Khám bệnh đầu năm, chăm lo sức khỏe
Trong hai ngày 3 và 4/2, hàng ngàn người đến Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tầm soát, điều trị sau kỳ nghỉ Tết.
Phần lớn khám định kỳ và tầm soát
Từ 6h kém, chị Hoàng Thị Nghĩa, nhân viên của Phòng Công tác xã hội - Chăm sóc khách hàng (CTXH-CSKH) đã có mặt, bắt đầu phát số thứ tự, giải thích các thủ tục liên quan, hướng dẫn cửa khám ban đầu. Tuy lượng người đến khám đầu năm khá đông nhưng ai nấy đều tuần tự xếp hàng lấy số, vì vậy, khu vực tiếp đón không có cảnh dồn ứ, chờ đợi.
Đến từ Cửa Lò, Nghệ An, anh Lê Văn Thi đưa con trai Lê Nguyễn V.T. đang học lớp 7 vào BV. Cả nhà đang trên đường du lịch vào Huế chơi thì con trai bị đau răng. Từ sớm, anh đến quầy hướng dẫn đăng ký và 5 phút sau đã hoàn tất các thủ tục đưa con vào phòng khám bệnh. Anh nói: “Công nhận có bộ phận tiếp đón giải thích, hướng dẫn thật thuận tiện. Tôi cứ lo lắng nên đến thật sớm nữa chứ. Đợi khám cho cháu xong, bố con tôi ra quê ngay kẻo sợ cháu trễ buổi học”.
Mới 20 phút đầu ngày, loa thông báo đã thông báo con số hơn 150 người làm thủ tục. Trong khi đó, tại các phòng khám bệnh tầng 2 khu nhà ODA, màn hình hiển thị số thứ tự và tên họ người vào khám. Mệ Lê Thị N. hơn 80 tuổi sống tại TP. Huế bị nhiều bệnh mãn tính như huyết áp, rim, hen suyễn, mỡ máu mang theo lọ thuốc cũ để nhờ bác sĩ kê đơn. “6h kém tui đã tới lấy số nên được vô khám đầu tiên. Mình có bệnh, trông hết tết Nguyên đán để tới gặp bác sĩ. Nếu không có vấn đề gì phát sinh thì tý 30 phút nữa khám xong về nhà luôn”, mệ N. nói.
Ngồi cạnh mệ N. là cha con ông Trần Văn M. 57 tuổi ở Quảng Bình đang chờ chỉ định chụp phổi. Anh Trần Văn H., con trai ông M. kể anh làm việc tận Gia Lai, nhân về quê ăn tết nên xin nghỉ thêm một ngày đưa cha vào Huế. Anh H. kể: “Cha em làm thợ nề, phát bệnh liên quan tới phổi giáp tết, đã khám ở quê và được khuyên nhập viện. Nay em thuyết phục ông vào BVTW Huế khám, điều trị cho yên tâm. Em vào nhà bà con trước một ngày để hôm nay đi khám sớm”.
Tại Trung tâm Tim mạch, bà Phạm Thị.Q. 82 tuổi ở Quảng Nam bắt xe từ 5 giờ sáng cùng con gái ra Huế. Do có tiền sử bệnh tim, các bác sĩ thăm khám khuyên bà nên làm các xét nghiệm liên quan đến tim mạch sau khi kết quả đo huyết áp tăng cao so với người bình thường. Do lớn tuổi, lãng tai, bác sĩ khám phải mời con gái bà Q. vào giải thích đồng thời hướng dẫn làm các thủ tục cần thiết.
Ngoài những người có dấu hiệu bệnh lý rõ ràng, một số người khác tranh thủ tầm soát sức khỏe khi đi du lịch, thăm thân. Chị Nguyễn Thị P. đến từ Bình Định là một trong số đó. Chị từng có tiền sử áp xe đường tiêu hóa, đã dùng kháng sinh điều trị. “Con gái tôi làm nghề y động viên tranh thủ nghỉ tết dài ngày đi bệnh viện kiểm tra. BVTW Huế có tiếng tăm và đầy đủ máy móc, lỡ có bệnh gì thì điều trị cho luôn”, chị giãi bày. Tương tự, anh Nguyễn Thành Đ., chị Cao Thị Thúy N. ở ngoại tỉnh cũng kiên nhẫn hòa trong dòng người chờ đến lượt khám những ngày đầu năm.
Lưu ý các dấu hiệu khác lạ của cơ thể
Ngoài những người mắc bệnh mãn tính, một số người trẻ và trung niên sau đợt khám đầu năm bất ngờ khi đón nhận kết luận mắc một số bệnh do thói quen ăn uống, sinh hoạt trong đợt nghỉ tết vừa qua. Anh Hồ Thái B. 35 tuổi ở Quảng Bình nhận kết quả xét nghiệm lượng đường cao, mỡ trong máu cao, gan nhiễm mỡ… Bác sĩ khuyên anh nên luyện tập môn thể thao phù hợp và hạn chế sử dụng bia, rượu. Chị Phạm Thị L., một người mẹ trẻ ở TX Hương Thủy, TP. Huế cũng không vui khi nghe bác sĩ thông báo chị bị tiểu đường, phải sử dụng thuốc và ngừng cho con bú sữa mẹ.
TS.BS Phạm Trung Vỹ, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh BVTW Huế thông tin: “Qua hai ngày khám bệnh đầu tiên, nổi lên một số vấn đề cần lưu ý. Dịp Tết, bà con thường dùng nhiều đồ ngọt, đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ, nước ngọt, bia rượu… cần kiểm tra khi cơ thể có những dấu hiệu khác lạ liên quan đến đường máu, tim mạch hay rối loạn chuyển hóa… Thời tiết thay đổi thất thường, nếu có các triệu chứng ho sốt, cơ thể phát ban, mệt mỏi… nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn, tránh để bệnh kéo dài hoặc dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc”.
Liên quan đến việc tự dùng thuốc điều trị, tại Trung tâm Tim mạch, chúng tôi chứng kiến cảnh một nữ bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân Trần T.H. ở Phú Vang, TP. Huế khi bà H. mang theo lọ thuốc màu đen để uống. Do bà H. từng thay van hai lá cơ học, uống thuốc chống đông nên việc dùng thuốc không nhãn mác, không rõ thành phần sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
TS.BS Phạm Quang Tuấn, Khoa khám bệnh Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng tim mạch, Trung tâm Tim mạch cho hay: “Trong số các bệnh đến khám có nhiều người đến từ ngoại tỉnh, họ có mặt từ 4-5 giờ sáng đầu ngày. Ngoài khu vực miền Trung, Tây Nguyên, hiện đơn vị còn tiếp nhận một số ca bệnh ở miền Bắc, miền Nam. So với ngày thường, lượng bệnh sau Tết tăng 30-50% nên chúng tôi làm việc từ sớm, tăng cường thêm người để giải quyết, tránh cảnh người dân chờ đợi”.
Thống kê ban đầu cho thấy, trong ngày 3/2, ở các cơ sở BVTW Huế đã tiếp đón gần 4.000 lượt người đến khám; từ sáng đến đầu giờ chiều ngày 4/2 có gần 2.500 lượt. Nhờ chủ động kế hoạch và tổ chức nhân lực nên các bộ phận, khoa phòng đều vận hành thông suốt, phục vụ tốt công tác khám, chữa bệnh cho người dân.
Theo ThS Trần Lê Bảo Trâm, Trưởng phòng CTXH-CSKH, từ 6 giờ sáng mỗi ngày, phòng bố trí 13 nhân viên tiếp đón, hướng dẫn tại 5 Trung tâm: Sản, Nhi, Ung bướu, Tim mạch, ODA. Lúc 7 giờ sáng sẽ tăng cường thêm 19 nhân viên ở các vị trí nói trên; giờ thông tầm trưa, 11 nhân viên tiếp tục túc trực tại các điểm khám tập trung đông người làm nhiệm vụ hỗ trợ, hướng dẫn bệnh nhân.