"Ăn trộm lấy may" trong đêm giao thừa là một phong tục độc đáo của người Lô Lô ở Hà Giang vào dịp Tết
Theo quan niệm của người Lô Lô, trong thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một thứ gì đó thì gia đình ấy sẽ gặp nhiều điều may mắn, tốt lành, ăn nên làm ra. Người Lô Lô ăn trộm cầu may nên không lấy nhiều hay những vật có giá trị lớn, chỉ là củ hành, củ tỏi,...
Đặc biệt, khi đi ăn trộm cầu may, người Lô Lô phải đi lặng lẽ, không rủ nhau, gặp người quen cũng coi như không quen biết và không muốn chủ nhà bắt được. Người Lô Lô sống ở huyện Đồng Văn thường "lấy trộm" mỗi thứ 12 cái, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Đối với người Lô Lô sống ở Mèo Vạc, họ sẽ trộm mỗi thứ 3 cái bởi con số may mắn của họ là số 3
Vỗ mông chọn bạn đời là một phong tục có từ xa xưa của đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang. Tục lệ này thường diễn ra vào mùa xuân, trong những ngày Tết truyền thống (sớm hơn Tết Nguyên đán của người Kinh một tháng)
Vào ngày này, thanh niên trai gái người Mông thường hay tụ tập dưới chân núi để vui xuân. Các chàng trai thể hiện bản lĩnh của mình qua các trò chơi: Đẩy gậy, kéo co, múa khèn... Để tìm người yêu, các chàng trai dùng ánh mắt để "phát tín hiệu". Nếu ưng thuận, cô gái sẽ đưa mắt lại, tách khỏi đám đông và... bỏ chạy
Cô gái càng chạy trốn quyết liệt bao nhiêu thì càng chứng tỏ tình yêu của mình với chàng trai mãnh liệt bấy nhiêu. Lời cầu hôn chỉ kết thúc khi chàng trai đuổi tới bắt kịp cô gái, vỗ nhẹ vào mông cô gái ấy và trao những lời yêu thương. Nếu cô gái ưng thuận thì quay lại vỗ nhẹ vào mông chàng trai mà đáp lời đường mật. Sau đó, đôi trai gái sẽ cùng nhau lên núi tìm chỗ tâm sự, hứa hẹn mặn nồng
Với đồng bào Thái trắng ở tỉnh Sơn La, gội đầu bằng nước gạo chua vào buổi chiều ngày 30 tháng Chạp là nghi thức quan trọng nhằm gột rửa hết những điều không may mắn của năm cũ
Gạo được vo cách đó hàng tuần, chắt lấy nước đặc, để chua và cất một cách kỹ lưỡng. Tới chiều 30 tháng Chạp, họ lấy những bát nước gạo chua đã chuẩn bị trước đó và xối từ từ lên tóc
Người Thái trắng quan niệm, gội đầu vào thời điểm cuối cùng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới như là một hành động làm phép nhằm khép lại mọi xui xẻo, rủi ro của năm cũ, gợi lên những điều tốt đẹp, tinh khôi chào đón một năm mới may mắn, bình an
Tết Nguyên đán của người Hà Nhì ở huyện Mường Tè (Lai Châu) được tổ chức vào ngày con rồng cuối tháng 10 Âm lịch hay đầu tháng 11 Âm lịch, khi mà đồng bào nơi đây đã thu hoạch vụ mùa xong xuôi. Trong đó, tục xem bói gan lợn là một phong tục độc đáo, không thể thiếu trong mỗi dịp Tết cổ truyền của người Hà Nhì
Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, dù giàu hay nghèo, các gia đình đều mổ lợn đón năm mới. Việc mổ lợn sẽ được diễn ra vào lúc đầu canh ba, vì theo quan niệm của người Hà Nhì, nhà nào mổ lợn xong sớm, chọc tiết lợn một lần mà được thì năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, phát tài phát lộc
Trong quá trình mổ lợn, người Hà Nhì chú ý giữ gìn phần gan của con lợn một cách cẩn thận vì phần gan này có ý nghĩa tâm linh vô cùng lớn. Người Hà Nhì quan niệm, nếu lá gan lợn lành lặn, màu sắc tươi tốt, mật căng đầy thì năm đó chăn nuôi phát triển, gia đình thuận hòa, sum vầy hạnh phúc
Không giống với những dân tộc khác, Tết cổ truyền của một số đồng bào Thái tại Nghệ An, Thanh Hóa không dựa vào lịch ngày tháng cụ thể mà phần lớn phụ thuộc vào lẽ tự nhiên của trời đất
Theo quan niệm của đồng bào nơi đây, khi bà con thu hoạch mùa màng xong, trời có dấu hiệu chuyển mùa là lúc năm mới đang đến. Khoảnh khắc tiếng sấm đầu tiên vang lên được coi là giao thừa
Sau khi nghe tiếng sấm, chủ nhà sẽ gọi các thành viên trong gia đình dậy, đồng thời chạm vào các vật dụng trong nhà để đánh thức chúng dậy cùng đón năm mới. Tiếng sấm giao thời còn là cơ sở để già làng đưa ra dự báo về năm sau. Tiếng sấm càng rền vang chứng tỏ năm sau mùa màng sẽ bội thu, trời đất thuận hòa
Tết Nguyên đán của người Cao Lan, Thái Nguyên thường bắt đầu từ 25 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng. Trong quan niệm của họ, ngày 30 Tết mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Vào ngày này, người dân sẽ dậy sớm, lau dọn nhà cửa và tiến hành "Chí dịt", tục dán giấy đỏ trong nhà
Buổi sáng ngày cuối cùng của năm cũ, toàn bộ ngôi nhà được nhuộm một sắc đỏ rực rỡ. Khắp mọi nơi đều được "niêm phong" giấy đỏ. Từ cối xay, cuốc, xẻng, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà cho đến bàn thờ tổ tiên, các cửa ra vào… đều được dán giấy đỏ để các vật này được "nghỉ Tết"
Theo quan niệm của người Cao Lan, màu đỏ của giấy tượng trưng cho sự may mắn, cầu chúc một năm mới tốt lành, hạnh phúc, nhiều tài lộc sức khỏe, mùa màng bội thu, giúp gia chủ xua đuổi tà ma, cây trồng không bị chim, thú, sâu bọ phá hoại
Tết Cha Kchiah, hay còn gọi là Tết ăn than, là một nét đặc trưng trong sinh hoạt cộng đồng của người Giẻ Triêng (tỉnh Kon Tum)
Để chuẩn bị cho Tết ăn than, đàn ông trong buôn thường rủ nhau vào rừng, chọn những cây chắc nhất, đốt lấy than và mang về làng. Vào ngày Tết, các loại tro được hất tung lên cao. Theo quan niệm của người Giẻ Triêng, ai dính nhiều tro đốt từ than nhất sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới
Bên cạnh ý nghĩa tâm linh, Tết ăn than còn giúp bà con dân làng gần gũi nhau hơn, giải tỏa mọi hiềm khích, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau
Tết nhảy hay "Nhiang chằm Ðao" là nghi lễ cúng Bàn Vương thủy tổ của dân tộc Dao ở nhiều vùng trong cả nước như Phú Thọ, Hòa Bình, Lào Cai, Thanh Hóa hay Ba Vì (Hà Nội). Đây được xem là một trong những phong tục vô cùng thú vị và độc đáo
Tùy vào điều kiện kinh tế mà mỗi gia đình người Dao mới làm Tết nhảy. Tết nhảy chỉ làm ở "Nhà cái" (con trưởng, trưởng họ) và là việc của mỗi gia đình, nhưng được cả bản chung tay góp sức, giúp đỡ chuẩn bị cỗ và lễ lạt, coi đó là Tết chung cho cả vùng
Lễ cúng chỉ giản đơn gồm thịt và rượu để dâng lên tổ tiên, sau đó được mang ra thiết đãi bà con. Bữa cơm nhanh chóng kết thúc và nhường chỗ cho những điệu nhảy tri ân tổ tiên. Đây được coi là linh hồn của Tết nhảy. Những người tham gia Tết nhảy sẽ tham gia hết mình, đắm chìm vào những điệu nhảy uyển chuyển bên tiếng trống, tiếng kèn
Kiều Phương (Tổng hợp)