Khám phá cầu Mây cổ

Trên dòng suối Mường Hoa có hơn chục chiếc cầu bắc qua để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân bản địa, trong số đó, cầu Mây cổ có lịch sử lâu đời, là địa chỉ check-in, khám phá ấn tượng với du khách khi đến Sa Pa.

Trong quá trình quần cư dọc theo suối Mường Hoa, người dân bản địa đã dùng dây rừng bện thành những chiếc cầu treo qua suối để đi lại giữa hai bờ thuận tiện hơn. Ngày nay, chỉ còn số ít cầu được gìn giữ và tu sửa, trở thành điểm đến cho du khách khám phá, trải nghiệm và chụp ảnh. Cầu Mây cổ ở thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa được coi là cây cầu có lịch sử lâu đời nhất còn được giữ gìn khá nguyên vẹn đến nay.

Du khách khám phá, trải nghiệm cầu Mây cổ.

Du khách khám phá, trải nghiệm cầu Mây cổ.

Anh Nguyễn Đăng Thu, hướng dẫn viên du lịch, chủ cơ sở Cầu Mây Eco Home, sống nhiều năm gần cầu Mây cổ cho biết: Khi làm hướng dẫn viên, tôi đã dày công đi đến nhà người già trong bản tìm hiểu thông tin và nghe họ kể những câu chuyện xung quanh cây cầu này. Theo những người già trong thôn, cầu Mây cổ được làm lần đầu các đây hơn 100 năm, lần cuối cùng dùng để đi lại cũng cách đây vài chục năm. Cầu Mây không chỉ được người dân dùng để đi lại, mà còn là nơi hò hẹn của trai gái trong thôn. Nhiều cặp vợ chồng ngày nay đã nên duyên sau những lần hò hẹn bên cầu Mây cổ.

Những người già ở thôn Hòa Sử Pán 1 kể: Xưa kia, suối Mường Hoa nước chảy cuồn cuộn, rất khó qua lại, nhất là vào mùa mưa, nên người dân nơi đây đã sáng tạo ra cầu treo làm bằng dây mây và dây rừng, 2 đầu dây mây được cố định vào thân cây cổ thụ bên bờ suối. Trong đó, 4 dây mây được lấy từ rừng già, to bằng nửa cổ tay người lớn được dùng làm dây chính, cùng các loại dây rừng bện chặt lại với nhau, sàn cầu được xếp bằng cây vầu già hoặc gỗ. Người dân phải tu sửa thường xuyên để cầu chắc chắn, an toàn.

Do được làm bằng nguyên liệu chính là dây mây rừng nên khi làm xong, người ta thường gọi là cầu Mây. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, tên gọi cầu Mây còn xuất phát từ việc thung lũng Mường Hoa thường xuyên có mây mù bao phủ, người đi trên cầu có thể hòa mình vào trong mây, đưa tay ra chạm tới mây. Cũng có người cho rằng, đi trên cầu có cảm giác bồng bềnh như trên mây, nên người ta gọi là cầu Mây. Dù cái tên cầu Mây được xuất phát từ lý do nào thì nay vẫn được nhiều khách sạn, nhà hàng tại Sa Pa đặt làm tên gọi. Ở thị xã Sa Pa cũng có một phường và một tuyến phố mang tên cầu Mây. Cái tên cầu Mây cũng trở thành “thương hiệu” của du lịch Sa Pa, được nhiều du khách biết tới. Cầu Mây cổ là địa điểm có thể thu hút du khách trong và ngoài nước.

Dấu ấn thời gian trên cây cầu cổ.

Dấu ấn thời gian trên cây cầu cổ.

Để khám phá cầu Mây cổ, du khách có thể di chuyển từ trung tâm thị xã Sa Pa, xuôi theo Tỉnh lộ 152 khoảng 20 km, qua bãi đá cổ thuộc xã Mường Hoa 300 m, rẽ phải 800 m theo đường bê tông nhỏ xuống là tới. Du khách không cần quá lo lắng vì ở các lối rẽ đều có biển chỉ dẫn. Hiện cầu Mây cổ nằm trong khuôn viên Cầu Mây Eco Home. Cầu Mây cổ vẫn được cố định vào thân cây cổ thụ hai bên bờ suối để du khách tham quan, trải nghiệm miễn phí. Dây mây rừng nay được thay bằng cáp thép chịu lực. Ngoài cầu Mây cổ, du khách còn có thể chiêm ngưỡng một thác nước tuyệt đẹp, thơ mộng và hùng vỹ được người dân địa phương gọi là thác Giàng Tà Chải.

Anh Nguyễn Tiến Việt (Hà Nội) chia sẻ: Tôi rất thích thú khi được đi trên cầu Mây cổ, nhất là khi bước ra giữa cầu có cảm giác bồng bềnh như “trên mây”. Tôi và nhóm bạn đã chụp được nhiều tấm ảnh ưng ý với cầu, với suối và những cây cổ thụ. Ngoài chụp ảnh, tôi còn được nghe kể nhiều chuyện hay xung quanh cây cầu.

Nói về cầu Mây cổ, anh Nguyễn Đăng Thu cho biết thêm: Tôi mong chính quyền địa phương quảng bá để có nhiều người biết đến địa điểm này hơn nữa, để du khách tìm về trải nghiệm, giúp người dân trong thôn phát triển du lịch, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cầu Mây cổ thể hiện sự sáng tạo của con người trong hành trình chinh phục thiên nhiên, là hiện vật gắn liền với cuộc sống của người dân bản địa hai bên suối Mường Hoa. Nếu được đầu tư, quảng bá, chắc chắn cầu Mây cổ sẽ trở thành điểm du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/351927-kham-pha-cau-may-co