Khám phá 2 bia đá quý và lạ trong 27 bảo vật quốc gia mới được công nhận

Trong 27 bảo vật quốc gia mới được công nhận, có 2 bia đá thuộc về cổ tự ở Hà Nam và Bắc Ninh.

Bia đá chùa Giàu có niên đại năm Bính Ngọ (1366), lưu giữ tại chùa Giàu, xã Đinh Xá (Phủ Lý - Hà Nam). Bia đá chùa Tĩnh Lự có niên đại năm Mậu Tý (1648), lưu giữ tại chùa Tĩnh Lự, xã Lãng Ngâm (Gia Bình - Bắc Ninh).

Danh tích thời Lý

Hiện nay, cả bia đá chùa Giàu và chùa Tĩnh Lự đều được bảo quản trong nhà bia của chùa.

Ngànhvăn hoáHà Nam và Bắc Ninh cũng đã tiến hành dập hoa văn, hình ảnh và chữ viết trên bia, phục vụ việc bảo tồn.

Có thể khẳng định đây là 2 tấm bia quý và lạ trong hệ thống bia chùa Việt Nam. Hình ảnh trên bia được xác định là tư liệu quý giá, phản ảnh cảnh sinh hoạt, lối trang phục của xã hội ngày xưa.

Có thể nói, trong các đợt thẩm định xét duyệt và công nhận bảo vật quốc gia, Bắc Ninh luôn là địa phương đứng đầu danh sách. Một trong các lý do mà giới bảo tồn đưa ra, vì đây là vùng đất diễn ra nhiều sự kiện lịch sử, đặc biệt vào thời nhà Lý.

Trong quyết định công nhận 27 bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022), Bắc Ninh có tới 3 hiện vật được công nhận. Trong đó, bia đá chùa Tĩnh Lự được quan tâm hơn cả - bởi 2 yếu tố, gắn bó mật thiết với ngôi chùa thời Lý và ở trên thắng cảnh núi Thiên Thai.

Theo một số ghi chép, chùa Tĩnh Lự được xây dựng vào thế kỷ 17 theo lệnh của chúa Trịnh. Tuy nhiên, đa số các nguồn sử liệu đều khẳng định ngôi chùa được xây từ thời Lý - vào năm 1055 thời vua Lý Thánh Tông. Đại đức Thích Minh Đạt - trụ trì chùa Tĩnh Lự cũng khẳng định và cho biết dưới lòng đất còn vật liệu, đồ thờ tự, đồ sinh hoạt… bằng gốm sứ từ thời Lý, thời Trần và thời Lê trung hưng.

Vào đầu tháng 8/2022, ngành văn hóa Bắc Ninh cũng tiến hành hội thảo khoa học sau thời gian dài tiến hành mở 4 hố khai quật. Kết quả phát hiện các dấu tích kiến trúc thời Lý - Trần và Lê trung hưng. Đặc biệt có bộ góc đao dài 90cm và nặng trên 30kg bằng gốm men thời Lý.

Giá trị nổi bật của chùa chính là tấm bia đá “Tĩnh Lự thiền tự bi” vừa được công nhận là bảo vật quốc gia. Xây dựng thời Lý nhưng tấm bia này lại được dựng vào thời Lê (1648) là vì sao? Theo hồ sơ di sản, năm 1645 chúa Trịnh Tráng đi kinh lược, đến chân núi Thiên Thai, biết chùa Tĩnh Lự dưới thời Lý giữ vai trò như một quốc tự, là nơi tu tập của những nhà sư danh tiếng.

Chúa Trịnh Tráng đã xuất 300 lạng bạc, giao cho Quận công Nguyễn Công Hiệp lo việc kiến thiết. Sau đó, Thái Thượng hoàng Lê Duy Kỳ xuất 100 lạng bạc, Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc 40 lạng, Trịnh Tạc 50 lạng và Trịnh Lê 30 lạng.

Vào năm 1648, nhà khoa bảng Nguyễn Duy Thì soạn thảo nội dung và cho khắc văn bia, ghi rõ sự bề thế của một trong ba đại danh thắng ở vùng Đông - Bắc thời Đại Việt thế kỷ 17.

Tấm bia đá cao 1.72m, rộng 1.2m, dày 0.17m, niên đại ghi là “Phúc Thái vạn vạn niên chi lục trọng thu tiết cốc nhật” (1648). Nội dung văn bia có đoạn như sau: “Xứ Kinh Bắc, phủ Thuận An, huyện Gia Định, núi Đông Cứu có dấu vết xưa cảnh thắng. Sau có ngài thiền tăng danh tiếng tên là Long Khánh tu hành trải bốn phương, đắc đạo rồi về ở đây trụ trì, tu tạo, bồi bổ thêm mà có chùa này. Từ đó lấy tên chùa là Long Khánh...”.

Văn bia dòng họ

Bia đá chùa Tĩnh Lự do chúa Trịnh Tráng cho tạo dựng khi tôn tạo chùa và do nhà khoa bảng Nguyễn Duy Thì soạn thảo.

Từ thời điểm chùa Tĩnh Lự đổi tên là “Long Khánh tự” và tấm bia đến nay đã 375 năm nhưng vẫn rất rõ từng nét khắc. Và một điểm khá trùng hợp giữa 2 tấm bia đá được công nhận bảo vật lần này chính là ở tên chùa đảo ngược.

Chùa Giàu xã Đinh Xá (Phủ Lý - Hà Nam) có tên chữ là “Khánh Long tự”. Sự đảo ngược nhưng giống nhau ở tên ngôi chùa là một phần, còn thân thế 2 tấm bia lại hoàn toàn ở trái ngược. Nếu tấm bia ở Bắc Ninh mang tính triều đình quốc gia, thì tấm bia ở Hà Nam lại mang tính dòng họ làng xã - “Ngô gia thị bi” nghĩa là Văn bia họ Ngô.

Nội dung văn bia ghi việc một nhà sư từ am Đại Long chuyển về tiểu am ở thôn Mai (xã Đinh Xá, lộ Lợi Nhân) và nhà sư đã mất tại đó vào năm 1305 đời Trần Nhân Tông. Nhà sư họ Ngô, hiệu “Ngộ Không cư sĩ” - người đã cúng tiền ruộng để xây am - quyết định an táng nhà sư và dựng nhà tại đây.

Theo Sở VH-TT&DL Hà Nam, tấm bia từng bị vỡ làm 3 mảnh, sau đó đã được chắp lại khá nguyên vẹn. Bia cao 95cm, rộng 58cm, dày 12cm. Mặt trước bia ở phần trán chạm rồng chầu vào bốn chữ viết thảo thành hai hàng dọc và hai hàng ngang (mỗi hàng hai chữ) là “Đại Phúc Thông Minh”.

Các hình chạm khắc trên bia cho thấy nhiều nét mỹ thuật điển hình của nửa sau đời Trần, như hình rồng có dáng mập, có tai và sừng chạc. Đồng thời, hai dây hoa viền quanh bia uốn sóng đều đặn theo hình sin từ chân bia hướng lên rồi ngoắc ngọn vào nhau ở đỉnh bia, trong mỗi khúc uốn lại trổ ra một bông hoa lấp kín tạo bởi những guột móc tỏa về hai bên.

Trong lòng bia là bức phù điêu khắc một người ngồi ngai rồng, hai tay cầm hốt, đầu đội mũ bình thiên, mặc áo như kiểu long bào, phía sau đầu tỏa vòng hào quang, toàn thể ở trên một tòa sen.

Hình ảnh này từng gây tranh cãi, vì không rõ là vua hay Ngọc hoàng. Sau thời gian dài, các nhà nghiên cứu đã thống nhất đây là hình ảnh vua Trần Nhân Tông - đánh dấu sự kiện vua Trần Nhân Tông từng ngự giá về đây.

Theo các nhà nghiên cứu, bia đá chùa Giàu là một bảo vật quý vì mang cả giá trị thư tịch và nghệ thuật. Đến nay chưa phát hiện được tấm bia nào có hình thức trang trí như tấm bia chùa Giàu. Vì vậy, đây là tấm bia duy nhất được phát hiện tại tỉnh Hà Nam có giá trị nghiên cứu nhiều vấn đề về lịch sử - văn hóa và tôn giáo.

Theo Trần Hòa/Giáo dục & Thời đại

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/kham-pha-2-bia-da-quy-va-la-trong-27-bao-vat-quoc-gia-moi-duoc-cong-nhan/20230218124305632