Khám phá Ba Vì - 'chốn tiên cảnh' hớp hồn dân văn phòng Hà Nội mỗi dịp cuối tuần

Ở Ba Vì (Hà Nội) có nhiều địa điểm thỏa mãn nhu cầu nghỉ dưỡng của dân văn phòng.

Cũng là đi du lịch nhưng mỗi nhóm người lại có những yêu cầu chẳng hề giống nhau. Nếu như các bạn trẻ chọn địa điểm đề cao sự khám phá, giá rẻ thì với dân văn phòng lại khác.

Thông qua một vài hội nhóm, đa phần những người đi làm khi muốn tìm địa điểm du lịch không yêu cầu nơi đó phải rộng hay có thật nhiều chỗ vui chơi giải trí. Thay vào đó, họ chỉ cần di chuyển không quá khó khăn, có view đẹp và gần gũi với thiên nhiên. “Vì đôi khi tôi chỉ muốn một buổi sáng cuối tuần, thức dậy ở một nơi trong lành, chạy bộ hay đạp xe vài vòng, rồi vào chụp ảnh, ăn uống, vô lo vô nghĩ cho hết ngày nghỉ ngơi”, chị Thương Thương (nhân viên ngân hàng) cho biết.

Nếu hỏi dân công sở Hà Nội rằng họ thường nghỉ dưỡng cuối tuần ở đâu, có lẽ hơn 80% câu trả lời nhận được sẽ là Ba Vì. Vậy thì nơi đó có gì mà cứ dăm bữa nửa tháng, người ta lại tìm đến, mà đi hoài không chán???

Vị trí thuận lợi

Ba Vì là một huyện nằm ở ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm thành phố chừng 60km. Nơi đây được ca ngợi chẳng khác gì Đà Lạt bởi chẳng những có khung cảnh sơn thủy hữu tình, không khí xanh trong, có khu bảo tồn thiên nhiên mà còn nhiều di tích tâm linh, mang đậm dấu ấn lịch sử của người Việt.

Quãng đường từ Hà Nội lên Ba Vì tương đối thuận lợi. Chỉ tốn chưa đầy 2 tiếng di chuyển bằng phương tiện cá nhân là bạn có thể đặt chân tới chân núi Tản Viên. Hai trong số những tuyến đường được nhiều người lựa chọn nhất:

- Đi hướng Láng Hòa Lạc: Đại lộ Thăng Long - Láng Hòa Lạc - Sơn Tây - khu du lịch Ba Vì.

- Đi hướng Nhổn: Hồ Tùng Mậu - quốc lộ 32 - bến xe Đan Phượng - cầu Phùng theo hướng bến xe Sơn Tây - Xuân Khanh - chân núi Ba Vì.

Ảnh: Phương Hoa, @didauducoi

Ảnh: Phương Hoa, @didauducoi

Ngoài ra, bạn cũng có thể tới Ba Vì bằng xe buýt từ các bến Mỹ Đình, Yên Nghĩa hoặc đợi ở các điểm chờ trên đại lộ Thăng Long. Tuy nhiên, điểm cuối của các chuyến xe sẽ cách khu du lịch khoảng 5km, du khách có thể bắt xe buýt Ba Vì hoặc thuê xe ôm hay taxi.

Một ngày không thể thăm hết các nơi

Dân văn phòng tới Ba Vì sẽ không “chạy show” từ nơi này sang nơi khác trong cùng một ngày như giới trẻ, thay vào đó, họ thường lựa chọn vài ba địa điểm để dừng chân. Chính bởi vậy nên người ta mới có thói quen tuần này hưởng không khí ở góc bên này, tuần sau lại lên trải nghiệm nơi kia, mang đến cảm giác vừa thân quen, vừa lạ lẫm.

Đường lên vườn quốc gia Ba Vì

Đường lên tới Ba Vì cũng vừa dốc, vừa nhiều khúc cua tay áo nhưng cũng vừa thơ mộng chẳng kém gì đường lên Tây Bắc. Tại các điểm dừng chân, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa, ngắm nhìn núi đồi và những dải mây trắng hờ hững trôi.

Đặc biệt, những ngày tháng 11 này, trên một số cung đường, dã quỳ đã bắt đầu nở. Nếu theo đúng dự kiến thì chỉ chừng 1 tuần nữa thôi, sắc vàng sẽ phủ kín suốt 2 bên đường dẫn lên tận đồi hoa.

Ảnh: Phan Hiền, Bích Nga, KienKaKa, @n.layla._

Ảnh: Phan Hiền, Bích Nga, KienKaKa, @n.layla._

Nhà kính xương rồng

Từ cổng bán vé, đi bộ thêm hơn 1km nữa, bạn sẽ tới với nhà kính xương rồng. Trong khu vườn nhỏ xinh này có hàng chục loại xương rồng đến từ các quốc gia, vùng đất khác nhau trên thế giới. Chẳng được chăm chút kỹ càng khiến cho đường vào có phần hoang tàn, hẻo lánh, nhưng bù lại, cây ở đây vẫn rất tốt tươi, thường xuyên thu hút khách tới tham quan. Chưa kể, nếu nhìn sang phía đối diện của nhà kính, bạn sẽ thấy một con đường nhỏ có view thẳng ra núi và hồ, thường được mọi người gọi là view “sơn thủy hữu tình”.

Ảnh: Minh Hảo, Thanh Trích, Hoàng Hương Trà, Lê Thu Huế

Ảnh: Minh Hảo, Thanh Trích, Hoàng Hương Trà, Lê Thu Huế

Nhà thờ đá

Ở độ cao 800m, khuôn viên vườn quốc gia Ba Vì còn chứa đựng tàn tích của nhiều công trình kiến trúc kỳ vĩ, mang đậm dấu ấn thời gian. Nhà thờ đá hay biệt thự nghỉ dưỡng thời Pháp là hai minh chứng rõ ràng nhất. Khu phế tích được cây cối và rêu phong bao phủ, ẩn hiện trong làn sương mù của núi rừng, tạo nên không gian ma mị, không dành cho những người “yếu tim”.

Tuy nhiên, đường lên đó sẽ là một con dốc thẳng đứng, du khách chú ý lựa chọn trang phục, giày dép cho phù hợp, tránh trơn trượt, đặc biệt vào những ngày ẩm ướt.

Ảnh: @didauducoi

Ảnh: @didauducoi

Ảnh: Phương Hoa, Thanh Trích, Tô Thị Lan Hương, Nguyen Quynh Trang

Ảnh: Phương Hoa, Thanh Trích, Tô Thị Lan Hương, Nguyen Quynh Trang

Rừng thông

Rừng thông thẳng đứng, bạt ngàn ở đây chính là nơi đã cho ra đời rất nhiều tấm hình “triệu like” của du khách. Ngoài ra, hầu hết các dịch vụ ăn uống, cho thuê lều trại… đều tập trung ở khu vực này.

Ảnh: Thanh Thao Nguyen, Hoàng Hương Trà, @n.layla._, Thanh Trích

Ảnh: Thanh Thao Nguyen, Hoàng Hương Trà, @n.layla._, Thanh Trích

Đền thờ Bác Hồ và đền Thượng

Đền thờ Bác Hồ nằm ở cốt 1100m, nơi cao nhất của núi Tản Viên. Để lên tới đây, du khách cũng phải leo bộ qua 1320 bậc thang.

Đền Thượng ở đối diện với đền thờ Bác Hồ, là nơi thờ Đức Thánh Tản Viên, gắn liền với hình tượng Sơn Tinh trong câu truyện dân gian Sơn Tinh Thủy Tinh. Nếu không gặp phải sương mù thì từ đỉnh này có thể ngắm toàn cảnh vùng đất ngoại thành Hà Nội và đôi khi còn săn được mây.

Thêm một lưu ý, hai ngôi đền và tòa tháp Báo Thiên bên cạnh là địa chỉ tâm linh, cho nên, du khách hãy ăn mặc lịch sự để thể hiện sự trang trọng.

Ảnh: Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Huyền, Hương Ngọc Trà

Ảnh: Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Huyền, Hương Ngọc Trà

Thiên Sơn Suối Ngà

Ngoài các địa điểm quanh vườn quốc gia Ba Vì, khu vực Thiên Sơn - suối Ngà cũng được một số du khách lựa chọn. Chỉ cần vượt qua một đoạn đường rừng, mở ra trước mắt bạn sẽ là một khung cảnh kỳ vĩ với phía trên là bầu trời cao, dưới chân là dòng nước trong mát và lớp lớp cây cổ thụ bao phủ xung quanh.

Ảnh: Vũ Thùy Linh, Trần Thanh

Ảnh: Vũ Thùy Linh, Trần Thanh

Quán cafe trên đỉnh

Nếu không muốn tham quan những nơi kể trên, du khách có thể lên thẳng các cốt, gọi đồ uống và tận hưởng thời tiết “4 mùa trong ngày” của Ba Vì. Tại cốt 400 có quầy dịch vụ Cafe container còn trên cốt 1100 thì có May Coffee với những góc sống ảo độc - lạ.

Ảnh: Phương Hoa, @nhuyen1205, Hang Dang, Lan Linh

Ảnh: Phương Hoa, @nhuyen1205, Hang Dang, Lan Linh

Villa xanh mướt mắt

Ở Ba Vì, mô hình homestay hay lều trại rất phổ biến, song, bạn có thể làm mới chuyến nghỉ dưỡng ngắn ngày của mình ở các căn villa với đa dạng các mức giá, tùy theo nhu cầu. Một số cái tên được đánh giá cao nhất trên các trang dịch vụ, có thể kể đến như Melia Bavi Mountain Retreat, Ivory Villas & Resort, Thang Mây Village & Resort…

Ảnh: Hạnh Ỉn, Phương Hoa, Melia Bavi

Ảnh: Hạnh Ỉn, Phương Hoa, Melia Bavi

Đặc sản Ba Vì

Tới Ba Vì, du khách có thể thưởng thức hay mua về làm quà những món ngon như thịt lợn rừng, bánh tẻ Phú Nhi, chè lam, bánh quế. Và nổi tiếng nhất chắc chắn là sữa tươi và các sản phẩm liên quan đến sữa như sữa chua, bánh sữa...

Chi phí và giá vé một số nơi

Vé vào vườn quốc gia: 60.000đ/người lớn

Gửi xe: 10.000đ - 60.000đ/xe

Thuê lều trại: 300.000đ - 600.000đ tùy nhu cầu

Nhà kính xương rồng: 10.000đ/người

Lưu trú: 500.000đ - 4.000.000đ/người/đêm

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/kham-pha-ba-vi-chon-tien-canh-hop-hon-dan-van-phong-ha-noi-moi-dip-cuoi-tuan-20221104113515526.htm