Khám phá bức tranh du lịch đa sắc giữa vùng núi Ba Vì
Nằm ở phía Tây Bắc Hà Nội, Ba Vì không chỉ nổi tiếng với những dãy núi xanh thẳm, không khí trong lành mà còn là vùng đất có bề dày văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Du khách đến với Ba Vì sẽ có dịp trải nghiệm những nét đặc sắc nhất của du lịch dược liệu, sinh thái, nghỉ dưỡng và văn hóa Ba Vì.
Khám phá nét đặc sắc văn hóa dân tộc
Đặt chân đến vùng đất Ba Vì để trải nghiệm văn hóa cồng chiêng, đoàn khảo sát bị cuốn vào một không gian đầy cảm xúc. Hai hàng nghệ nhân trong trang phục truyền thống xếp thành lối chào, tay nâng cao những chiếc chiêng đồng, hòa nhịp theo từng âm thanh vang vọng. Tiếng chiêng ngân nga, trầm hùng mà uyển chuyển như tiếng vọng của núi rừng, dẫn du khách bước vào không gian văn hóa đặc trưng của người Mường.
Cô đồng Tứ - người đã gắn bó với vùng đất Ba Vì hàng chục năm nay thấu hiểu từng lớp lang văn hóa ẩn chứa trong mỗi bài chiêng. Với người Mường, chiêng không đơn thuần là một nhạc cụ mà còn là hồn cốt văn hóa, là câu chuyện tâm linh được thể hiện qua 12 âm sắc dân tộc, là di sản văn hóa phi vật thể có sức sống mãnh liệt nhờ được chính cộng đồng sản sinh ra nó gìn giữ.
Cô đồng Tứ cho biết, người Mường ở Ba Vì vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc. Về văn hóa vật thể, có nhà sàn, trang phục, ẩm thực và các vật dụng trong sản xuất, sinh hoạt. Về văn hóa phi vật thể, có ngôn ngữ, Mo Mường, các làn điệu hát, múa, các môn thể thao và trò chơi dân gian… Đặc biệt, chiêng Mường thu hút sự yêu mến của mọi tầng lớp nhân dân. Hầu như thôn nào cũng có đội chiêng, thường xuyên tập luyện và tích cực tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng.

Cồng chiêng là nét văn hóa đặc trưng của người Mường. Ảnh: Linh Nguyễn
"Chúng tôi suy nghĩ đơn giản rằng, người Mường thì phải biết đánh chiêng Mường. Hơn thế nữa, chiêng Mường còn có sức hấp dẫn với nhiều dân tộc khác, làm say đắm lòng người và trở thành sợi dây văn hóa vô hình kết nối những giá trị tốt đẹp", cô đồng Tứ chia sẻ.
Quả thực, tiếng chiêng của người Mường Ba Vì đã xuất hiện ngày càng nhiều trong các sự kiện lớn của huyện và Thành phố Hà Nội. Những người yêu văn hóa chiêng Mường đã cùng nhau đưa tiếng chiêng ngân vang giữa lòng Thủ đô, hiện diện đầy bản sắc trong các sự kiện văn hóa nổi bật như Festival Thu Hà Nội 2023, Hương sắc Tây Hồ 2024, Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024…
Ba Vì hiện đang triển khai Đề án bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Mường với những mục tiêu quan trọng: 100% thôn, bản có đội chiêng, được bồi dưỡng và tập huấn hằng năm; 80% người dân tộc Mường mặc trang phục truyền thống trong các hoạt động cộng đồng; 90% hộ gia đình thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Mường, đặc biệt chú trọng truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Đồng thời, địa phương cũng khuyến khích các sinh hoạt văn hóa theo phong tục, tập quán truyền thống trong không gian nhà sàn. Đặc biệt, Mo Mường - di sản văn hóa tâm linh đặc trưng của người Mường cũng được chú trọng bảo tồn, đưa vào đời sống tinh thần của cộng đồng một cách phù hợp với thuần phong mỹ tục và quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Đức Anh, Phó chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết: "Chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để khôi phục, gìn giữ và phát huy giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Mường. Chúng tôi đầu tư vào các thiết chế văn hóa, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu như Hội thi nét đẹp bản Mường, hội thi thể thao dân tộc thiểu số, ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc thiểu số, hội diễn dân ca và cồng chiêng... Tất cả nhằm giúp đời sống văn hóa tinh thần của người Mường ở Thủ đô phong phú hơn, đồng thời góp phần xây dựng Hà Nội trở thành một đô thị văn hiến, văn minh và hạnh phúc."
Đó là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Mường, còn với người Dao, chúng tôi có cơ hội tìm hiểu về nền y học cổ truyền lâu đời của họ. Hầu hết các hộ dân người Dao tại đây đều tham gia vào các hợp tác xã chuyên sản xuất và kinh doanh thuốc Nam.
Từ bao đời nay, người Dao ở Ba Vì nổi tiếng với những bài thuốc Nam gia truyền, trong đó đặc biệt phải kể đến bài thuốc tắm sau sinh. Sự kết hợp tinh tế giữa nhiều loại thảo dược quý giúp sản phụ phục hồi nhanh chóng, tăng tiết sữa và ngăn ngừa các bệnh hậu sản.
Lương y Lý Thị Mai, đại diện Hợp tác xã thuốc Nam Ba Vì cho biết: "Nhiều bệnh tưởng chừng không thể chữa nhưng với người Dao, nhờ hiểu biết sâu sắc về thảo dược, họ vẫn có thể tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả." Các bài thuốc từ cây rừng không chỉ giúp chữa bệnh mà còn hỗ trợ thải độc cơ thể, giúp cải thiện sức khỏe lâu dài mà không gây tác dụng phụ.
Hiện nay, ngoài các bài thuốc thô, hợp tác xã còn phát triển sản phẩm dạng cao thảo dược như cao mai mộc can – bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh gan, giúp giảm men gan, hỗ trợ điều trị viêm gan B, C. Mỗi ngày, chỉ cần sử dụng một lượng nhỏ pha với nước ấm là có thể phát huy tác dụng.

Khu du lịch văn hóa tâm linh Long Việt có tổng diện tích 22 ha. Ảnh: Linh Nguyễn
Tiếp tục hành trình, chúng tôi ghé thăm Khu du lịch văn hóa tâm linh Long Việt. Tới đây, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự hoành tráng và trang nghiêm. Bà Nguyễn Thị Thái, nhân viên kinh doanh của khu du lịch cho biết: “Long Việt có tổng diện tích 22 ha, trong đó 7 ha đã đưa vào khai thác, phần còn lại đang được quy hoạch. Ngoài các khu du lịch, chúng tôi còn dành một phần diện tích để tuyên truyền phòng, chống ma túy. Hiện tại, khu du lịch chủ yếu đón khách gia đình, hầu hết đều liên hệ đặt trước thay vì tự đến."
Khu du lịch đã đi vào hoạt động hơn 15 năm, trước đây, khu du lịch có tên gọi là Long Việt, nhưng nay đã chính thức đổi thành Khu du lịch văn hóa tâm linh Long Việt với định hướng phát triển gắn liền với giá trị văn hóa truyền thống. Không chỉ là nơi tham quan, Long Việt còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm như hội trại, thi đấu thể thao dân tộc, giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Lưu trú tiện nghi, ẩm thực đa dạng, giải trí độc đáo
Sau khi đắm chìm trong không gian văn hóa đậm bản sắc của người Mường, người Dao, du khách có thể tận hưởng những giây phút nghỉ ngơi thư thái tại các khu lưu trú giữa thiên nhiên Ba Vì. Từ những căn villa sang trọng với tầm nhìn thoáng đạt đến những nhà sàn truyền thống ấm cúng, mỗi lựa chọn đều mang đến trải nghiệm riêng, giúp du khách hòa mình vào cảnh sắc núi rừng và tận hưởng trọn vẹn chuyến đi.

Thảo Mộc Villa có không gian mở, phù hợp cho đoàn khách lớn. Ảnh: Thảo Mộc Villa
Khách du lịch đến Ba Vì có thể lựa chọn giữa Ami Villa và Thảo Mộc Villa. Ami Villa mang phong cách hiện đại, với không gian mở giữa núi rừng. Mỗi căn villa có 6 phòng ngủ, đủ cho đoàn 22 người, phòng bếp riêng, khu sinh hoạt rộng rãi, bể bơi massage, phòng xông hơi, khu BBQ ngoài trời… Ngược lại, Thảo Mộc Villa lại mang hơi thở của một làng quê yên bình, với những gian nhà sàn gỗ truyền thống. Nhà sàn cộng đồng có thể tiếp đón đoàn khách lớn, mỗi khoang có cửa riêng, phù hợp cho gia đình.
Ngoài ra, du khách còn có thể trải nghiệm vẽ tranh trên vỏ trứng đà điểu với sự hướng dẫn của các họa sỹ chuyên nghiệp tại Thảo Mộc Villa với giá 200.000 đồng/người.
Họa sĩ Nguyễn Minh Hoàng là người tiên phong phát triển loại hình vẽ tranh trên vỏ trứng đà điểu tại Ba Vì. Anh chia sẻ: “So với tô tượng, vẽ trên trứng đòi hỏi sự sáng tạo cao hơn. Đây là một trải nghiệm nghệ thuật thú vị, giúp du khách phát huy trí tưởng tượng và tạo ra tác phẩm mang dấu ấn cá nhân.”
Việc phát triển loại hình nghệ thuật này không hề dễ dàng, bởi nguồn cung vỏ trứng đà điểu khá hạn chế. Tuy nhiên, với niềm đam mê và sự kiên trì, họa sỹ Nguyễn Minh Hoàng đã biến vẽ trứng đà điểu thành một điểm nhấn độc đáo trong hành trình khám phá du lịch Ba Vì.

Du khách trải nghiệm vẽ trên trứng đà điểu. Ảnh: Linh Nguyễn
Nhắc đến ẩm thực Ba Vì, nhiều người thường nghĩ ngay đến sữa bò, sữa dê - những sản phẩm đã trở thành thương hiệu của vùng đất này. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, Ba Vì nổi lên với đặc sản hấp dẫn hơn là thịt đà điểu.
Là địa phương tiên phong trong việc đưa giống đà điểu vào chăn nuôi, Ba Vì hiện được coi là "thủ phủ" đà điểu lớn nhất miền Bắc, với hơn 200 hộ dân nuôi tập trung chủ yếu tại các xã Tản Lĩnh, Ba Trại, Vân Hòa… Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, nghề nuôi đà điểu tại đây phát triển mạnh mẽ, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần tạo ra nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, phục vụ du khách gần xa.
So với các loại thịt khác, thịt đà điểu có độ mềm, vị ngọt tự nhiên, ít cholesterol và giàu omega-3, giúp hỗ trợ tim mạch và bổ sung dinh dưỡng cho cả người già, phụ nữ và trẻ em. Đặc biệt, thịt đà điểu có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, trong đó phổ biến nhất là đà điểu xào sả ớt. Miếng thịt thái mỏng, ướp gia vị cho thấm đều, xào cùng ớt tây, hành tây và rau thơm, tạo nên món ăn có hương vị đậm đà, hấp dẫn.
Ngoài các món ăn chế biến trực tiếp, thịt đà điểu còn được các trang trại địa phương sản xuất thành giò đà điểu. Giò có màu đỏ tự nhiên, kết cấu giòn, vị ngọt thanh, khi ăn có cảm giác tương tự giò bò nhưng mềm hơn và ít béo hơn. Đây không chỉ là món ăn trong bữa cơm gia đình mà còn là đặc sản được nhiều du khách lựa chọn làm quà sau chuyến tham quan Ba Vì.
Hiện nay, địa phương đang tập trung xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến chế biến và tiêu thụ đà điểu, nhằm đưa sản phẩm này trở thành một trong những mũi nhọn phát triển du lịch. Với nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng cao cùng sự sáng tạo trong chế biến, ẩm thực Ba Vì không chỉ làm phong phú thêm trải nghiệm ẩm thực cho du khách mà còn góp phần nâng cao giá trị đặc sản địa phương.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/kham-pha-buc-tranh-du-lich-da-sac-giua-vung-nui-ba-vi-d260291.html