Khám phá 5 chiếc trực thăng quân sự kỳ lạ nhất

Một số máy bay trực thăng có hình dáng trông giống các loại côn trùng, một số khác lại giống những loài chim, có loại lại giống những loại trái cây.

Máy bay trực thăng hay máy bay lên thẳng là loại phương tiện bay có động cơ, hoạt động bay bằng cánh quạt, có thể cất cánh, hạ cánh thẳng đứng, có thể bay đứng trong không khí và thậm chí bay lùi. Trực thăng có rất nhiều công năng cả trong đời sống thường nhật, trong kinh tế quốc dân và trong quân sự.

Trong lịch sử phát triển của mình, đã có rất nhiều mẫu máy bay trực thăng ra đời và hoạt động đến ngày hôm nay, nhưng gây được chú ý nhiều nhất là các loại trực thăng quân sự. Dưới đây là 5 loại trực thăng quân sự độc đáo nhất từng được chế tạo và cất cánh.

Trực thăng Mil-12 Homer.

Trực thăng Mil-12 Homer.

Trực thăng Mil-12 “Homer”

Trực thăng Mil-12, được NATO gọi là “Homer”, là trực thăng lớn nhất từng bay. Mil-12 được chế tạo cho Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Liên Xô và được thiết kế để vận chuyển tên lửa đạn đạo tầm xa lên các phương tiện phóng di động ở những vùng xa xôi. Do vận chuyển những tên lửa cỡ lớn nên các kỹ sư Liên Xô phải tạo ra chiếc trực thăng khổng lồ Mil-12 này.

Mil-12 dài 35m, gần bằng một chiếc Boeing 737, với sải cánh rộng 66m. Điều này khiến Mil-12 trở thành một trong số ít máy bay trong lịch sử có chiều rộng lớn hơn chiều dài.

Mil-12 có hai cặp cánh quạt đặt song song, cấu hình cạnh nhau, được điều khiển bởi bốn động cơ cánh quạt Soloviev D-25V. Đây là chiếc trực thăng được trang bị nhiều động cơ nhất. Điều này cho phép nó nâng được vật nặng lên tới 40 tấn lên độ cao 2,2km.

Ngoài ra, Mil-12 có thể chở tới 160 binh sĩ. Tuy nhiên, chiếc trực thăng này chưa bao giờ được đưa vào sản xuất do Liên Xô thay đổi hệ thống căn cứ tên lửa, khiến loại máy bay này trở nên không cần thiết.

Trực thăng Gyrodyne QH-50 (DASH).

Trực thăng Gyrodyne QH-50 (DASH).

Trực thăng săn ngầm Gyrodyne QH-50 (DASH)

Vào những năm 1950, các cường quốc quân sự đã chạy đua và xây dựng những hạm đội tàu ngầm hùng mạnh. Vì vậy, để đối phó với những chiếc tàu ngầm, phương án đối phó bằng trực thăng đã ra đời. Trực thăng có khả năng cơ động cao, được triển khai trên các tàu hộ tống, có thể nhanh chóng ứng phó với các tình huống gặp tàu ngầm địch. Máy bay trực thăng có thể truy đuổi tàu ngầm, săn lùng chúng và buộc chúng tránh xa những đoàn tàu đang di chuyển.

Năm 1960, Hải quân Mỹ đã thử nghiệm chiếc trực thăng chống tàu ngầm không người lái Gyrodyne QH-50 đầu tiên (DASH). Chiếc trực thăng này có thiết kế hai cánh quạt chính quay ngược chiều nhau để đạt được lực nâng và độ ổn định.

DASH được triển khai trên các tàu khu trục để tăng cường khả năng chống tàu ngầm, nó có thể nhanh chóng lao đến vị trí được báo cáo có tàu ngầm của đối phương và thả ngư lôi dẫn đường chống tàu ngầm Mk-44. QH-50 cũng có thể mang bom hạt nhân Mk-57 với sức nổ từ 5 đến 20 kiloton (tương đương 5.000 đến 20.000 tấn thuốc nổ TNT).

Trực thăng Mi-24 Gorbach.

Trực thăng Mi-24 Gorbach.

Trực thăng Mi-24 Gorbach – “thằng gù”

Vào tháng 3/1969, quân đội của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Liên Xô đã đụng độ hai lần dọc theo một đoạn sông Ussuri, trên biên giới hai nước. Sau các cuộc đụng độ, cả hai bên đã nỗ lực hết sức để củng cố biên giới của mình.

Liên Xô, quốc gia nắm giữ lợi thế về công nghệ, đã quyết định chế tạo một chiếc trực thăng được trang bị vũ khí hạng nặng, bọc thép dày, có khả năng chở nhiều binh sĩ đến khu vực chiến đấu nhanh chóng, vì vậy Mi-24 “Gorbach” đã ra đời.

Mil-24 là máy bay trực thăng tấn công đầu tiên của Liên Xô. Không giống như trực thăng tấn công của Mỹ, chiếc trực thăng này có thể tuần tra một vùng lãnh thổ rộng lớn và cho phép quân đội Liên Xô đổ bộ nhanh chóng, sau đó cung cấp hỗ trợ trên không nếu cần.

Phiên bản đầu tiên là Mil-24 Hind-A, nó có thể chở theo 8 binh sĩ, trực thăng mang theo 4 bệ tên lửa 57 mm hoặc tên lửa chống tăng AT-2 “Swatter” và gắn súng máy 12,7 mm ở trước mũi.

Mil-24 sử dụng hai động cơ tua bin trục Isotov TV3-117, mỗi động cơ có công suất lên tới 2.200 mã lực, được gắn cao phía trên cabin chở quân, tạo cho chiếc trực thăng hình dáng giống chiếc lưng gù trông rất độc đáo.

Trực thăng Boeing Vertiol CH-21 Shawnee.

Trực thăng Boeing Vertiol CH-21 Shawnee.

Trực thăng Boeing Vertiol CH-21 Shawnee - “chuối bay”

Máy bay trực thăng hai cánh quạt, với một cánh quạt ở phía trước và một cánh quạt ở phía sau, thường có thân máy bay dài và cong khiến chúng trông giống như một quả chuối. Mặc dù một số máy bay trực thăng khác được chế tạo về sau này có hình dáng giống quả chuối, nhưng CH-21 Shawnee chính là chiếc “Chuối bay” đầu tiên.

Shawnee là máy bay trực thăng hạng nặng, có khả năng chở tới 20 binh sĩ và đã được thử nghiệm trong vai trò tấn công trên không bởi Thủy quân lục chiến Mỹ. Giống như tất cả các máy bay trực thăng của Quân đội Mỹ, chiếc trực thăng này cũng lấy tên của một bộ lạc bản địa ở Mỹ có tên là Shawnee, với mong muốn được các thần linh phù hộ. Tuy nhiên, CH-21 Shawnee chỉ phục vụ được 15 năm, nó được thay thế vào giữa những năm 1960 bằng loại CH-47 Chinook với khả năng hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều và vẫn đang được sử dụng đến tận ngày hôm nay.

Trực thăng Kamov Ka-27.

Trực thăng Kamov Ka-27.

Trực thăng Kamov Ka-27

Các tàu chiến thời Liên Xô nổi tiếng là chật chội, được thiết kế để có thể mang theo nhiều vũ khí nhưng lại gây bất lợi cho thủy thủ đoàn. Các tàu khu trục và tàu sân bay của Liên Xô cũng mang theo trực thăng để tác chiến chống tàu ngầm và vận chuyển hàng tiếp tế, nhưng trực thăng của họ cũng phải đối mặt với điều kiện chật chội. Hải quân Liên Xô cần một chiếc trực thăng có thể đặt vừa trên sàn đáp nhỏ và trong một nhà chứa máy bay nhỏ, vì vậy phòng thiết kế Kamov đã nghĩ ra chiếc Ka-27.

Ka-27 trông giống như một con ong màu xám. Nó thiếu cánh quạt ở đuôi để ổn định khi bay, thay vào đó sử dụng cặp cánh quạt quay ngược chiều như Gyrodyne QH-50. Điều này làm cho chiếc trực thăng ngắn hơn, nhỏ gọn hơn. Ka-27, được NATO đặt biệt danh là “Helix”. Chiếc trực thăng này thường mang theo các thiết bị dò âm thanh để phát hiện tàu ngầm hoặc ngư lôi dẫn đường của đối phương. Nó cũng có thể chở tới 16 binh sĩ.

Lê Hưng (Nguồn: Popular Mechanics)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/kham-pha-5-chiec-truc-thang-quan-su-ky-la-nhat-ar848422.html