Khám phá bí ẩn chiếc xe chạy bằng than củi đầu tiên tại Việt Nam
'Quốc tế' không chỉ là chiếc xe đầu tiên của ngành ô tô Việt Nam mà còn rất đặc biệt khi được chạy bằng than củi. Xe ra đời năm 1949 và được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Chiếc ô tô chạy bằng than là chiếc xe vận tải cơ giới được lắp ráp đầu tiên của Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam, đánh dấu thời kỳ vận tải từ thô sơ lên cơ giới. Đây là hiện vật minh chứng cho lòng quyết tâm quả cảm, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, thiếu thốn về vật chất của QĐND Việt Nam, tạo nên những kỳ tích mang dấu ấn thời đại.
Ngày 25/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1821/QĐ-TTg công nhận Bảo vật Quốc gia đợt 7 cho 22 hiện vật và nhóm hiện việt, trong đó có chiếc xe ô tô "Quốc tế" của Bảo tàng Hậu cần. Chiếc xe vận tải có màu xanh cỏ úa, chiều dài 6,7m, rộng 2,2m và cao 3,1m. Xe hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hậu cần (Bộ Quốc phòng) tại Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Trở lại dòng lịch sử vào năm 1949, khi thực dân Pháp bị quân và dân ta đánh trả quyết liệt phải rút chạy khỏi Thái Nguyên, Bắc Kạn và chuyển lên đóng quân ở vùng biên giới Cao Bằng. Chúng thường tung biệt kích, thổ phỉ vào sâu hậu phương của ta để tìm phá kho hàng và phương tiện vận tải.
Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, ngày 18/6/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh 50/SL quy định nhiệm vụ và tổ chức cơ quan Bộ Quốc phòng, trong đó có Cục Vận tải có nhiệm vụ tổ chức hoạt động vận tải trong quân đội.
Ngày 4/8/1949, Phái đoàn Mậu dịch Thống nhất Quốc phòng được thành lập theo Nghị định số 7/NĐ của Chính phủ. Phái đoàn có nhiệm vụ tổ chức mua hàng từ các địa phương, mua vũ khí thuốc nổ ở biên giới Việt - Trung cung cấp cho lực lượng vũ trang. Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề này, cần phải có phương tiện vận tải cơ giới.
Nhận nhiệm vụ, đồng chí Vũ Văn Đôn - Trưởng phái đoàn lập tức lên nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ (Thái Nguyên) xin liên hệ một số đồng chí biết tiếng Trung, có trình độ kỹ thuật xe máy cùng một số cán bộ của Cục Vận tải, thành lập một tổ 10 người rồi hành quân lên Bắc Kạn thu gom vật tư, phụ tùng các xe ô tô hỏng của Pháp bỏ lại sau chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947.
Sau một thời gian mày mò, sửa chữa và lắp ráp, tổ đã lắp thành công một chiếc xe ô tô vận tải. Chiếc xe được lắp ráp từ nhiều bộ phận của các hãng xe khác nhau như máy của hãng xe Ford (Mỹ), buồng lái của hãng Studebazker (Đức), sắt-xi của hãng Renault (Pháp).
Chiếc có động cơ chuẩn chạy bằng xăng, nhưng do điều kiện thiếu nhiên liệu nên thợ kỹ thuật của ta đã sáng chế, cải tiến một số chi tiết máy để có thể chạy được bằng cả than đá và than củi. Xe được đặt tên là "Xe ô tô Quốc tế" do nó được lắp ráp từ nhiều bộ phận của các loại xe do nhiều nước sản xuất. Chính vì vậy, chiếc xe ra đời đã mang một cái tên khá lạ là "Quốc tế".
Tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, các kĩ sư đã bất chấp nguy hiểm của bản thân trong quá trình nghiên cứu, chế tạo. Lý do là trong quá trình sản xuất, khí CO xuất hiện ở hầu hết quá trình đốt nhiên liệu, từ việc đốt rác, củi, than, than đá hoặc trong hoạt động của các lò hơi (chạy củi, than, dầu FO), máy phát điện, lò nung… Tất cả đều thải ra rất nhiều loại khí thải độc hại.
Để có nguyên liệu CO ổn định, khi cho than củi vào vào lò, cần cho vào theo nhiều đợt với lượng than hoặc củi vừa đủ cháy. Tuy nhiên, để có thể tạo ra nguồn nhiên liệu CO nguyên chất cho việc đốt cháy thì cần xử lý qua màng sợi rỗng làm bằng PVDF có khả năng tách và hấp thụ CO qua màng lớn. Sau đó CO sẽ được đưa qua chế hòa khí và được nén tại buồng đốt và đốt cháy để sinh công và tạo ra khí CO2 và nước vô hại.
Sau khi chạy thử, chiếc xe đạt chất lượng tốt và đã chở được hàng chục tấn hàng trên đoạn đường dài 93km từ đèo Tài Sìn Hồ (cách Cao Bằng 19km) đến Bắc Kạn, góp phần hoàn thành kế hoạch đầu tiên của Cục Vận tải.
Đặc biệt, xe "Quốc tế" đã có vinh dự một số lần được đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh lên công tác ở chiến khu Việt Bắc. Xe cũng đưa một số vị khách quốc tế, trong đó có đồng chí Lêo Figuerre, Ủy viên Trung ương Đảng cộng sản Pháp, trong dịp đến thăm căn cứ địa Việt Bắc năm 1950.
Từ năm 1950 đến năm 1954, sau thắng lợi của chiến dịch Biên giới, nước ta nhận được một số xe viện trợ của các nước XHCN có nhiên liệu bằng xăng đầu. Xe "Quốc tế" lúc đó vì chạy bằng than (chặt cây đốt thành than) nên không còn phù hợp với điều kiện vận chuyển hàng trên cung đường dài, chỉ dùng để vận chuyển hàng trên cung đường ngắn trong nội bộ của Cục Vận tải.
Có thể nói, chiếc ô tô Quốc tế là "ông tổ" của ngành lắp ráp ô tô tại Việt Nam và nó thể hiện ý chí quật cường của ông cha ta trong kháng chiến. Điểm đặc biệt nằm ở công nghệ đốt than để chạy xe ở thời điểm trước năm 1950 thuộc về Pháp, và bài học "gậy ông đập lưng ông" đã được các chiến sĩ kĩ thuật QĐND Việt Nam áp dụng chế tạo xe để chống lại thực dân Pháp.