhường tài nguyên cho các công nghệ mạng mới phù hợp, hiệu quả hơn.

Thông tin trên báo chí cho thấy, tính đến tháng 6/2024 có khoảng 37 quốc gia trên thế giới đã tắt hoàn toàn mạng 2G, trong đó châu Mỹ 25 quốc gia, châu Á 7 quốc gia, châu Âu 4 quốc gia, châu Đại Dương 1 quốc gia, hiện chỉ duy nhất châu Phi chưa có quốc gia nào tắt hoàn toàn mạng 2G. Với Việt Nam, việc tắt sóng 2G sẽ được thực hiện theo 2 pha, pha đầu nhà mạng sẽ dừng phục vụ TB chỉ sử dụng công nghệ 2G (2G only) trong tháng 9/2024, pha thứ hai hệ thống 2G sẽ dừng hoạt động vào tháng 9/2026.

Với tốc độ phát triển của công nghệ viễn thông như hiện nay, có thể nói, việc tắt sóng 2G để thay thế bằng sóng 4G là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược bởi nó mang lại đa tiện ích và lợi ích, đảm bảo quyền lợi cho Nhà nước, cho chính người sử dụng cũng như các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ viễn thông.

Theo ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), khi chuyển đổi từ điện thoại 2G lên máy 4G trở lên, ngoài các dịch vụ truyền thống như thoại, nhắn tin, người sử dụng còn được tiếp cận các dịch vụ trên nền tảng internet, có thể sử dụng các dịch vụ hành chính công, có cơ hội làm quen với các dịch vụ số. Tắt sóng 2G là cơ hội để nhiều người sử dụng điện thoại di động tiếp cận thông tin qua internet, học tập các kỹ năng số, góp phần hình thành xã hội số, nền kinh tế số...

Tuy nhiên, việc chuyển đổi công nghệ này cũng gặp phải những khó khăn, “rào cản”. Trước hết, đó là tâm lý, thói quen của không ít người dùng, nhất là với người cao tuổi, họ thường ngại tiếp xúc với công nghệ mới, ngại thay đổi phương thức sử dụng truyền thống, do đó việc thuyết phục người dùng di động từ bỏ điện thoại “cục gạch” 2G không mấy dễ dàng.

Một bộ phận người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo chưa được tiếp cận thông tin đầy đủ, việc chuyển đổi sang những mẫu điện thoại mới, dù chỉ là phím bấm 4G cũng khó khăn hơn cư dân ở khu vực đô thị, đồng bằng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, một khó khăn của người dân khi chuyển đổi từ 2G lên 4G chính là chi phí mua điện thoại mới. Đơn cử như khoảng 70% khách hàng của Viettel sống ở khu vực nông thôn, miền núi, trong đó không ít người thuộc đối tượng khó khăn, hộ nghèo, không có khả năng chi trả nên gặp khó trong chuyển đổi điện thoại 2G...

Nhân viên Viễn thông Phú Thọ (VNPT) hướng dẫn khách hàng cài đặt các ứng dụng tiện ích trên điện thoại thông minh sau khi chuyển đổi máy 2G lên 4G.

Nhân viên Viễn thông Phú Thọ (VNPT) hướng dẫn khách hàng cài đặt các ứng dụng tiện ích trên điện thoại thông minh sau khi chuyển đổi máy 2G lên 4G.

Hỗ trợ người dân, đảm bảo lộ trình

Để khắc phục khó khăn, đảm bảo lộ trình đề ra, Bộ TT&TT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, các cơ quan báo chí, truyền thông, tổ công nghệ số cộng đồng tăng cường truyền thông tới các đối tượng người sử dụng máy điện thoại 2G Only (theo độ tuổi, đặc điểm địa lý của từng tỉnh, thành, lưu ý đến địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đối tượng sử dụng là người già, người dân tộc, người đi biển...) để nắm bắt được chủ trương, kế hoạch dừng công nghệ 2G và thực hiện chuyển đổi máy điện thoại 2G sang điện thoại 4G.

Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng tham mưu xây dựng nghị định để triển khai Quỹ Viễn thông công ích, trong đó phục vụ dừng công nghệ 2G, hỗ trợ các nhà mạng triển khai hạ tầng công nghệ 4G tại các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ người sử dụng chuyển đổi sang điện thoại thông minh...

Song hành với đó, các nhà mạng, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ viễn thông kết hợp đẩy mạnh truyền thông, bố trí kịp thời nguồn lực thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ khách hàng; rà soát, tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng mạng lưới công nghệ mới, đảm bảo chất lượng dịch vụ và hàng loạt các biện pháp kích cầu ngay từ tháng 6, tháng 7 năm nay như có nhiều chính sách hỗ trợ từ miễn phí sử dụng dịch vụ dữ liệu trong một khoảng thời gian đến hỗ trợ người dùng mua thiết bị đầu cuối; tổ chức các điểm bán hàng, nơi chuyển đổi máy 2G sang 4G thuận tiện cho người dân.

Chẳng hạn như tại nhiều địa phương, Viettel đã phối hợp với cán bộ xã cùng tham gia truyền thông chính sách, vận động người dân chuyển đổi thiết bị, mở các điểm bán hàng lưu động đến tận tuyến xã; MobiFone có chính sách hỗ trợ miễn phí chuyển sang máy feature phone 4G với người không có điều kiện kinh tế...

Theo số liệu thống kê, đến tháng 7/2024, tổng số TB 2G trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là 55.681 TB (chiếm 4,8% tổng số TB), trong đó VNPT 4.380 TB, Viettel 50.000 TB, Mobifone 1.301 TB.

Để đảm bảo lộ trình tắt sóng 2G theo kế hoạch của Bộ TT&TT, từ tháng 3/2024, Sở TT&TT đã báo cáo UBND tỉnh phương án triển khai tắt sóng 2G trên địa bàn tỉnh, đồng thời thống nhất, quán triệt các doanh nghiệp viễn thông tổ chức thực hiện, đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng, chính quyền các cấp đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều hình thức, đặc biệt là những người dân chịu tác động trực tiếp...

Về phía các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đã chủ động triển khai nhiều giải pháp với những động thái tích cực nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người dân khi chuyển đổi; tăng cường tiếp nhận, tư vấn, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của khách hàng...

Điển hình như Viettel Phú Thọ có các chương trình hỗ trợ giá máy, tặng máy miễn phí dành cho khách hàng đang sử dụng máy 2G nằm trong danh sách chuyển đổi lên 4G kèm theo gói cước cam kết; triển khai “Ngày hội đổi máy 4G” trong tháng 6, tháng 7 với các hoạt động trưng bày, tư vấn các dòng máy 4G kèm chính sách ưu đãi của Viettel; hỗ trợ khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao tại các huyện, thành, thị trong tỉnh. Đẩy mạnh triển khai các điểm tư vấn lưu động, phối hợp với Đoàn thanh niên, tổ công nghệ số cộng đồng ở các địa phương hỗ trợ khách hàng chuyển đổi điện thoại 2G sang 4G và cài đặt sử dụng hiệu quả các tiện ích số...

Hoàng Anh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/khai-tu-thue-bao-2g-can-thiet-va-tat-yeu-217357.htm