Khấm khá từ mô hình vườn, ao, ruộng

Ông Nguyễn Văn Bí, ngụ ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Đông B, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) sản xuất lúa, trồng mít thái, vú sữa, nuôi cá. Hàng năm, ông Bí lãi bình quân hơn 550 triệu đồng từ mô hình ruộng, vườn và ao cá. Ông là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi hai năm liền 2021-2022 của huyện Tân Hiệp.

Trong vườn của ông Nguyễn Văn Bí, mít thái cho trái quanh năm. Ông Bí nói: “Khoảng 10 ngày tôi cắt mít một cữ. Tôi mới bán mít loại nhất giá 19.000 đồng/kg, loại nhì 10.000 đồng/kg. 2 tháng trước, mít có giá, tôi bán tới 35.000 đồng/kg”. Theo ông Bí, mít trồng nhẹ công chăm sóc, cho trái quanh năm, giúp người trồng cũng có đồng ra đồng vô thường xuyên.

Ngoài trồng mít, ông Bí còn trồng vú sữa bơ hồng, vỏ mỏng, thịt có màu sữa trắng, vị ngọt thanh, thơm mùi bơ sữa. Vú sữa mỗi năm cho trái 1 mùa, thường ông Bí để trái cho thu hoạch vào tháng 9 âm lịch đến dịp tết nguyên đán. Đầu ra của vú sữa khá ổn định, thương lái vào tận vườn mua giá 25.000 đồng/kg. Bình quân mỗi năm, ông Bí lãi khoảng 300 triệu đồng từ bán mít, vú sữa.

Ông Nguyễn Văn Bí (bên trái) chia sẻ kỹ thuật xử lý ra hoa trên cây vú sữa.

Ông Nguyễn Văn Bí (bên trái) chia sẻ kỹ thuật xử lý ra hoa trên cây vú sữa.

Theo ông Bí trồng mít Thái, vú sữa nhàn, nhẹ công chăm sóc và chi phí sản xuất thấp, khoảng 20 triệu đồng đầu tư phân bón vô cơ, hữu cơ… là đã đủ cho 16 công đất vườn. Ông Bí kể trước đây việc sản xuất lúa không thuận lợi, có những vụ hè thu bị mưa bão, sâu rầy khiến diện tích sản xuất lúa của ông gần như thất thu. Trước khó khăn đó, ông Bí tìm tòi, học mô hình sản xuất mới để thay cây lúa.

Ông Bí tìm đến nhiều nhà vườn ở tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ để tìm loại cây trồng phù hợp về trồng trên diện tích đất của gia đình. Thấy mít thái và vú sữa phù hợp thổ nhưỡng nên ông chuyển đổi 16 công đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hai loại cây trồng này. Ông cũng thử nghiệm trồng cây bơ, nhưng qua thời gian cây bơ cho năng suất kém nên ông đã loại bỏ cây bơ và tập trung trồng mít, vú sữa, xen ít cây bưởi.

Vườn mít của ông Nguyễn Văn Bí cho trái quanh năm giúp ông có thu nhập thường xuyên.

Ông Bí cải tạo đất thành vườn trồng cây trái, phía dưới ao nuôi các loại cá như cá vồ, điêu hồng, chép, trê… Cá trong ao, ông câu bán cho đơn đặt hàng của khách mối quanh năm, tạo thu nhập trang trải sinh hoạt hàng ngày. Có ngày khách đặt ít thì vài ký, có ngày bán nhiều thì từ 10kg trở lên. Các loại cá ông bán giá chung 35.000 đồng/kg.

Trong làm vườn, ông Bí sử dụng nhiều loại phân hữu cơ giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh, ổn định, cho trái lâu năm và an toàn cho người dùng. “Mít thái sau khi trồng 15 tháng bắt đầu cho trái. Mít dễ chăm sóc, 1 tuần chỉ cần tưới nước một lần. Chừng nửa tháng rải phân một lần, tôi bón phân theo tỷ lệ 1 phần phân vô cơ kết hợp 2 phần phân hữu cơ. Với vú sữa, tôi phơi đất, cắt cành tỉa nhánh, rải phân, tưới nước cho cây ra hoa thụ trái”, ông Bí chia sẻ.

Ngoài 16 công đất vườn, ông Nguyễn Văn Bí sản xuất lúa 20 công tầm lớn. Những vụ gần đây, ông ưu tiên loại giống Đài Thơm 8 cho năng suất cao và bán có giá. Bình quân mỗi năm từ sản xuất lúa ông thu lãi trên 250 triệu.

Ông Bí chia sẻ: “Nhờ kết hợp mô hình vườn, ao, ruộng giúp tôi có thu nhập quanh năm, không còn phụ thuộc hoàn toàn vào cây lúa, kinh tế gia đình ngày càng ổn định. Tôi chia sẻ kinh nghiệm làm vườn với nông dân xung quanh. Hiện một số hộ lân cận cũng chuyển đổi một phần đất trồng lúa kém hiệu quả, đất vườn tạp sang trồng mít, bước đầu đạt hiệu quả”.

Bài và ảnh: THU OANH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//kinh-te/kham-kha-tu-mo-hinh-vuon-ao-ruong-14262.html