Khám chữa bệnh tốt hơn nhờ trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo sẽ làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt ngành y tế trong những năm tới, giảm 50% chi phí khám chữa bệnh và tăng 40% hiệu quả khám chữa bệnh

Theo PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, trên địa bàn TP, một số bệnh viện (BV) như Chợ Rẫy, Nhân Dân 115, Bình Dân, Ung Bướu đã tiên phong áp dụng trí tuệ nhân tạo.

Cuộc cách mạng y khoa

Điểm nhấn của việc áp dụng trí tuệ nhân tạo là việc ứng dụng robot trong phẫu thuật. Ngoài BV Nhân Dân 115 mới đây triển khai Robot Modus V Synaptive (thế hệ thứ hai, thế hệ thứ nhất vào năm 2015) vào lĩnh vực mổ não ít gây tổn thương thần kinh, BV Bình Dân đã ứng dụng Robot Da Vinci vào lĩnh vực ngoại khoa.

Robot Da Vinci (Mỹ) ra đời vào năm 1982, đến năm 2010 được sử dụng rộng rãi. Trên thế giới hiện có khoảng 4.700 Robot Da Vinci được ứng dụng trong lĩnh vực y tế. Cánh tay robot xoay được 540 độ, tay phải, tay trái đều như nhau, di chuyển đến mọi ngóc ngách của cơ thể mà mổ nội soi hay mổ hở theo thông thường đều không làm được; có kính hiển vi phóng to phần cơ thể cần mổ mà mắt thường hay mổ nội soi thông thường không thể nhìn thấy, mục tiêu cần mổ sẽ được thực hiện một cách triệt để, tận gốc. TS-BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc BV Bình Dân, cho biết đến nay BV đã phẫu thuật robot cho gần 700 bệnh nhân với nhiều bệnh lý phức tạp.

Phẫu thuật bằng robot tại Bệnh viện Bình Dân TP HCM

Phẫu thuật bằng robot tại Bệnh viện Bình Dân TP HCM

Một trí tuệ nhân tạo khác là phần mềm trong chẩn đoán điều trị đột quỵ RAPID mà Việt Nam là nước đứng thứ 3 trong khu vực (sau Thái Lan và Indonesia) mua được bản quyền của phần mềm này. BV Nhân Dân 115 và BV Gia An 115 là đơn vị đầu tiên trong nước phối hợp triển khai, kế đến là BV Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ (BV Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ). Phần mềm RAPID phát triển bởi Đại học Stanford (Mỹ), giúp xác định rõ thể tích vùng lõi hoại tử, thể tích nhu mô não có nguy cơ tổn thương và hoại tử trong những giờ tiếp theo (còn gọi là "vùng tranh tối tranh sáng"), từ đó giúp bác sĩ chẩn đoán và can thiệp điều trị chính xác hơn. Theo TS-BS Trần Vĩnh Long, Giám đốc BV Gia An 115, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo chuyên biệt cho xử trí đột quỵ mở ra cơ hội cứu sống và giảm nguy cơ bị tàn phế cho bệnh nhân, góp phần đưa người bệnh sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho hay đến nay BV đã thực hiện hơn 200 ca phẫu thuật bằng robot cho các chuyên khoa ngoại tiết niệu, ngoại tiêu hóa, ngoại gan mật tụy, ngoại lồng ngực. Việc phẫu thuật bằng robot đã đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh như vết mổ nhỏ, thẩm mỹ, ít đau sau mổ, giảm lượng máu mất, hồi phục nhanh, giảm thời gian nằm viện...

Trong chẩn đoán và điều trị ung thư, BV Ung Bướu TP HCM ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo IBM Watson for Oncology do Tập đoàn IBM của Mỹ xây dựng, được triển khai ở các nước như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan... Phần mềm này tập trung vào 2 loại bệnh ung thư phổ biến là ung thư vú và ung thư đại trực tràng. BV Ung Bướu TP đã thử nghiệm phần mềm này trên 103 bệnh nhân ung thư vú và 126 bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Kết quả cho thấy tỉ lệ tương đồng giữa phác đồ của BV và phác đồ của phần mềm đưa ra là 80,3%; trong đó, tương đồng về phác đồ điều trị ung thư vú là 71%, ung thư đại trực tràng là 88,1%.

Theo đánh giá của TS-BS Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc BV Ung Bướu TP, phần mềm này giúp bác sĩ cập nhật phác đồ mới, bổ sung thông tin và hạn chế những sai sót trong quá trình điều trị; đưa ra được các gợi ý điều trị cho hầu hết các giai đoạn, hỗ trợ chuyên sâu về các phác đồ hóa trị, nội tiết; hỗ trợ tìm kiếm tài liệu nhanh; phát huy tối ưu hiệu quả khi áp dụng mô hình hội đồng chuyên gia (Tumor board).

Xu thế tất yếu

Giới chuyên môn cho biết trí tuệ nhân tạo trong y khoa giống như "nhân bản" chất xám của những bác sĩ giỏi nhất, từ đó nâng cao trình độ chung của ngành y. Hiện nay tại TP HCM, nhiều đề tài nghiên cứu áp dụng trí tuệ nhân tạo đã và đang được thực hiện như: điều dưỡng ảo, hỗ trợ ra phác đồ, hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh, phân tích gien...

Theo ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), trí tuệ nhân tạo không thay thế hoàn toàn được bác sĩ nhưng có vai trò hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ. Đây là xu hướng của thế giới, Việt Nam không nằm ngoài quỹ đạo này.

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/kham-chua-benh-tot-hon-nho-tri-tue-nhan-tao-20200610212050528.htm