Khám phá đêm Hà Nội
Hà Nội đang dẫn đầu cả nước trong việc phát triển du lịch đêm với khoảng 20 sản phẩm du lịch, từ biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực, đến trải nghiệm văn hóa...
Với sự đa dạng sản phẩm đêm, du khách có nhiều trải nghiệm khó quên vào buổi tối tại Thủ đô.
Nhiều trải nghiệm hấp dẫn
Các sản phẩm du lịch đêm tại Thủ đô được tổ chức vào nhiều ngày trong tuần, bởi thế bất cứ thời điểm nào du khách đều có được lựa chọn phù hợp để khám phá đêm Hà Nội.
Trong đó, một số sản phẩm tổ chức đều đặn hằng ngày, như: Biểu diễn rối nước tại Nhà hát múa rối Thăng Long; trải nghiệm “Hà Nội city tour” trên xe buýt 2 tầng qua 30 điểm tham quan độc đáo; xem lễ hạ cờ ở Quảng trường Ba Đình, trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào 21h; tham quan Phố sách trên phố 19 tháng 12; nghe nhạc tại không gian “Vườn âm nhạc” ngoài trời của Nhà hát Lớn... Không chỉ trải nghiệm, du khách có thể thưởng thức ẩm thực xuyên đêm tại phố ẩm thực Tống Duy Tân hay ẩm thực vỉa hè tại phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến… vào tối cuối tuần.
Bên cạnh những địa chỉ văn hóa, ẩm thực mở 24/7, Hà Nội cũng hình thành những đêm diễn nghệ thuật hấp dẫn. Sự ra mắt hàng loạt tour du lịch đêm tại các điểm di tích như: Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long (vào cuối tuần); Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào thứ tư, thứ bảy, chủ nhật hằng tuần; tour đêm đền Ngọc Sơn vào thứ 4 và thứ 5... đã mang đến nhiều không gian trải nghiệm thú vị cho du khách. Hiện nay, các tour đêm có nhiều mức giá.
Chẳng hạn như, tour “Đêm thiêng liêng” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò phiên bản 2 có giá 399.000 đồng/vé; tour đêm “Tinh hoa đạo học” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám 199.000 đồng/vé; tour “Ngọc Sơn - đêm huyền bí” tại đền Ngọc Sơn 268.000 đồng/vé; tour đêm tại Bảo tàng Văn học giá 100.000 đồng/vé trẻ em và 200.000 đồng/vé người lớn...
Là một du khách từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội thăm thân, chị Nguyễn Tú Anh cho biết, du lịch Hà Nội đã có sự thay đổi rất lớn, mang đến nhiều trải nghiệm hấp dẫn, đặc biệt về đêm.
“Tôi phải đặt vé trước 1 tuần để xem tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò. Đó là một trải nghiệm thú vị để tìm hiểu về lịch sử. Tôi còn được người nhà dẫn đi thưởng thức ẩm thực vỉa hè vào tối cuối tuần ở phố Lương Ngọc Quyến. Những ngày ở Hà Nội, tôi đã trải nghiệm rất nhiều điểm văn hóa thú vị”, chị Nguyễn Tú Anh bày tỏ.
Còn chị Hoàng Thu Hiền (ở quận Nam Từ Liêm) cho biết, dù đã sống ở Hà Nội nhiều năm nhưng rất ngạc nhiên khi lần đầu tiên được thưởng thức tour đêm “Ngọc Sơn - Đêm huyền bí” ở đền Ngọc Sơn.
“Tôi đã vào đền Ngọc Sơn nhiều lần, nhưng chương trình buổi tối là trải nghiệm khác biệt. Chương trình dàn dựng công phu, đẹp mắt với công nghệ chiếu sáng hấp dẫn”, chị Hiền chia sẻ. Trong khi đó, anh Philip Walter, một du khách người Anh cho biết, rất thích trải nghiệm tour đêm hoàng cung ở di sản Hoàng thành Thăng Long.
Định vị thương hiệu du lịch Thủ đô
Các sản phẩm tour đêm của Hà Nội được duy trì từ nhiều năm nay để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Sự mới mẻ, đổi mới tư duy của các đơn vị điểm đến đã mang đến bản sắc riêng cho du lịch Hà Nội.
Năm 2017, vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” ra mắt ở sân khấu lớn có diện tích 4.300m2 dưới chân núi chùa Thày (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) đã gây ấn tượng mạnh với du khách cả nước và quốc tế, trở thành dấu ấn của du lịch Thủ đô. Đến nay, Hà Nội đã có thêm nhiều chương trình biểu diễn đêm được đầu tư, đổi mới hấp dẫn. Điều đáng nói, yếu tố công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu trong các tour đêm.
Điển hình như tour đêm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám mang đến sự khác biệt với sản phẩm trình chiếu ánh sáng 3D mapping (kỹ thuật sử dụng ánh sáng, hình ảnh để tạo ra các hiệu ứng 3D trên một bề mặt) để truyền tải nội dung về đạo học. Mới đây nhất, tour đêm “Ngọc Sơn - Đêm huyền bí” kết hợp cả công nghệ chiếu sáng 3D mapping lẫn trình diễn bán thực cảnh. Sau khi ra mắt, chương trình nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Nói về việc xây dựng sản phẩm du lịch đêm, Giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn bày tỏ tâm tư: “Di sản dù giá trị đến mấy cũng chỉ là “tài nguyên”. Muốn tạo nên sức hấp dẫn để thu hút khách du lịch, cần biến giá trị di sản đó thành sản phẩm văn hóa. Vì thế, với sự chỉ đạo, định hướng của thành phố, chúng tôi nỗ lực thực hiện tour đêm để góp phần định vị thương hiệu văn hóa, du lịch cho Thủ đô”.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, đầu tư công nghệ cho tour đêm cần chi phí rất lớn, nhưng đơn vị vẫn nỗ lực duy trì để tạo điểm đến văn hóa, du lịch thường xuyên cho du khách.
Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa mang bản sắc của Thủ đô, đưa những giá trị đó thành nguồn lực phát triển của kinh tế, xã hội Thủ đô. Với tinh thần ấy, các đơn vị điểm đến nỗ lực xây dựng các sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn nhưng đậm tinh hoa, văn hóa Hà Nội để tạo bản sắc riêng.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, tới đây, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các địa phương rà soát và đề xuất xây dựng thêm sản phẩm du lịch đêm. “Các sản phẩm phải bảo đảm phát huy tiềm năng đang có và nét đặc trưng của từng địa phương”, bà Đặng Hương Giang nêu rõ.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/kham-pha-dem-ha-noi-661444.html