Khám phá những nơi 'thâm sơn cùng cốc'
Với đặc thù có dãy Thất Sơn huyền bí, có cụm núi Ba Thê linh thiêng, những giai thoại về vùng 'năm non, bảy núi' tồn tại lâu dài với thời gian. Bên cạnh những địa điểm nổi tiếng, quen thuộc với nhiều người, những nơi 'thâm sơn cùng cốc' có nhiều câu chuyện kỳ bí không kém phần hấp dẫn.
Từ vùng đất ông Thoại…
So với dãy Thất Sơn hùng vĩ, cụm núi Ba Thê (Thoại Sơn) khá khiêm tốn, “mọc” lẻ loi giữa vùng đồng bằng Tứ giác Long Xuyên. Ngoại trừ núi Ba Thê lớn nhất (cao 221m, chu vi 4.220m), các “ngọn núi” còn lại (núi Nhỏ, núi Trọi, núi Tượng, núi Chóc) chỉ như những đồi đá nhỏ.
Nếu như cụm núi Ba Thê đã khiêm tốn thì cụm núi Sập (gồm: núi Sập, núi Nhỏ và núi Bà) càng khiêm tốn hơn. Trong đó, núi Sập – ngọn núi trùng tên với trung tâm huyện Thoại Sơn – dù “mang tiếng” là lớn nhất so với 2 “núi” còn lại nhưng chỉ cao có 85m, chu vi 3.800m. Tuy vậy, núi Sập vẫn thừa hấp dẫn với khung cảnh đẹp, linh thiêng và huyền bí. Khi có ai đó đố vui “Ngọn núi nào cao nhất?”, nếu là dân An Giang sẽ không chọn đáp án là “đỉnh Everest của dãy Himalaya” (nóc nhà thế giới) hay “Fansipan” (nóc nhà Đông Dương) mà chính là… núi Sập với giải thích đơn giản: Do núi cao quá nên… “sập” xuống.
Thiền viện Trúc Lâm
Tuy “nhỏ nhưng có võ”, núi Sập giờ đây trở thành điểm du lịch rất hấp dẫn. Từ khu khai thác đá trước đây, Thoại Sơn đã đầu tư, xây dựng thành khu hồ Ông Thoại rộng đến 9ha. Từ đỉnh núi Sập nhìn xuống, lòng hồ Ông Thoại trông như “vịnh Hạ Long thứ 2” với những mỏm đá nổi trên mặt nước, được nối bởi cầu Mai An Tiêm, cầu Khoa Bảng, cầu Vọng Nguyệt, thiết kế uốn cong như cầu vồng. Trên bệ đá giữa hồ, tượng Thoại Ngọc Hầu đứng sừng sững, uy nghi, một tay chỉ về hướng kênh Thoại Hà như nhắc thế hệ hôm nay nhớ về công lao của những người khai hoang mở cõi, biến vùng đất hoang vu trở nên trù phú... Phía lòng hồ số 2 và số 3, thiền viện Trúc Lâm đã hình thành, rộng 11ha, đẹp không khác gì thiền viện nơi Đà Lạt nổi tiếng.
Thạch Đại Đao trên núi Ba Thê
Với những người yêu thích núi Sập, không chỉ bị hấp dẫn bởi cảnh đẹp nơi chân núi mà là cảm giác khám phá đỉnh núi. Con đường lên đỉnh núi giờ đây xe 2 bánh hay 4 bánh đều có thể lên được. Trên cung đường này, mỗi ngày có cả trăm lượt bệnh nhân tìm đến đại đức Thích Thiện Thành, trụ trì chùa Phước Duyên (trên đỉnh núi Sập) để nhờ bốc thuốc trị bệnh. Sư Thành tuy trẻ tuổi nhưng là đệ tử chân truyền của cố hòa thượng Thích Thiện Duyên (trụ trì chùa Phước Duyên trước đây), được sư Duyên truyền cho nhiều bài thuốc quý chuyên trị các chứng bệnh nan y… nên bệnh nhân tìm đến rất đông.
Với những người không đi khám bệnh mà muốn khám phá núi Sập, có thể vào chùa Phước Duyên nghỉ ngơi, cảm nhận không khí trong lành cùng vẻ cổ kính của ngôi chùa. Sau đó tiếp tục hành trình khám phá hang Dơi, nghe người dân kể những giai thoại về bạch hổ (hiện có hang thờ ông Hổ), truyền thuyết về điện Ngọc Hoàng (hiện vẫn còn chiếc “ngai” để Ngọc Hoàng ngồi)… Chỉ cần trèo cầu thang lên đỉnh hang Dơi, trải nghiệm cảm giác bốn bề gió lộng và chụp những tấm ảnh “tự sướng” với khung cảnh bên dưới là hồ Ông Thoại, là Thiền viện Trúc Lâm đẹp lung linh, là thị trấn Núi Sập đang vươn mình phát triển, là dòng Thoại Hà chảy êm đềm về phía Biển Tây… cũng đủ cho tâm hồn sảng khoái.
…đến “năm non, bảy núi”
Từ núi Sập, du khách di chuyển khoảng 13km nữa trên Tỉnh lộ 943 là đến núi Ba Thê, ngọn núi nằm lẻ loi như nét chấm phá kỳ lạ giữa vùng đồng bằng Tứ giác Long Xuyên. Nơi đây có nền văn hóa cổ Óc Eo – Ba Thê, có chùa Linh Sơn nổi tiếng. Ai thích thám hiểm những nơi “thâm sơn, cùng cốc”, có thể lên đỉnh núi để viếng chùa Sơn Tiên (được xây dựng vào năm 1933), nghe giai thoại kỳ bí về sự xuất hiện của Thạch Đại Đao (phiến đá giống cây đao lớn hiện vẫn được xây bệ thờ trên núi), khám phá hang ông Hổ. Với người dân vùng núi Ba Thê, hang ông Hổ là nơi rất tâm linh, kỳ bí. Những câu chuyện về sự xuất hiện thường xuyên của rắn to, hổ lớn thời khai hoang, mở đất xứ Ba Thê gợi cho khách hình dung về những vất vả của bậc tiền nhân xưa. Nếu “siêng” khám phá hơn nữa, du khách có thể đi lên chót Ông Tà, đỉnh cao nhất của núi Ba Thê. Từ đây có thể quan sát toàn cảnh vùng Bảy Núi nhấp nhô, những cánh đồng mênh mông của vùng Tứ giác Long Xuyên, xa xa là các hòn đảo trong vùng biển Kiên Giang...
Khám phá hang động ở vồ Bạch Tượng
Khi Tỉnh lộ 943 từ Thoại Sơn đi Tri Tôn được nâng cấp, đoạn đường từ Ba Thê qua vùng Bảy Núi cũng thuận lợi hơn. Sau sự kiện “Bay trên Phụng Hoàng Sơn”, nhiều người biết đến các điểm tham quan mới của núi Tô, đặc biệt là trên tuyến đường lên vồ Hội – “sân bay” của môn dù lượn. Với độ cao 614m (chỉ sau núi Cấm trong dãy Thất Sơn), bản thân vẻ đẹp hoang sơ và khung cảnh hùng vĩ nhìn từ núi Tô đã đủ hấp dẫn du khách. Khi đã lên được vồ Hội, du khách thỏa sức khám phá khu vực Sân Tiên gần điện Năm Căn. Tương truyền rằng, núi Tô lưu giữ một dấu chân của bàn chân phải (vùng núi Cấm lưu giữ dấu chân của bàn chân trái). Bàn chân Tiên phía trước Sân Tiên là địa điểm lý tưởng để du khách dừng lại nghỉ ngơi, “selfie” những bức ảnh đẹp. Đã đến được vồ Hội, du khách có thể ghé viếng miếu Bà Cố, nghe những câu chuyện ly kỳ về Phụng Hoàng Sơn. Từ vồ Hội, du khách có thể ngắm toàn bộ cánh đồng Tà Pạ đẹp hút mắt.
Băng rừng khám phá vồ Bạch Tượng trên núi Cấm
Thất Sơn là tên gọi chung của dãy núi trùng điệp gồm 37 ngọn núi lớn nhỏ, phần đuôi cuối cùng của dãy Trường Sơn. Tên gọi Bảy Núi là để chỉ các núi tiêu biểu gồm: núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), núi Dài lớn (Ngọa Long Sơn), núi Tô (hay Cô Tô, Phụng Hoàng Sơn), núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn), núi Tượng (Liên Hoa Sơn), núi Két (Anh Vũ Sơn) và núi Nước (Thủy Đài Sơn). Trong đó, núi Cấm là ngọn núi nổi tiếng linh thiêng nhất trong dãy Thất Sơn hùng vĩ, được ví như “Đà Lạt thứ 2” của Việt Nam. Núi Cấm cũng sở hữu “năm non” là 5 vồ cao nhất, gồm: vồ Bồ Hong (705m), có tượng thờ Ngọc Hoàng; vồ Đầu (584m); vồ Bà (579m), có điện thờ Bà Chúa Xứ; vồ Ông Bướm (hay Ông Voi, cao 480m); vồ Thiên Tuế (541m). Các vồ này cùng với chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, chùa Phật Nhỏ, tượng Phật Di Lặc… đã quá nổi tiếng nên được nhiều người tìm đến. Tuy nhiên, với những bạn trẻ thích khám phá núi Cấm, họ chấp nhận băng rừng để tìm đến vồ Chư Thần, vồ Cây Quế, vồ Mồ Côi, vồ Đá Dựng, vồ Pháo Binh, vồ Bạch Tượng… để khám phá những dòng suối đẹp như tranh vẽ, nghe những câu chuyện huyền bí, ly kỳ về điện Cây Quế, điện Mười Ba, điện Tam Thanh, điện Huỳnh Long, hang Ông Thẻ, hang Ông Hổ…
Nằm lọt thỏm giữa dãy Thất Sơn hùng vĩ, có ngọn núi nhỏ khá đẹp nhưng ít người để ý là núi Nam Quy (xã Châu Lăng, Tri Tôn). Gần đối diện Trường THCS Châu Lăng có con đường nhỏ, được xây bậc thang dẫn lên chùa Bà Nam Quy – ngôi chùa cổ ít người biết đến. Ông Đỗ Tỷ (sinh năm 1961, nhà ở thị trấn Tri Tôn) cho biết, khi ông còn nhỏ, thường nghe ông ngoại kể về cặp rắn hổ mây to lớn ở phía sau chùa Bà Nam Quy. “Ông tôi nói, cặp rắn sống trong hang, biết phân biệt người thiện, người ác. Những người sống hiền lương, lên núi cầu xin điều gì, có thể được linh ứng. Còn với người ác độc, tâm địa xấu xa, cứ lên núi cầu là mất tích luôn, không thấy về. Đến giờ, nhiều người vẫn sợ không dám lên gần hang có cặp rắn năm xưa” – ông Tỷ thuật lại.
Chùa Bà Nam Quy cùng với giai thoại về cặp rắn khổng lồ biết phân biệt thiện, ác cũng là điểm khám phá thú vị ở vùng Bảy Núi.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/kham-pha-nhung-noi-tham-son-cung-coc--a295366.html