Khám phá những công trình trên giao lộ di sản tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024

Hà Nội có nhiều công trình nổi tiếng nằm trên những giao lộ trung tâm. Những công trình này không chỉ thu hút bởi kiến trúc độc đáo, mà còn nắm giữ nhiều bí mật riêng. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 với chủ đề 'Giao lộ sáng tạo' diễn ra tới đây sẽ lần lượt giới thiệu đến du khách những công trình này cùng những sáng tạo vượt thời gian.

Bức tranh tường tại Đại học Tổng hợp

Ngay tại trung tâm Hà Nội, trên con phố Lê Thánh Tông, có một bức họa khổng lồ được vẽ theo phong cách bích họa châu Âu nhưng nội dung tác phẩm lại hoàn toàn mang chất Việt. Đó là bức họa ở giảng đường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), nơi xưa kia là Đại học Đông Dương, rồi Đại học Tổng hợp.

Kiến trúc vòm tại giảng đường của Đại học Tổng hợp. Ảnh: BTC

Kiến trúc vòm tại giảng đường của Đại học Tổng hợp. Ảnh: BTC

Trung tâm bức họa là cổng tam quan truyền thống quen thuộc vùng Đồng bằng Bắc Bộ, nằm dưới một tán cây cổ thụ sum xuê. Hai bên cổng là một đôi câu đối về sự học, dịch nghĩa là: “Nhân tài là nguyên khí quốc gia/Đại học là gốc của giáo hóa”.

Khoảng không gian rộng trước cổng tam quan là nơi họa sĩ mô tả sinh động chân dung những con người trong xã hội Việt Nam cách đây tròn một thế kỷ - khi Việt Nam còn là thuộc địa, gồm cả người Pháp lẫn cư dân bản xứ.

Bức tranh tại giảng đường của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ảnh: BTC

Bức tranh tại giảng đường của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ảnh: BTC

Bức họa khổng lồ có kích thước 11x7m, đặt ở trung tâm giảng đường. Kết hợp cùng kiến trúc với những cây cột, mái vòm khổng lồ, giảng đường gợi cảm giác như một thánh đường - nhưng đây là thánh đường của tri thức.

Tác giả của bức họa khổng lồ này là họa sĩ Victor Tardieu - Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Mỹ thuật Đông Dương, cái nôi đào tạo hàng loạt nhân tài mỹ thuật cho đất nước, giúp mỹ thuật Việt vang danh thế giới. Bức họa có đến 200 nhân vật khác nhau, trong đó có cả cha con họa sĩ.

Nhiều người vẫn nghĩ công trình là một kiến trúc Pháp. Nhưng thực tế, các kiến trúc sư sử dụng rất nhiều họa tiết trang trí của phương Đông, của Việt Nam để “phối” vào phong cách kiến trúc phương Tây. Kết quả là họ tạo ra một phong cách kiến trúc mới, không gặp ở đâu trên thế giới, được định danh là kiến trúc Đông Dương.

Những vết đạn gần 80 năm tuổi

Một đặc trưng của Hà Nội là những con phố Pháp do người Pháp xây dựng. Những con phố Pháp điển hình ở khu vực quận Hoàn Kiếm được thiết kế ô bàn cờ, luôn có một sự hài hòa giữa các tòa nhà - vườn hoa - mặt nước. Trục đường Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông có những điểm nhấn về kiến trúc như: Ngân hàng Nhà nước - Bắc Bộ phủ - Nhà hát Lớn - Đại học Tổng hợp là một điển hình như thế. Đan xen những công trình kiến trúc là các vườn hoa: Diên Hồng, Cổ Tân, Tao Đàn...

Bắc Bộ phủ vẫn còn lưu dấu những "vết sẹo", nhắc nhở về một thời kỳ lịch sử của Hà Nội. Ảnh: BTC

Bắc Bộ phủ vẫn còn lưu dấu những "vết sẹo", nhắc nhở về một thời kỳ lịch sử của Hà Nội. Ảnh: BTC

Trên giao lộ trung tâm, nếu khám phá công trình tòa nhà Bắc Bộ phủ, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi hàng rào sắt của tòa nhà có những “vết sẹo” lồi lõm. Thậm chí, có cả những thanh sắt bị xuyên thủng, hay trên thanh sắt còn găm những mẩu kim loại. Những “vết sẹo” này có một lịch sử độc đáo, đầy bi tráng.

Người dân Việt Nam đều biết, Cách mạng Tháng Tám thành công tại Hà Nội vào ngày 19-8-1945. “Mốc son” đánh dấu sự thành công này là khi quân ta chiếm Phủ Thống sứ Bắc Kỳ - nơi chính là Nhà khách Chính phủ hiện nay. Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một thời gian sống, làm việc tại nơi này.

Khi toàn quốc kháng chiến nổ ra tháng 12-1946, Bắc Bộ phủ là một trong những nơi quân Pháp tập trung lực lượng mạnh nhất để chiếm lại. Hỏa lực quân Pháp vượt trội, không ngạc nhiên khi những vết sẹo trên hàng rào sắt chủ yếu hướng từ bên ngoài vào.

"Kho tàng" bí mật tại Nhà hát Lớn Hà Nội

Nhà hát Lớn là một trong những biểu tượng của kiến trúc và nghệ thuật Hà Nội. Trước kia, nơi đây vốn là một đầm lầy. Để xây dựng được tòa nhà lớn này, những người thợ xưa đã phải đóng tới 35 nghìn chiếc cọc tre. Nhiều nguyên vật liệu khi xây dựng phải nhập khẩu từ Pháp sang.

Nhà hát Lớn Hà Nội trước kia là một đầm lầy. Ảnh: BTC

Nhà hát Lớn Hà Nội trước kia là một đầm lầy. Ảnh: BTC

Nếu giảng đường Đại học Đông Dương tạo cảm giác như một thánh đường thì nội thất bên trong Nhà hát Lớn lộng lẫy như một cung điện châu Âu.

Nằm ngay sau Nhà hát Lớn là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, xưa kia là Viện Viễn Đông Bác cổ. Nếu như Đại học Đông Dương khởi đầu cho kiến trúc Đông Dương thì với Viện Viễn Đông Bác cổ, những yếu tố kiến trúc, mỹ thuật phương Đông được sử dụng đậm nét.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 chủ đề “Giao lộ sáng tạo” sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 17-11, gồm hơn 100 hoạt động tại tuyến chính xung quanh Quảng trường Cách mạng Tháng Tám ở quận Hoàn Kiếm, cùng các địa điểm hưởng ứng ở 30 quận, huyện, thị xã.

Không gian này có hàng loạt di sản kiến trúc từ thời Pháp thuộc và đang được khai thác trong thời hiện đại như: Cung Thiếu nhi Hà Nội (Ấu Trĩ Viên), Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ phủ), Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Tổng hợp… và các vườn hoa Nhà hát Lớn, Cổ Tân, Diên Hồng, Tao Đàn, Lý Thái Tổ. Những công trình kiến trúc, những vườn hoa sẽ trở thành không gian của văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo.

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/kham-pha-nhung-cong-trinh-tren-giao-lo-di-san-tai-le-hoi-thiet-ke-sang-tao-ha-noi-2024-681927.html