Khám phá 'Dấu thiêng' di sản Thủ đô qua ngôn ngữ sơn mài của Chu Nhật Quang

Họa sỹ Chu Nhật Quang sẽ giới thiệu 52 tác phẩm sơn mài tại Hoàng thành Thăng Long để tôn vinh nghệ thuật sơn mài truyền thống cũng như phản ánh bề dày di sản văn hóa-lịch sử của Thủ đô.

Họa sỹ Chu Nhật Quang lựa chọn sơn mài truyền thống để thể hiện quan điểm nghệ thuật. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Họa sỹ Chu Nhật Quang lựa chọn sơn mài truyền thống để thể hiện quan điểm nghệ thuật. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trưng bày tranh sơn mài “Dấu thiêng” gồm 52 tác phẩm của họa sỹ Chu Nhật Quang sẽ được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).

Chia sẻ với báo chí ngày 25/9, họa sỹ cho hay trưng bày bao gồm các tác phẩm về phong cảnh quê hương, các di tích nổi tiếng, được chia thành 4 chủ đề.

Chủ đề "Khởi" mở đầu triển lãm với 14 bức tranh sơn mài tập trung vào thể loại tĩnh vật. Trong các tác phẩm này, họa sỹ Chu Nhật Quang không chỉ tái hiện các vật dụng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày như hoa quả, bình gốm và các đồ vật gia đình, mà còn mang lại một sự sống mới cho chúng thông qua sự kết hợp tinh tế giữa màu sắc và kết cấu sơn mài.

Chu Nhật Quang cho hay những tác phẩm này phản ánh ký ức sâu sắc của họa sỹ về thời gian học làm gốm, nơi anh đã khám phá ra sự tinh tế và vẻ đẹp độc đáo trong từng hình dạng đơn giản.

 Tác phẩm "Dấu thiêng" là một trong những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm cùng tên của họa sỹ Chu Nhật Quang. (Ảnh: BTC)

Tác phẩm "Dấu thiêng" là một trong những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm cùng tên của họa sỹ Chu Nhật Quang. (Ảnh: BTC)

Chủ đề "Cội" gồm 17 bức tranh, đưa người xem vào một hành trình sâu xa để khám phá văn hóa và di sản của dân tộc Việt Nam như Hoàng Thành Thăng Long, Tháp Rùa, Chùa Một Cột, chùa Thầy...

Chủ đề "Linh" với 9 bức tranh, tiếp tục khơi gợi sự hoài niệm về văn hóa và di sản. Họa sỹ tái hiện cảnh sân khấu thủy đình xưa với những buổi diễn rối nước, ngôi chùa Thầy nổi tiếng, và những cảnh đời thường tại các ngôi làng cổ. Hoàng Thành Thăng Long và Tháp Rùa cũng được khắc họa một cách sinh động, thể hiện sự trường tồn của văn hóa Việt Nam qua mọi thăng trầm lịch sử.

Cuối cùng, chủ đề "Nôi" với 12 tác phẩm, gợi lên ký ức về quê hương, những ngôi đình làng và nghệ thuật rối nước - những biểu tượng văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân cư Việt Nam.

“Các bức tranh về rối nước không chỉ tái hiện đời sống và tập quán của nền văn minh lúa nước, mà còn khắc họa rõ nét bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc. Qua những hình tượng như phượng hoàng, con cá, hay những con rối sinh động, tôi muốn truyền tải thông điệp về sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên và niềm hy vọng duy trì những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc qua nhiều thế hệ,” Chu Nhật Quang cho hay.

 Quang cảnh buổi họp báo giới thiệu triển lãm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Quang cảnh buổi họp báo giới thiệu triển lãm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại cuộc họp báo, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Từ góc nhìn của một người nghiên cứu sử học, tôi cảm nhận được khát vọng đổi mới trong tranh sơn mài của Chu Nhật Quang. Anh đã dấn thân vào việc làm mới nghệ thuật truyền thống của cha ông, trải qua nhiều thử thách và tìm tòi cách để phát triển. Những tác phẩm này dù còn mới mẻ, nhưng tôi tin rằng với nhiệt huyết và sức sáng tạo, anh sẽ đưa sơn mài Việt Nam vươn xa hơn. Xin chúc mừng và đặt nhiều kỳ vọng vào hành trình của anh.”

Tại Hà Nội, trưng bày “Dấu thiêng” sẽ diễn ra từ ngày 5/10 đến 15/10 tại Hoàng Thành Thăng Long. Lễ khai mạc sẽ có phần biểu diễn âm nhạc của ca sỹ Phạm Thu Hà./.

Chu Nhật Quang sinh ra trong gia đình nghệ thuật. Ông nội của anh là họa sỹ, Nghệ sỹ Nhân dân Chu Mạnh Chấn, người đã có công bảo tồn di sản văn hóa của làng quê Bắc Bộ qua nghệ thuật sơn mài. Cha của anh là Nghệ sỹ Ưu tú Chu Lượng, nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối nước Thăng Long, đã dành cả đời cho sự nghiệp múa rối nước truyền thống Việt Nam và cũng là một họa sỹ có tiếng.

Chu Nhật Quang có 5 năm học hội họa tại trường Santa Ana, California, tốt nghiệp cử nhân ngành Thiết kế ứng dụng tại Đại học RMIT, Australia. Anh đang vẽ dở 20 bức tranh sơn mài khổ lớn về Bác Hồ và chiến thắng 30/4/1975. Anh sẽ hoàn thiện trước ngày 30/4/2025 và mong muốn được triển lãm tại Thành Phố Hồ Chí Minh trong dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/kham-pha-dau-thieng-di-san-thu-do-qua-ngon-ngu-son-mai-cua-chu-nhat-quang-post979281.vnp