Khám phá mâm tiệc cuối tuần từ ẩm thực Thái Lan
Ẩm thực Thái Lan trong vài năm trở lại đây rất được lòng thực khách Việt, nhất là ở TPHCM. Dù ở quận, huyện nào mọi người vẫn dễ dàng tìm kiếm cho mình một quán ăn bình dân hay nhà hàng Thái sang trọng. Thế nên, mâm tiệc cuối tuần trưa nay chọn giới thiệu một số món ăn đặc sắc từ quốc gia này.
Cũng như bất kỳ mâm tiệc nào, Trưa nay ăn gì luôn chọn các món đi từ khai vị, món chính cho đến lẩu no bụng và tráng miệng mát lành.
Khai vị – nấm hải sản chiên kiểu Thái: Chọn những cây nấm tươi ngon, đầu bếp áo thêm lớp bột và đem chiên chúng ở lửa lớn trong chảo ngập dầu. Thành phẩm thu về là những cọng nấm giòn từ lớp vỏ cho đến nhân bên trong. Đây là món ăn khai vị mới lạ mà các nhà hàng Thái áp dụng thời gian gần đây.
Khai vị – Gỏi cá trê: Như tên gọi, món ăn là sự kết hợp từ thịt cá trê và xoài xanh trộn gỏi. Theo đó, đầu bếp khéo léo lọc phần thịt phi lê của cá trê rồi bằm nhỏ, lăn bột và chiên tạo hình bánh như tổ chim. Dọn kèm với đó là xoài xanh trộn sốt chua ngọt ăn kèm.
Khai vị – Gỏi tôm mắm chanh: Nếu trong nhóm khách có người không dùng được thịt cá thì bạn cũng đừng quá lo lắng bởi món thay thế gỏi tôm mắm chanh. Thực tế, đây là món ăn nổi lên trong những năm gần đây bởi sự độc đáo trong cách chế biến. Cụ thể, tôm tươi được lột vỏ, phần đầu thì đem chiên giòn, phần thân thì ăn sống kèm nước sốt mắm chanh.
Món chính – Gà lạnh sốt thảo dược: Chọn những gia vị thảo mộc từ cây, lá, đầu bếp khéo léo trộn theo công thức riêng để tạo phần nước sốt ướp lên thịt gà. Điểm nổi bật của món ăn này là gà được làm chín rồi để trong tủ lạnh và thưởng thức kiểu lạnh. Món ăn hứa hẹn tạo nên sự thích thú cho mọi người trong bữa trưa Thái Lan.
Món chính – Bò Fuji nướng sốt Thái: Đối với các món ăn từ thịt bò, phương pháp nướng là cách giữ lại độ ngọt tự nhiên nhất của thịt bò, và tài nghệ canh nhiệt vừa đủ của đầu bếp đã tạo nên từng miếng thịt bò chín mặt ngoài, mặt trong vẫn còn mọng nước. Đặc biệt, bò Fuji rất được quán ăn và thực khách ưa chuộng bởi mức giá phải chăng mà chất lượng không kém cạnh bò Kobe. Cách nhận diện thịt bò Fuji trước khi nướng là từng thớ vân cẩm thạch đẹp đều trên mặt thịt.
Món chính – Lẩu Thái: Không như tên gọi, lẩu Thái không bắt nguồn từ Thái Lan mà do người Việt thấy vị chua cay của chúng mà đặt tên. Tuy vậy, nước dùng của lẩu Thái cơ bản vẫn mang vị chua, cay, ngọt đặc trưng trong ẩm thực Thái. Phần thức ăn kèm thì đa dạng như thịt heo, bò, gà hay hải sản. Rau ăn kèm vẫn là bắp, rau muống, nấm.
Với mâm tiệc như trên, nhóm khách phù hợp dùng bữa là từ 5-6 người, giá khoảng 1 – 1,2 triệu đồng tùy quán. Khác với quán ăn Việt Nam khi tráng miệng là trái cây, người Thái thường kết thúc bữa tiệc bằng ly nước trà sữa hay trà tắc Thái nên mọi người có thể gọi dùng thử.
Gia Hân tổng hợp
Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/kham-pha-mam-tiec-cuoi-tuan-tu-am-thuc-thai-lan/