Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng: Họ vẫn bất tử cùng Tổ quốc

Không tên tuổi, không di ảnh, không một dòng địa chỉ, không cả tấm bia mộ, hơn nửa thế kỷ trước, họ đã chiến đấu kiên cường và hy sinh trong thầm lặng. Nhưng hôm nay, lịch sử đã vinh danh họ. Ngày 26/2/2025, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là liệt sĩ và cấp bằng 'Tổ quốc ghi công' cho năm chiến sĩ của Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng, một sự khẳng định rằng, Tổ quốc mãi mãi khắc ghi công ơn những người con kiên trung, bất khuất.

Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược.

Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược.

Lê Thị Hai, Lê Văn Tư, Lê Thị Sáu, Lê Văn Bo, Lý Giao Duyên, năm cái tên được suy tôn liệt sĩ không phải tên thật, nhưng là những danh xưng mà đồng đội dành cho họ với tất cả sự kính trọng. Không ai biết họ đến từ đâu, gia đình thế nào, có ai còn mong ngóng tin tức họ không? Chỉ biết rằng, họ đã dũng cảm chiến đấu và ngã xuống dòng Kinh Tẻ trong đợt hai cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Sau hơn nửa thế kỷ, sự hy sinh ấy mới chính thức được ghi nhận.

Đã gần 80 tuổi, sức khỏe suy yếu vì những vết thương chiến tranh, bà Lê Hồng Quân, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng, vẫn nhớ rõ những năm tháng chiến đấu gian khổ trong lòng địch.

Tháng 2/1968, tại căn cứ Bình Chánh-Bến Lức, Hội nghị Thường vụ Khu ủy Sài Gòn-Gia Định quyết định thành lập Tiểu đoàn nữ biệt động, là đơn vị võ trang của Ban Phụ vận Sài Gòn-Gia Định. Bà Nguyễn Thị Tấn (tức Ba Hồng), Trưởng ban Phụ vận, đề xuất đặt tên Tiểu đoàn theo nữ Anh hùng Lê Thị Riêng, người vừa bị giặc sát hại đêm mồng 2 Tết Mậu Thân.

Ngày 8/3/1968, ông Nguyễn Thái Sơn (tức Bảy Bình), Phó Bí thư Khu ủy Sài Gòn-Gia Định, thay mặt Bộ Chỉ huy Tiền phương công bố quyết định thành lập Tiểu đoàn, đồng thời cử bà Lê Hồng Quân phụ trách, hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ông.

Trong điều kiện khẩn trương, đơn vị nhanh chóng phát triển lực lượng, gồm bốn trung đội, hai tiểu đội trực thuộc, cùng nhiều cơ sở nội tuyến và hơn 10 chiến sĩ hoạt động đơn tuyến, bám trụ các khu lao động tại liên Quận 2-4.

Rạng sáng 5/5/1968, đợt 2 của cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nổ ra. Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng anh dũng tấn công Tổng nha Cảnh sát, Chi Cảnh sát Cầu Ông Lãnh, kéo cờ quân Giải phóng tại Thủ Ngữ, và chốt chặn trên nhiều tuyến đường trọng yếu. Mặc dù bị vây ráp bởi lực lượng và hỏa lực áp đảo, các chiến sĩ vẫn kiên cường chiến đấu, lập nên những chiến công vang dội ngay giữa trung tâm đầu não của địch. 13 chiến sĩ của Tiểu đoàn đã anh dũng hy sinh. Tiểu đoàn trưởng Lê Hồng Quân bị thương nặng, tự cắt lìa một phần cánh tay cho khỏi vướng để tiếp tục chiến đấu, trước khi bị bắt, bị tra tấn và bị đày ra Côn Đảo cho đến năm 1973…

Chiến tranh kết thúc, các chiến sĩ đã hy sinh của Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng dần rơi vào quên lãng. Ngay cả những đồng đội may mắn sống sót cũng chỉ nhớ về họ qua những bí danh quen thuộc.

Bà Lê Hồng Quân, dù mất một cánh tay, dù thân thể mang đầy thương tích, vẫn quyết tâm bước vào một hành trình mới: Tìm lại danh phận cho đơn vị và đề nghị suy tôn liệt sĩ cho những đồng đội đã hy sinh. Bà lục tìm từng trang tư liệu, gõ cửa từng cơ quan, đoàn thể. Mỗi lá đơn gửi đi là một tia hy vọng, nhưng cũng là một nỗi trăn trở. Nhiều lần hồ sơ bị trả lại, bà vẫn không bỏ cuộc, vì với bà, họ không chỉ là đồng đội mà còn là gia đình.

Tháng 9/2002, Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định chính thức công nhận Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng là một đơn vị vũ trang, được Thường vụ Khu ủy Sài Gòn-Gia Định thành lập vào tháng 2/1968 để tham gia đợt hai cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ngày 20/7/2012, tám chiến sĩ kiên trung của Tiểu đoàn được suy tôn liệt sĩ, được lưu danh trên bia đá tại Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược, huyện Củ Chi.

Thế nhưng, vẫn còn năm chiến sĩ đã hy sinh chưa được công nhận là: chị Hai Đòn Gánh, anh Tư Cơm Tấm, chị Sáu Già, bác Bo và chị Lý Giao Duyên - những con người từng là niềm tự hào của Tiểu đội 3, Trung đội 3. Họ đã dũng cảm vượt sông đón lực lượng từ Nhà Bè, tiến công Quận 4, ngày 5/5/1968. Khi cuộc vượt sông bị lộ, họ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, rồi mãi mãi nằm lại dưới dòng Kinh Tẻ, thân xác hòa vào lòng đất mẹ.

Trong những năm tháng chiến đấu giữa lòng địch, nguyên tắc bí mật luôn được đặt lên hàng đầu. Mỗi chiến sĩ chỉ biết nhiệm vụ của mình mà không rõ quê quán, tên thật hay thân nhân của đồng đội. Chính điều này khiến việc xác minh danh tính năm chiến sĩ còn lại trở nên hết sức khó khăn.

Với lòng biết ơn và trách nhiệm, Ban liên lạc Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng đã tìm ra giải pháp đầy nhân văn: Lấy họ của nữ Anh hùng Lê Thị Riêng đặt cho những đồng đội đã hy sinh.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, hồ sơ công nhận liệt sĩ phải đầy đủ thông tin về họ tên, quê quán, thân nhân, giấy báo tử, danh sách liệt sĩ, nơi an táng... Có điều, các chiến sĩ hoạt động bí mật, chỉ sử dụng bí danh, không có hồ sơ lưu trữ, thì làm sao có đủ giấy tờ chứng minh?

Những khó khăn ấy không chỉ khiến đồng đội trăn trở mà còn thôi thúc nhiều cơ quan, tổ chức xã hội và những cá nhân tâm huyết chung tay giải quyết. Từ năm 2014, bà Lê Thị Thu, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, nguyên cán bộ Ban Phụ vận Sài Gòn-Gia Định, nay là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng ban Liên lạc cán bộ Ban Phụ vận Sài Gòn-Gia Định, đã thay mặt đồng đội tiếp tục gửi đơn đề nghị và trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng để tháo gỡ vướng mắc trong việc công nhận liệt sĩ cho năm chiến sĩ Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng. “Không biết đã bao đêm tôi trằn trọc không ngủ vì chưa hoàn thành trách nhiệm với đồng đội của mình”, bà Thu nghẹn ngào nói.

Các cơ quan, tổ chức như: Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Hỗ trợ Gia đình Liệt sĩ Việt Nam, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, cùng lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đều đồng lòng tháo gỡ mọi vướng mắc về thủ tục, nhằm công nhận liệt sĩ và cấp bằng “Tổ quốc ghi công” cho năm chiến sĩ Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng.

Ngày 15/3/2024, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh gửi văn bản đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức cuộc họp với lãnh đạo Bộ nhằm tìm giải pháp cho việc công nhận liệt sĩ đối với năm trường hợp đặc biệt này.

Ngày 11/7/2024, Hội Hỗ trợ Gia đình Liệt sĩ Việt Nam gửi công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vận dụng đặc cách để công nhận liệt sĩ cho năm chiến sĩ Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng. Đồng thời, Hội gửi công văn đến Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội, Cục Người có công, đề nghị xét duyệt theo diện đặc cách.

Sau nhiều nỗ lực bền bỉ của các cá nhân, tổ chức và cơ quan chức năng, ngày 26/2/2025, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 437/QĐ-TTg, chính thức cấp bằng “Tổ quốc ghi công” cho 66 liệt sĩ, trong đó có năm liệt sĩ của Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức lễ tưởng niệm và đón nhận bằng “Tổ quốc ghi công” năm liệt sĩ Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng vào đầu tháng 4 này. Do các liệt sĩ không có thân nhân, bằng “Tổ quốc ghi công” sẽ được đặt trang trọng tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố.

“Dù sự công nhận đến muộn sau hơn nửa thế kỷ hy sinh, đây vẫn là nguồn động viên lớn đối với những người đang tiếp tục chiến đấu trên mặt trận thầm lặng. Điều này khẳng định rằng: Tổ quốc và nhân dân không quên những người con đã xả thân vì nghĩa nước”, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng nhấn mạnh.

Rồi đây, trên bia đá tại Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược, nơi đã khắc tên tám liệt sĩ của Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng, sẽ có thêm năm cái tên mới. Những người anh hùng ấy, dù không ai biết rõ họ là ai, nhưng sự hy sinh của họ đã hòa vào hồn thiêng sông núi, sống mãi trong lòng nhân dân. Như câu thơ của Viễn Phương khắc trên tấm bia tại Công viên Lê Thị Riêng: Người đang sống nhớ thương người đã khuất/Khắc đá làm bia dựng giữa đất trời/Những oanh liệt như ngàn sao tỏa sáng/Đời đời sau chiếu mãi giữa tim người”.

ANH THƠ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ho-van-bat-tu-cung-to-quoc-post869440.html