Khám phá 'hồ treo' trên núi
Khoảng một năm trở lại đây, nhiều 'phượt thủ', thợ săn ảnh và khách du lịch chọn hồ thủy điện La Trọng (xã Trọng Hóa, Minh Hóa) là điểm khám phá. Bởi đến đây, khách du lịch không chỉ được tận mắt chứng kiến vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của 'hồ treo' trên núi mà còn được trải nghiệm cuộc sống, sản xuất và những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số nơi này.
Một ngày giữa tháng 5, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa Hồ Phin mời tôi trở lại xã thăm hồ thủy điện La Trọng. Sau hơn 150km hành trình, tôi đã đặt chân đến mảnh đất biên cương. Từ phía hạ lưu khe Dọi đoạn qua bản Ra Mai nhìn lên, công trình thủy điện La Trọng như một “hồ treo” lơ lửng trên cao giữa 2 bên vách núi. Dạo chơi trên lòng “hồ treo”, con thuyền (nôốc) gắn máy do Bí thư Chi bộ bản Ra Mai Hồ Niên điều khiển khởi hành từ chân đập dâng thuộc bản Ka Oóc đi theo nhánh đông bắc về phía van xả khoảng 2km giữa dòng khe Heng kéo đến khe Cha Âu thuộc bản Ông Tú.
Sau khi trở lại hướng đập dâng, chúng tôi đi khoảng 30 phút thì đến bản Dộ-Tà Vờng. Dọc đường đi, ông Hồ Phin cho biết: “Hồ thủy điện La Trọng lấy nước từ nhiều khe suối lớn nhỏ trên địa bàn. Khe chính là khe Dọi bắt nguồn từ vùng Sòn. Hai bên lòng hồ là những cánh rừng nguyên sinh do nhà nước và cộng đồng dân cư quản lý.
Từ khi có hồ thủy điện, nhiều bà con đã tự đóng nôốc để đi lại, sắm thêm ngư cụ đánh bắt thủy sản. Đây cũng là con đường quan trọng để xã kiểm tra, phòng chống thiên tai tại các bản nếu đường bộ bị chia cắt do mưa lũ, sạt lở đất”.
Trên cuộc hành trình, chúng tôi trải qua nhiều đoạn sông, núi với cảnh tượng đẹp mắt, hùng vĩ với bản làng cùng những ngôi nhà sàn ẩn hiện trong mây, là những ngọn núi cao phủ xanh bởi nhiều loại gỗ quý. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là những dãy tre, nứa mọc tự nhiên xanh mát cung cấp măng, vật liệu làm nhà cho bà con bao đời nay. Bên dưới lòng hồ có những đoạn uốn lượn rộng khoảng 70m, có chỗ phình to khoảng 200m. Dọc đường, chúng tôi cũng bắt gặp nhiều rẫy lúa, nương ngô của bà con xanh mướt…
Điểm cuối của lòng hồ là hợp lưu giữa nhánh khe Dọi và khe Dộ. Từ dưới hồ nhìn lên, bản Dộ-Tà Vờng hiện ra trước mắt đẹp như một bức tranh thủy mặc giữa đại ngàn Trường Sơn. Khoảng 100 ngôi nhà thấp thoáng trong biển mây như dải lụa đào, tạo thành bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ. Đoạn khe phía bên dưới là một thác nước trắng xóa chảy ra từ những khối đá khổng lồ. Nhìn về phía xa là dãy Giăng Màn với những ngọn núi nhỏ mang tên Ku Lông, Y Hơn, Y Răng… gắn liền với với những vị thần, truyền thuyết đầy bí ẩn.
Từ ngày có hồ thủy điện La Trọng, cuộc sống mưu sinh của bà con dọc tuyến đường thủy này đỡ vất vả hơn. Nếu như trước đây, việc lên nương rẫy, đánh cá, hái măng, lấy mật ong của bà con chỉ bằng đường bộ hoặc đi xe máy, thì nay, từ khi có hồ thủy điện, hơn 20 hộ dân đã sắm nôốc gắn máy, hàng trăm hộ làm bè, thuyền độc mộc để đánh cá mưu sinh. Anh Hồ Thao, một người dân ở bản Ra Mai tâm sự: “Từ khi hồ thủy điện dâng nước, các loại thủy sản dưới lòng hồ nhiều hơn hẳn. Thấy vậy, tôi và bà con trong bản đóng nôốc, mua sắm ngư cụ đánh bắt cá, ốc, hái măng và buôn bán cũng thuận lợi hơn nhiều...”.
Để đánh cá, Hồ Thao đã sắm thuyền trị giá gần 10 triệu đồng, mua lưới, chài, cần câu và làm hẳn một cái xù (lán) trên mảnh đất trống sát bờ hồ để tiện cho việc đánh bắt. Ban ngày, vợ chồng anh lên nương rẫy hái măng, trồng sắn, rau, tối đến thì đi thả lưới, giăng câu để tăng thu nhập. “Cá ở đây nhiều lắm, mỗi đêm tôi cũng đánh được khoảng 5-7kg cá mát, cá trê, cá lóc, cá diếc, cá choạc… bán được khoảng 500-600 nghìn đồng. Có hôm may mắn, tôi còn đánh được cá chình, cá lăng, cá chạch lấu... thu về hơn triệu đồng”, Hồ Thao nói.
Sau khi có hồ thủy điện, bà con đi lấy măng, mật ong, buôn bán, trao đổi hàng hóa cũng thuận tiện hơn trước. Gà, lợn và nhiều sản vật của người dân cũng bán được giá cao hơn nên ai cũng phấn khởi. Trưởng bản Dộ-Tà Vờng Hồ Khiên cho hay: “Sắp tới, tôi sẽ vận động bà con phát triển chăn nuôi, tạo ra các sản phẩm để phục vụ khách du lịch. Đồng thời, nhờ chính quyền tìm các đầu mối mua măng rừng, mật ong, cá khe… để tăng thêm thu nhập cho bà con”…
Ngoài những tiềm năng mà thiên nhiên ban tặng, đồng bào người Khùa, Mày sống dọc hồ thủy điện La Trọng còn có nhiều nét văn hóa độc đáo cùng những món ăn độc lạ cho những ai muốn khám phá. Điểm nhấn trên hành trình khám phá này sẽ là bản là Dộ-Tà Vờng. Đây là bản tái định cư từ năm 2013, đẹp như bức tranh thủy mặc, mang trong mình những huyền tích văn hóa đậm chất sử thi của người Mày. Nhìn từ xa, bản hiện ra mờ ảo trong biển mây dưới chân dãy Giăng Màn như tiên cảnh.
Đến với Dộ-Tà Vờng, “phần thưởng” cho khách là được chứng kiến biển mây trắng bồng bềnh ôm lấy bản làng, vờn quanh núi rừng, khe suối như chốn bồng lai. Giữa màu xanh của núi rừng là màu xanh non của rẫy lúa, nương ngô, lúa nước trên ruộng bậc thang. “Hiện, người Mày chúng tôi vẫn lưu giữ những lễ hội, như: Lễ cúng giang sơn, buộc chỉ cổ tay, cúng cơm mới...
Đến mùa lễ hội, trai gái trong bản lại ăn mặc đẹp, chuẩn bị lễ vật để già làng làm lễ tế Giàng, trời đất và các vị thần. Đến đây, du khách không chỉ được ngắm cảnh núi sông hùng vĩ mà còn được trải nghiệm cuộc sống săn bắt, hái lượm, sản xuất cùng đồng bào, thưởng thức những món ăn độc đáo, như: Canh măng nấu cá suối, canh gà nấu củ sắn, cá mát nướng, bồi, rượu cần từ nếp than, rượu đoác…”, trưởng bản Hồ Khiên chia sẻ. Năm 2019, bản Dộ-Tà Vờng đã được huyện Minh Hóa chọn để xây dựng thành bản nông thôn mới và nay đã được quy hoạch đẹp đẽ, ngăn nắp.
Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Tiến Dũng cho biết: “Để phát triển du lịch tại các bản trên tuyến đường vào bản Lòm và lòng hồ thủy điện, huyện sẽ hỗ trợ cho bà con phát triển thêm các mô hình sinh kế, như: Nuôi gà và lợn bản, cá lồng, phát triển thêm các mô hình trồng lúa nước, nghề đan thủ công truyền thống, khôi phục lại các lễ hội, làm rượu cần bằng lúa rẫy, lúa nếp than; giao khoán rừng để bà con bảo vệ, chăm sóc; hướng dẫn bà con khai thác thủy sản, sản vật xung quanh hồ gắn với việc bảo vệ môi trường, vừa tái tạo nguồn thủy sản. Đây cũng là khu vực biên giới nên huyện sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ người ra vào để bảo đảm an ninh”…
Giờ đây, khái niệm làm du lịch đối đồng bào người Khùa, Mày đã dần hình thành. Thời gian tới, nếu nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nhà đầu tư du lịch chuyên nghiệp, hồ thủy điện La Trọng cùng với các bản làng nơi đây sẽ trở thành một điểm du lịch đặc sắc, khó quên trong hành trình khám phá của du khách…
Thủy điện La Trọng có tổng mức đầu tư 825 tỷ đồng, khởi công năm 2007 do Công ty CP thủy điện Trường Thịnh đầu tư. Theo thiết kế, công trình có công suất lắp máy 18MW, sản lượng điện trung bình hàng năm đạt 60 triệu kWh. Đến nay, công trình cơ bản đã hoàn thành và dự kiến đưa vào vận hành trong thời gian tới.
Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202305/kham-pha-ho-treo-tren-nui-2209539/