Khám phá bảo tàng 'hấp dẫn nhất thế giới' của Việt Nam

Từ nhiều năm qua, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh luôn là một trong những điểm tham quan thu hút lượng khách đông nhất ở TP.HCM và cả nước.

Cách đây ít ngày, ứng dụng nổi tiếng Stasher (dịch vụ quản lý hành lý cho khách du lịch) vừa công bố danh sách 99 địa điểm hấp dẫn nhất thế giới, dựa trên dữ liệu thu thập từ trang TripAdvisor và Google Reviews. Theo danh sách này, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại TP.HCM đứng thứ 61.

Địa chỉ tham quan đặc biệt

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là địa điểm du lịch duy nhất ở Việt Nam nằm trong bảng xếp hạng nói trên, bên cạnh các địa điểm nổi tiếng thế giới khác như Angkor Wat (Campuchia), hồ Lagoon (Iceland), Tokyo Disneyland (Nhật Bản), Universal Studios (Singapore)…

Tòa nhà chính của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Tòa nhà chính của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Nằm ở số 28 đường Võ Văn Tần, quận 3, TP.HCM, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, là thành viên của hệ thống Bảo tàng vì hòa bình thế giới và Hội đồng các bảo tàng thế giới (ICOM). Đây là Bảo tàng chuyên đề nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, bảo quản và trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về những chứng tích tội ác và hậu quả của các cuộc chiến tranh mà các thế lực xâm lược đã gây ra đối với Việt Nam. Qua đó, Bảo tàng tuyên truyền về tinh thần đấu tranh bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc, về ý thức chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình và tinh thần đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới.

 Tượng "Bà mẹ" làm từ các mảnh bom Mỹ là tác phẩm do nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Huy (tỉnh Tây Ninh) sáng tác đầu thập niên 1990, được trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Tác phẩm khiến không ít người phải lặng người trước sự tàn khốc của cuộc chiến tranh.

Tượng "Bà mẹ" làm từ các mảnh bom Mỹ là tác phẩm do nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Huy (tỉnh Tây Ninh) sáng tác đầu thập niên 1990, được trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Tác phẩm khiến không ít người phải lặng người trước sự tàn khốc của cuộc chiến tranh.

Được biết đến là một công trình hiện đại, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh có khuôn viên 5.400m2, trong đó kiến trúc chính là khối nhà trưng bày ba tầng có tổng diện tích sàn lên tới 4.522m2. Bên cạnh đó là các công trình phụ trợ và diện tích trưng bày ngoài trời 3.026m2.

Hiện tại, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh, trong đó hơn 1.500 tài liệu, hiện vật, phim ảnh đã được đưa vào giới thiệu ở 8 chuyên đề trưng bày thường xuyên. Ngoài không gian triển lãm cố định, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh còn thực hiện nhiều triển lãm lưu động trên cả nước.

Tội ác chiến tranh xâm lược, thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến, hậu quả chất độc da cam, những sự thật lịch sử... là các chủ đề nổi bật được trưng bày tại Bảo tàng, tất cả đều để gây ấn tượng mạnh với người xem.

Lắng đọng cảm xúc

Từ nhiều năm qua, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh luôn là một trong những điểm tham quan thu hút lượng khách đông nhất ở TP.HCM và cả nước. Theo thống kê, trước khi có dịch COVID-19, Bảo tàng thu hút trên 1 triệu lượt khách tham quan mỗi năm. Năm 2013, trang Trip Advisor đã bình chọn Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là một trong 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á. Đây cũng là bảo tàng duy nhất ở Việt Nam được đưa vào hệ thống hơn 60 Bảo tàng vì hòa bình của tổ chức Văn hóa khoa học và Giáo dục Liên hiệp quốc.

Bom chùm CBU - 55B được trưng bày trong Bảo tàng. Loại vũ khí hủy diệt này được sử dụng lần đầu tiên ở Quảng Trị năm 1972.

Bom chùm CBU - 55B được trưng bày trong Bảo tàng. Loại vũ khí hủy diệt này được sử dụng lần đầu tiên ở Quảng Trị năm 1972.

Trong số các chuyên đề trưng bày tại Bảo tàng, du khách trong và ngoài nước đặc biệt ấn tượng với bức hình "Em bé Napalm" của phóng viên Nick Út (Mỹ). Tác phẩm ảnh báo chí lột tả hiện thực chiến tranh này đã giành nhiều giải thưởng quốc tế và đứng thứ 41/100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng lớn của thế kỷ XX do Đại học Columbia bình chọn. Một du khách người Anh từng chia sẻ với báo chí: "Tôi đã vài lần được xem bức ảnh "Em bé Napalm" của Nick Út. Nhưng mỗi lần như thế tôi đều rất xúc động. Thật đớn đau cho những đứa trẻ trong chiến tranh".

Theo thống kê, có tới 70% du khách tới tham quan Bảo tàng là người nước ngoài. Họ tìm tới địa chỉ này với mong muốn được tìm hiểu về các cuộc chiến tranh tại Việt Nam và cảm nhận sâu sắc nỗi đau, sự mất mát và cả những hy sinh không thể bù đắp của người dân. Giữa không gian tĩnh lặng của Bảo tàng, bạn có thể cảm nhận rõ sự xúc động khó diễn tả bằng lời của nhiều du khách.

Ngoài các chủ đề liên quan tới chiến tranh, Bảo tàng còn có không gian sinh hoạt mới mang tên "Bồ câu trắng". Căn phòng do Bảo tàng phối hợp với 20 tình nguyện viên Nhật Bản xây dựng nội dung. Đây là hoạt động nằm trong dự án “Chim bồ câu trắng biểu tượng của hòa bình”, do Việt Nam và Nhật Bản thực hiện.

Không gian này trưng bày nhiều bức tranh của thiếu nhi với những chủ đề gần gũi như: tình yêu quê hương đất nước, tình yêu gia đình... Các bức tranh thể hiện ước mơ giản dị của trẻ em được sống trong một đất nước hòa bình, được sắp sách tới trường và thỏa sức làm những công việc mình yêu thích. Theo cảm nhận của không ít du khách, bên cạnh những hình ảnh, hiện vật chân thực lột tả sự tàn khốc của chiến tranh, các bức vẽ mang màu sắc tươi sáng này là nét chấm phá đầy giá trị, góp phần thể hiện khát vọng hòa bình của người dân Việt Nam.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/kham-pha-bao-tang-hap-dan-nhat-the-gioi-cua-viet-nam-1845961.html