Khám phá các điểm đến tại Lâm Đồng qua Dự án 'Yêu lắm Việt Nam'
Dự án 'Yêu lắm Việt Nam' do Báo Nhân Dân phối hợp các đối tác công nghệ triển khai tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến ngày 31/3, dự án đã hoàn thành việc triển khai lắp đặt bảng gắn chip NFC (công nghệ kết nối không dây) tại các địa danh lịch sử, văn hóa, du lịch tại tỉnh Lâm Đồng.

Dự án “Yêu lắm Việt Nam” do Báo Nhân Dân phối hợp các đối tác công nghệ đã hoàn thành triển khai tại Lâm Đồng.
Dự án là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) và tuyên truyền, quảng bá các địa danh lịch sử, văn hóa trên mọi miền Tổ quốc, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của Việt Nam.
Tại Lâm Đồng, Công ty cổ phần Phygital Labs, đơn vị hợp tác với Báo Nhân Dân triển khai Dự án “Yêu lắm Việt Nam” tại 3 địa điểm, gồm: Bảo tàng Lâm Đồng, Di tích quốc gia nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (thành phố Đà Lạt) và Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên (huyện Đạ Huoai).

Các bảng gắn chip được thiết kế hai màu vàng, đỏ lấy cảm hứng từ Quốc kỳ Việt Nam và hoạt động tự động không cần nguồn điện.
Các bảng gắn chip được thiết kế hai màu vàng, đỏ lấy cảm hứng từ Quốc kỳ Việt Nam và hoạt động tự động không cần nguồn điện. Đến với các điểm đến trên, du khách sử dụng điện thoại thông minh tương tác với bảng gắn chip NFC sẽ được chứng nhận đã check-in tại địa danh, lưu giữ hình ảnh cá nhân, nhận thông tin hữu ích về địa danh, di tích hoặc điểm đến.
Mỗi bảng gắn chip sẽ cung cấp câu chuyện, hình ảnh, video hoặc mô hình 3D về địa điểm, di tích nơi bảng gắn chip được đặt; đồng thời cung cấp tính năng tra cứu, dẫn đường, tìm hiểu thông tin để khám phá các địa điểm du lịch tại nơi đang đứng và các khu vực lân cận. Khi du khách trải nghiệm hết các điểm có gắn chip tại một địa phương sẽ nhận được quà của chương trình và chứng nhận số khi hoàn thành khám phá ở đó.

Mỗi bảng gắn chip cung cấp câu chuyện, hình ảnh, video hoặc mô hình 3D về địa điểm, di tích nơi bảng gắn chip được đặt...
Trưởng phòng dự án của Công ty cổ phần Phygital Labs Trần Minh Tuấn thông tin: “Đây là hệ thống xác thực, khi du khách check-in điểm đến nào sẽ được hệ thống lưu lại. Tiện ích dự án “Yêu lắm Việt Nam” có “bức tường số” để mọi người có thể lưu lại kỷ niệm tại điểm đến, những người đến sau có thể thấy những người đã check-in ở điểm đến này. Du khách có thể chụp hình và lưu lại, để lại lời nhắn, hoặc kể câu chuyện, sự thích thú về điểm đến”.
Thời gian tới, dự án sẽ phát triển thêm những game thử thách mới để du khách check-in, cũng như tối ưu nhất các tính năng để phục vụ du lịch, như: hướng dẫn, hỗ trợ phân luồng khách sang các địa điểm khác khi một địa điểm quá đông; thông báo đến du khách những sự kiện quan trọng ở các địa phương... Dự án cũng sẽ chuẩn hóa các nội dung để chuyển sang các ngôn ngữ khác, góp phần quảng bá, giới thiệu du lịch Việt Nam ra thế giới.

Đại diện Công ty cổ phần Phygital Labs hướng dẫn kết nối điểm đến qua điện thoại thông minh.
Lãnh đạo Báo Nhân Dân cho biết, dự án nhằm quảng bá các địa danh lịch sử, văn hóa, điểm đến trên mọi miền đất nước; tạo trải nghiệm khám phá độc đáo cho du khách, hỗ trợ, thúc đẩy du lịch các địa phương cũng như cả nước.
Tại Lâm Đồng, sau khi Dự án “Yêu lắm Việt Nam” được triển khai tại ba điểm đến theo kế hoạch, tạo được sự thích thú với người dân địa phương và du khách. Cùng đoàn của nhà trường tham quan, tìm hiểu tại Bảo tàng Lâm Đồng, em Hoàng Mai đến từ Đồng Nai chia sẻ: “Vừa bước vào cửa bảo tàng, em thấy chiếc bảng “Yêu lắm Việt Nam”, “điểm check-in”… rất lạ, ấn tượng và em đã kết nối thử. Quả thật, rất thú vị, chúng em có thể đánh dấu điểm đến bằng hình ảnh của mình, có thêm thông tin điểm đến”.

Học sinh tiếp cận thông tin về Bảo tàng Lâm Đồng qua Dự án “Yêu lắm Việt Nam”.
Sau khi được triển khai dự án, Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng Hoàng Ngọc Huy bày tỏ: “Bảng gắn chip NFC trong dự án “Yêu lắm Việt Nam” được đặt tại các vị trí thuận lợi, thu hút du khách. Đây là một trong những tiện ích giúp địa phương thực hiện chiến lược chuyển đổi số trong du lịch. Đồng thời, tích hợp thông tin, dữ liệu chính thống với công nghệ và các ý tưởng sáng tạo, nhằm lan tỏa hiệu quả các sự kiện lịch sử, văn hóa và điểm đến của địa phương”.

Bảng gắn chip NFC trong Dự án “Yêu lắm Việt Nam” được đặt tại các vị trí thuận lợi, thu hút du khách tại Bảo tàng Lâm Đồng.
Bảo tàng Lâm Đồng là bảo tàng tổng hợp (khảo cứu địa phương), hiện đang lưu giữ hơn 15 nghìn hiện vật, với nhiều sưu tập độc đáo và quý hiếm. Nội dung trưng bày của bảo tàng bao gồm các phần chính, như: thiên nhiên Lâm Đồng; Đà Lạt xưa và nay; những phát hiện về khảo cổ học ở Lâm Đồng; những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc bản địa (Mạ, Cơ Ho, Chu Ru…); quân và dân Lâm Đồng trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm; nhân dân Lâm Đồng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa…

Học sinh tham quan Bảo tàng Lâm Đồng.
Đến với Bảo tàng Lâm Đồng, du khách còn được hòa mình vào thiên nhiên thơ mộng, trữ tình của Đà Lạt, tham gia các trò chơi dân gian, đánh chiêng hoặc thao tác các nghề truyền thống. Đồng thời, thưởng lãm hoa nghệ thuật “ngàn hoa Đà Lạt”, thăm cung Nam Phương hoàng hậu, tìm hiểu kiến trúc tiêu biểu của Pháp tại thành phố Đà Lạt…

Du khách đến “địa chỉ đỏ” Di tích quốc gia nhà lao thiếu nhi Đà Lạt.
Di tích quốc gia nhà lao thiếu nhi Đà Lạt: Tọa lạc trên ngọn đồi cao, gần thắng cảnh hồ Than Thở, nhìn về đỉnh núi Lang Biang hùng vĩ. Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt do chế độ cũ dựng lên từ năm 1971-1973, với tên gọi “Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt”. Song, “trung tâm” này thực chất là một nhà lao thiếu nhi, thể hiện đầy đủ bản chất của một nhà tù đế quốc.
Nhà lao đặc biệt này đã từng giam giữ hơn 600 thiếu nhi từ 12-17 tuổi có tinh thần cách mạng, được tập trung từ tất cả các nhà tù ở miền nam thời bấy giờ, nhằm cách ly, đàn áp, tiến tới thủ tiêu tinh thần cách mạng của thế hệ trẻ miền nam. Tại đây, đã diễn ra các phong trào đấu tranh anh dũng, thể hiện phẩm chất anh hùng, bất khuất của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chung của toàn dân tộc vì độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.

Các cựu chiến binh “về nguồn”, thăm Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt.
Di tích quốc gia nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (1971-1973), nay trở thành điểm đến ý nghĩa, là “địa chỉ đỏ” trong giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Du khách đến với Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên.
Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên: Những phát hiện và các cuộc khai quật, khảo cổ học ở Lâm Đồng từ năm 1983 đến nay đã đưa đến những kết quả bất ngờ, gây tác động lớn trong giới khoa học, nghiên cứu lịch sử và khảo cổ về sự huyền bí của vùng đất nam Tây Nguyên. Đặc biệt là sự xuất lộ của khu Thánh địa Cát Tiên và di chỉ tiền sử Phù Mỹ bên tả ngạn sông Đồng Nai.
Thánh địa Cát Tiên được nhân dân địa phương và cán bộ khảo cổ Viện khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh phát hiện từ năm 1985. Đây là một quần thể di tích rộng lớn, bao gồm nhiều di tích nằm rải rác dọc theo tả ngạn sông Đồng Nai với chiều dài hơn 15km, thuộc địa bàn huyện Đạ Huoai hiện tại.

Các hiện vật phát hiện tại di tích khảo cổ Cát Tiên.
Qua 8 lần khai quật khảo cổ, từ năm 1994-2006, làm xuất lộ nhiều thành phần kiến trúc khác nhau và hàng nghìn hiện vật quý giá và độc đáo. Đó là các dạng đền tháp, mộ tháp, đài thờ, hệ thống dẫn nước, nhà dài, đường đi, lò gạch, các bức tượng Liga-Yoni, biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực trong đời sống tâm linh của cư dân cổ xưa, những bức tượng phúc thần Ganesa, Siva, Uma... Giá trị của những di vật thuộc di chỉ khảo cổ học Cát Tiên đã thu hút sự quan tâm của giới khoa học và đông đảo công chúng trong nước, quốc tế.
Hoàn thành việc triển khai Dự án “Yêu lắm Việt Nam” tại Lâm Đồng.