Khám phá 'kho báu' ở Vườn Quốc gia Chư Mom Ray Kon Tum
Không chỉ sở hữu diện tích rừng tự nhiên lớn hơn 56.000 ha, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (tỉnh Kon Tum) còn là nơi trú ngụ, sinh sống của hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. 'Kho báu' này đang được chủ rừng giữ gìn và bảo vệ nghiêm ngặt.
Vườn Quốc gia (VQG) Chư Mom Ray nằm ở phía Bắc của Tây Nguyên và phía Tây của tỉnh Kon Tum. Là một trong số 30 VQG thuộc hệ thống rừng đặc dụng của cả nước, vườn có tổng diện tích hơn 56.200 ha trải dài trên địa bàn hai huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum). Đây là VQG duy nhất của Việt Nam nằm tiếp giáp với 2 nước bạn Lào và Campuchia.
Đóng vai trò như “lá phổi xanh” của Bắc Tây Nguyên, những năm qua VQG Chư Mom Ray đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường, điều hòa khí hậu. Sở hữu nhiều nguồn gen quý, năm 2004 VQG Chư Mom Ray đã được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là di sản ASEAN. Không chỉ sở hữu diện tích rừng lớn, trải dài trên nhiều xã, vườn còn là nơi tập trung các hệ động- thực vật quý hiếm, phong phú và đa dạng.
Theo số liệu thống kê của VQG Chư Mom Ray, hiện vườn sở hữu gần 2.000 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó 192 loài nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị cao về kinh tế và khoa học. Ngoài ra có khoảng hơn 1.000 loài động vật thuộc 6 lớp khác nhau như: Thú, Chim, Bò sát, Lưỡng cư, Cá, Côn trùng.
Trong số hơn 1.000 loài động vật đã ghi nhận được ở vườn có 112 loài quý, hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và Thế giới, cần ưu tiên bảo tồn như: Mang trường sơn, trâu rừng, bò rừng, bò tót, sói đỏ, beo lửa, gấu ngựa, hổ đông dương, Voọc vá chân nâu…Ngoài những loài động vật trong Sách đỏ, VQG Chư Mom Ray cũng còn có nhiều loài cây gỗ nổi tiếng Đông Nam Á như chò chỉ, tuế lá xẻ, trầm hương, cẩm lai, vù hương, trắc…
Trao đổi với PV, ông Đào Xuân Thủy – Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray cho biết: “Đây là nơi có tính đa dạng sinh học cao và có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học khu vực Đông Dương. Với các điều kiện về sinh cảnh, khí hậu, thủy văn cùng với hệ sinh thái rừng đặc trưng đã tạo ra môi trường lý tưởng cho hệ động vật sinh sống, trú ngụ. Mặc dù chưa đi sâu vào bảo vệ từng con, từng loài song từ trước đến nay chúng tôi luôn bảo vệ chung cả khu vực, bảo vệ môi trường tự nhiên ở rừng.
Tuy nhiên, hiện tại, công tác quản lý, bảo vệ cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi diện tích quản lý rộng, địa hình phức tạp, ranh giới vườn đa số là giáp ranh với các khu sản xuất và khu định cư của nhân dân, do đó sức ép tác động vào rừng rất lớn. Mặt khác, việc thiếu lực lượng bảo vệ rừng, các chế độ chính sách cho lực lượng bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo nhu cầu cuộc sống... do đó đã ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ của đơn vị”.
Nhằm góp phần bảo vệ có hiệu quả hơn tài nguyên rừng, các loại động, thực vật và phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu khoa học, VQG Chư Mom Ray đã thành lập Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và Du lịch sinh thái. Đây là nơi tiếp nhận, cứu hộ các loài động vật hoang dã, chăm sóc, tái thả về môi trường sống tự nhiên.
Ngoài ra, trung tâm cũng lưu trữ, bảo tồn nguồn gen các loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; nghiên cứu, thu thập các số liệu, thông tin về sinh học và sinh lý của các loài sinh vật được bảo tồn; phát triển bền vững nguồn gen các loài sinh vật và cung ứng nguồn giống cho phát triển gây nuôi trong cộng đồng để góp phần giảm thiểu các nguy cơ tuyệt chủng các nguồn gen động, thực vật…
Với hệ sinh thái, động vật phong phú, đa dạng có được, VQG Chư Mom Ray được xem là khu vực có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái. Nhằm phát huy được những giá trị của hệ sinh thái trong phát triển du lịch, thời gian qua, Ban Quản lý VQG Chư Mom Ray đã và đang nỗ lực bảo tồn, duy trì, phát triển hệ sinh thái đa dạng này.
Cũng theo ông Thủy, với quyết tâm xây dựng VQG Chư Mom Ray trở thành điểm du lịch hấp dẫn, mang đậm bản sắc riêng, tỉnh Kon Tum đã ban hành Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí VQG Chư Mom Ray giai đoạn 2021-2030 với tổng mức đầu tư trên 133 tỷ đồng.
Theo đó, đề án chia làm 2 giai đoạn là tận dụng và nâng cấp các cơ sở hạ tầng đã có để phát triển du lịch sinh thái (2021-2025) và hướng đến hoàn thiện cơ bản các hạng mục đầu tư theo bản thuyết minh các điểm du lịch, điểm tham quan (2026- 2030).
Bài và ảnh: Trần Hiền